Sẽ cấp phép xây dựng tạm thời cho vùng có dự án treo

Nhiều dự án bị "treo" gây khó cho cuộc sống người dân. Ảnh: Vnexpress.
Nhiều dự án bị "treo" gây khó cho cuộc sống người dân. Ảnh: Vnexpress.
TP - Dẫn thực tế tại TPHCM khi người dân rất khổ sở bởi quá nhiều dự án treo, Đại biểu Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, cấp giấy phép xây dựng tạm cho người dân ở trong khu vực quy hoạch treo là cần thiết.

Chiều 10/4, thảo luận về Luật Xây dựng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, dẫn thực tế tại TPHCM khi người dân rất khổ sở bởi quá nhiều dự án treo, Đại biểu Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, cấp giấy phép xây dựng tạm cho người dân ở trong khu vực quy hoạch treo là cần thiết.

ĐB Huỳnh Thành Lập nêu quan điểm, việc cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phải nêu rõ nếu xây dựng trong thời hạn của dự án, khi thu hồi đất chủ công trình phải tự tháo dỡ mà không nhận đền bù. Nhưng nếu hết thời hạn quy hoạch dự án, bên thu hồi đất phải đền bù, bồi hoàn các công trình đã được cấp phép tạm như cấp phép chính thức.

Đồng ý với quan điểm này, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến góp ý thêm: “Nên cân nhắc đổi tên giấy phép xây dựng tạm thành giấy phép xây dựng có thời hạn”. Ông Tiến lưu ý khi cấp phải gắn với điều kiện, hồ sơ cụ thể.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa nhận: “Trước đây, chưa có chế tài quản lý quy hoạch treo vì vậy ai xây dựng coi như vi phạm, nhưng không xây dựng lại rất lãng phí. Nguyên nhân do cơ quan quản lý chưa xây dựng pháp luật đầy đủ, nhiều quy hoạch không có kế hoạch thực hiện”. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2013 về Quản lý đầu tư phát triển đô thị để khắc phục tình trạng này.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, trước đòi hỏi của thực tế, Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ đưa quy định cấp giấy phép xây dựng tạm thời (có thời hạn) trong khu vực quy hoạch để đảm bảo quyền lợi của người dân.

Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu việc sửa đổi Luật Xây dựng phải khắc phục những hạn chế hiện nay. Đặc biệt, việc cấp giấy phép xây dựng tạm hay có thời hạn phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. 

Nghề công chứng “lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”?

Thảo luận về Luật Công chứng (sửa đổi), đối với nguyên tắc hành nghề công chứng “không vì mục đích lợi nhuận”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, “nghề công chứng nếu không vì lợi nhuận thì không ai làm”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi lưu ý nguyên tắc “hoạt động phi lợi nhuận là chưa đúng mà chính xác phải là hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Tức là những doanh nghiệp có lợi nhuận nhưng chỉ chia cổ tức theo lãi suất ngân hàng, còn lại tái đầu tư phát triển”.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị làm rõ thế nào là không vì mục đích lợi nhuận. “Các văn phòng công chứng do tư nhân bỏ tiền ra đầu tư rồi chia nhau lợi nhuận thì không thể là phi lợi nhuận. So với các phòng công chứng nhà nước, văn phòng công chứng tư nhân chỉ khác về tổ chức còn đều phải là phi lợi nhuận”, ĐB Lịch nói.

KHÁNH AN

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.