Sẽ gỡ bỏ trang mạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn ngày 18/4.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn ngày 18/4.
TP - Phát biểu trong phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khẳng định, tháng sau, Bộ TT&TT sẽ làm việc với Facebook để gỡ bỏ các trang mạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội này...

Gỡ bỏ 2.200 clip nói xấu, bôi nhọ

Chiều 18/4, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Trần Công Thuật (Quảng Bình) và một số ĐB khác, nêu bức xúc về tình trạng thông tin mang có những tin, bài phản cảm, bôi nhọ tập thể cá nhân, đăng tải những thông tin xuyên tạc, sai sự thật, lập các trang Facebook mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước… 

Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, thế giới đang dịch chuyển theo hướng xã hội thông tin, kéo theo nhiều thách thức mới cho cơ quan quản lý nhà nước. Theo ông Tuấn, mạng xã hội giúp người dùng giao lưu và chia sẻ thông tin hiệu quả, không phân biệt không gian, thời gian, cho phép cư dân mạng chia sẻ thông tin hết sức nhanh chóng. Với đặc tính siêu việt đó, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong xã hội thông tin. Ở Việt Nam, số người dùng mạng xã hội thuộc hàng cao nhất thế giới, với khoảng 45 triệu người có tài khoản Facebook. Việt Nam cũng là một trong 10 nước có lượng người sử dụng Youtube cao nhất trên thế giới. 

“Mạng xã hội như một con đường, trên con đường đó có người tốt và kẻ xấu. Người tốt thì dùng mạng xã hội mang lại điều tốt cho cộng đồng, xã hội, người xấu dùng mạng xã hội mang lại điều ác. Trên mạng xã hội, tin tức lan truyền một cách chóng mặt, thông tin đó nhanh chóng lan truyền tới công sở, đường phố, ngay cả trong các khu chợ, khu dân cư và mọi ngõ ngách của xã hội. Tin tốt mang hiệu ứng tích cực và tin xấu thì gây hậu quả khôn lường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, để đối phó với tin xấu thì cần có thông tin chính xác, nhanh chóng trên cơ quan báo chí chính thống. Khi báo chí chính thống không đầy đủ và chậm, người dân sẽ tìm đọc trên mạng xã hội. Đối với các trường hợp xác định được nhân thân thì áp dụng quy định hiện hành để xử lý, điều chỉnh hành vi sai phạm. Trong thời gian qua, các đơn vị chức năng đã yêu cầu Google ngăn chặn, gỡ bỏ 2.200 clip nói xấu bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát trên YouTube và đến ngày 12/4, Google đã ngăn chặn gỡ bỏ hơn 1.299 video xấu độc. Trong đó, có một tài khoản YouTube đăng tải 500 video nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo. “Trong tháng tới, Bộ TT&TT cũng sẽ làm việc với Facebook để gỡ bỏ các trang mạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên trang mạng xã hội này”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay.

Nhiều games show phản cảm

Tại phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: Qua phản ảnh của cử tri có một số chương trình VTV và truyền hình khác, trong đó có nhiều chương trình truyền hình thực tế, games show có những nội dung chưa mang tính giáo dục cao, dàn dựng thiếu trung thực, gây dư luận không tốt. Đặc biệt quảng cáo thiếu tế nhị, không lành mạnh, phản văn hóa gây bức xúc trong dư luận… Bộ sẽ xử lý, thanh tra, kiểm tra khắc phục tình trạng này như thế nào?

Về việc này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, thực hiện công tác quản lý nhà nước trong thời gian qua, Bộ cũng tăng cường giám sát, hậu kiểm và qua đó phát hiện nhiều chương trình có nội dung sai phạm. Nổi bật là những sai phạm về thông tin thiếu kiểm chứng, không chính xác, sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân. Thậm chí có thông tin gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Bộ trưởng nêu ví dụ, gần đây có chương trình phóng sự “Dùng chổi quét rau” trong chương trình Cafe sáng của VTV3, chương trình “Chuyện hẹn hò” của HTV7 có sự tham gia của một nhân vật tự xưng là công an, đang công tác tại Công an tỉnh Bến Tre, nhưng Công an tỉnh Bến Tre lại xác nhận người này không phải cán bộ của đơn vị. Rồi chuyện đồng loạt các báo đăng thông tin nước mắm nhiễm asen, hay rất nhiều chương trình game show truyền hình thực tế như “Người giấu mặt”, “Cuộc đua kỳ thú”, “Hội ngộ danh hài”... có cảnh dàn dựng phản cảm, chi tiết lời thoại phản cảm.

Để hạn chế tình trạng đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm. Cùng với đó là tăng cường đào tạo, thường xuyên mở lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao nhận thức trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, các tổ chức nghề nghiệp, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với lĩnh vực phát thanh truyền hình.   

Thu hồi kho 11 số để xoá sim rác

Trả lời chất vấn của ĐBQH về sim rác, tin nhắn rác, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, dù vấn nạn này đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để vì xuất phát từ lợi ích của nhiều bên. Ở góc độ quản lý nhà nước, tình trạng sim rác làm lãng phí nguồn tài nguyên kho số quốc gia, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin. Từ tháng 10/2016, đã có, nhưng trên thực tế vẫn còn số lượng khá lớn nên phải quyết liệt làm tiếp. Do vậy phải thu hồi kho 11 số để giảm lãng phí tài nguyên kho số quốc gia.

MỚI - NÓNG