Sẽ xử lý nghiêm các đơn vị trồng cây không đúng quy trình

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thông tin với các phóng viên về việc khắc phục hậu quả sau trận mưa dông lịch sử vừa qua. Ảnh Dũng Nguyễn.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội thông tin với các phóng viên về việc khắc phục hậu quả sau trận mưa dông lịch sử vừa qua. Ảnh Dũng Nguyễn.
TPO - Trước sự việc cây bị bật gốc, lộ nguyên bọc nylon sau trận dông lốc vừa qua, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm về quy trình trồng cây và sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Tại buổi thông tin báo chí thành ủy Hà Nội chiều 16/6, dù nhiều vấn đề cụ thể được đặt ra sau vụ dông lốc, nhưng vẫn chưa được giải đáp cụ thể, vì mới đang trong giai đoạn rà soát, kiểm tra.

Trao đổi với phóng viên, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, sau trận mưa dông vừa qua, thành phố đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ hệ thống cây xanh trên địa bàn, xác định nhóm cây nguy hiểm, cây có nguy cơ gãy đổ sẽ phải báo cáo lại thành phố trong tháng 7 tới. 

Việc trồng thay thế cây đổ cũng sẽ được thực hiện và phải đảm bảo sống và sinh trưởng tốt. Riêng tại đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố cũng sẽ xin ý kiến các nhà khoa học, ý kiến người dân xem phải trồng loại cây nào cho phù hợp nhất.     

Tại buổi thông tin này, vấn đề được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, đặt câu hỏi là việc các cây được trồng mới vẫn bọc nguyên nilon có ảnh hưởng đến chất lượng và quá trình sinh trưởng hay không? Có đảm bảo thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật trồng cây hay không? 

Về việc này, ông Phong cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo từ thành phố, Sở Xây dựng đã giao cho các đơn vị kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm về quy trình trồng cây sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Bên cạnh đó, Sở cũng đang tiến hành rà soát, kiểm tra cụ thể doanh nghiệp nào trồng các loại cây để nguyên bọc nilon và sẽ thông tin rộng rãi đến các cơ quan báo chí. 

Ông Phong cũng cho biết, việc kiểm tra các loại cây sâu mục hiện nay đang được tiến hành bằng mắt thường. “Đối với những cây sâu mục có biểu hiện ra ngoài thì dễ phát hiện, còn cây sâu bên trong tương đối khó và vẫn phải thực hiện theo trực quan của chuyên gia”, ông Phong nói.

 Lý giải về việc chậm trễ khắc phục hậu quả sau trận mưa dông, Sở Xây dựng cho biết, dự kiến ban đầu chỉ có khoảng 300 cây, nhưng trên thực tế lớn hơn nhiều, khi có tới 1.300 cây bị gẫy đổ sau trận mưa dông. Tuy nhiên đến chiều 16/6, công tác khắc phục đã hoàn tất, toàn bộ cây gãy đổ đã được dọn dẹp, đảm bảo cuộc sống và nhu cầu đi lại của người dân được bình thường.

Tại buổi thông tin này, Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội cũng cho biết, thành phố ghi nhận và sẽ nghiên cứu áp dụng các kiến nghị về giải pháp cảnh báo mưa dông qua hệ thống loa phát thanh, tin nhắn điện thoại. Sau sự việc này, Hà Nội cũng có thêm nhiều kinh nghiệm và sẽ phải có kế hoạch dài hơi hơn.

MỚI - NÓNG