Siết nhập cư, Đà Nẵng khẳng định: Không trái luật

Siết nhập cư, Đà Nẵng khẳng định: Không trái luật
TP - Về việc tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp không có nghề nghiệp, chỗ ở ổn định, hoặc có nhiều tiền án, tiền sự…, Đà Nẵng khẳng định không làm trái Luật Cư trú và các quy định liên quan.

> Xem xét văn bản hạn chế nhập cư của Đà Nẵng
> Đà Nẵng bắt đầu siết nhập cư tại 2 quận trung tâm

Một góc thành phố Đà Nẵng.
Một góc thành phố Đà Nẵng..

Quan điểm trên vừa được Sở Tư pháp TP Đà Nẵng thể hiện trong báo cáo trả lời Bộ Tư pháp về quá trình thẩm định dự thảo và tự kiểm tra 4 vấn đề trong Nghị quyết 23 của HĐND TP. Đà Nẵng (tháng 12–2011). Trước đó, ngày 7– 2, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) yêu cầu Đà Nẵng làm rõ các vấn đề liên quan hạn chế nhập cư, cấm sang nhượng, mua bán chung cư xã hội; phạt nặng và tạm giữ xe 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy…

Ông Nguyễn Bá Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, nói cần tái khẳng định Đà Nẵng không cấm cửa dân nhập cư mà chỉ có chủ trương dừng đăng ký thường trú mới với các đối tượng nói trên và chỉ áp dụng vào khu vực trung tâm thành phố, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của T.Ư. Riêng khu vực ngoại thành, Đà Nẵng không áp dụng. Bên cạnh đó, thành phố mới chỉ dừng đăng ký thường trú mới, còn việc đăng ký tạm trú vẫn tiếp tục triển khai cho mọi người nhập cư, để họ tìm kiếm việc làm, nhà ở…

Theo thống kê, đến nay, số người ở địa phương khác đến Đà Nẵng có đăng ký tạm trú là gần 11.400 hộ (khoảng 115.000 khẩu), chiếm tỷ lệ 11,5% dân số toàn thành phố. Phần lớn trong số này phải ở nhờ, thiếu việc làm ổn định… Năm 2011, thành phố xảy ra 558 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có gần 300 đối tượng (chiếm 27,5%) gây án là người ở các địa phương khác.

Theo ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê: Thực hiện chỉ đạo của thành phố, quận chỉ tạm dừng các trường hợp đăng ký thường trú mới với các đối tượng thiếu nhà ở, việc làm… Còn các trường hợp đủ điều kiện về nhập khẩu vẫn được nhập bình thường.

Về vấn đề sang nhượng chung cư, ông Sơn nói: Từ năm 2012, nghiêm cấm việc chuyển nhượng chung cư cho người khác, nếu vi phạm sẽ bị cưỡng chế thu hồi. Theo ông Sơn, cần phân biệt “chung cư” ở đây là nhà trong Chương trình có nhà ở (5 không, 3 có) của thành phố, thuộc sở hữu nhà nước, được chính quyền thành phố giao cho cơ quan quản lý nhà nước về chung cư (Cty quản lý chung cư TP. Đà Nẵng, thuộc Sở Xây dựng -PV) trực tiếp quản lý. Theo đó, khu chung cư cho các đối tượng là cán bộ, công chức, hộ giải tỏa, hộ chính sách, người nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt không có nhà ở và được thành phố giải quyết cho thuê nhà để ở với giá ưu đãi hoặc không thu tiền thuê nhà phải thực hiện nghiêm quy định này.

Luật Nhà ở quy định, điều kiện để nhà ở tham gia giao dịch (mua bán, tặng, cho…) phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và các bên tham gia giao dịch về nhà ở phải là chủ sở hữu, hoặc người đại diện. Nghị định 71 của Chính phủ cũng quy định, người thuê, thuê mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng nhà ở dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian thuê. Trường hợp được phép bán, cho thuê nhà ở đó sau khi đã trả hết tiền cho chủ đầu tư và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở, nhưng phải đảm bảo thời gian tối thiếu là 10 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng mua… “Như vậy, quy định này (quy định của Đà Nẵng) là hoàn toàn phù hợp với các văn bản pháp luật”, ông
Sơn nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.