Sở Nội vụ có 8 phó giám đốc: Bộ Nội vụ đang chờ Hà Nội báo cáo

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng. Ảnh: LD.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng. Ảnh: LD.
TP - Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, sắp xếp để đảm bảo sau 30/6, không nơi nào có số lượng cấp phó vượt quy định. Riêng trường hợp Sở Nội vụ Hà Nội có 8 phó giám đốc, Bộ Nội vụ cho biết, đang chờ Hà Nội báo cáo về việc này.

Chiều 27/6, tại buổi họp báo định kỳ, Người phát ngôn, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cho biết, đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý vụ, cấp sở, cấp phòng tới đây nhằm mục tiêu “phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài”, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Bên cạnh đó, chủ trương này cũng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm.

Không đảng viên vẫn có thể thi tuyển lãnh đạo

Khi tổ chức thi tuyển phải có từ 2 người trở lên tham gia dự tuyển vào một chức danh tuyển chọn. Tuy nhiên, đến khi thi mà chỉ có 1 người tham dự, một người bỏ thì vẫn tổ chức thi theo kế hoạch. Trong trường hợp chỉ có 1 người hoặc không có ai đủ điều kiện dự tuyển, tập thể và cấp ủy đó phải đề cử thêm, hoặc quyết định không thực hiện việc bổ nhiệm đối với chức danh này cho đến khi có thêm người đăng ký tham gia thi tuyển.

Đối tượng được đề cử tham gia dự tuyển theo đề án này gồm cán bộ, công chức viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn, hoặc chức danh tương đương. Trong đó bao gồm cả trường hợp không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn và có thể không phải là đảng viên, được nơi bổ nhiệm đề cử và đồng ý bằng văn bản.

“Đối tượng được thi tuyển là công chức, viên chức. Với trường hợp phó phòng công tác tối thiểu 3 năm, không kể thời gian thử việc, có thể có anh em chuyên môn rất tốt, nhưng chưa được kết nạp đảng. Vì vậy, số anh em đủ điều kiện như vậy là được thi để chọn những người giỏi nhất thông qua thi tuyển”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng lý giải thêm.

Theo Bộ Nội vụ, trước mắt đề án thí điểm được thực hiện tại 36 cơ quan, đơn vị, gồm 14 bộ, ban, ngành và 22 địa phương. Tuy nhiên vẫn khuyến khích các đơn vị không nằm trong diện thí điểm tiến hành thi tuyển theo chủ trương này.

Sau 30/6 không sở nào được vượt cấp phó quy định

Một trong những vấn đề được báo chí quan tâm mấy ngày qua và tại buổi họp báo này là thực trạng Sở Nội vụ Hà Nội có tới 8 phó giám đốc, trong khi quy định không được vượt quá 4 người. Trao đổi về việc này, ông Trương Hải Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức viên chức, Bộ Nội vụ khẳng định tinh thần chung, là phải thực hiện nghiêm quy định pháp luật liên quan đến cấp phó.

Thủ tướng cũng đã có công văn chỉ đạo, giao cho các bộ, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp, đảm bảo sau 30/6/2017, không nơi nào có số lượng cấp phó vượt quy định, trừ trường hợp sáp nhập. Sau khi nhận được báo cáo, Bộ Nội vụ sẽ tập hợp, báo cáo Chính phủ trước 30/7. Theo Bộ Nội vụ, Hà Nội cũng nằm trong lộ trình này và cần phải đợi Hà Nội sắp xếp lại số lượng cấp phó. Nếu sau 30/6, Hà Nội vẫn tồn tại, vượt số lượng cấp phó không đúng quy định sẽ xử lý.

Về việc này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thông tin thêm, theo Nghị định 24, số lượng phó giám đốc sở của Hà Nội và TPHCM không quá 4. Tuy nhiên điều 11, Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế quy định, nếu trường hợp do sắp xếp tổ chức mà thôi giữ chức vụ, hoặc được cử, bổ nhiệm giữ chức vụ thấp hơn thì sẽ được bảo lưu phụ cấp chức vụ đó đến hết thời hạn bổ nhiệm hoặc nhiệm kỳ.

Trong trường hợp thời hạn bổ nhiệm và nhiệm kỳ còn dưới 6 tháng thì bảo lưu 6 tháng, hoặc cho đến khi nghỉ hưu, các quy định hiện đã rõ. “Với trách nhiệm của mình, Bộ Nội vụ sẽ yêu cầu Hà Nội báo cáo”, ông Thăng cho hay.

Cũng theo người phát ngôn Bộ Nội vụ, năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 24, Nghị định 37 quy định, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (phó giám đốc sở) không quá 3. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng cấp phó tại một số cơ quan, đơn vị vượt quá so với quy định. Bộ Nội vụ đã kiểm tra, thanh tra tại một số đơn vị như Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa (có 8 phó giám đốc sở); Sở TN&MT tỉnh Bình Định (có 6 phó giám đốc sở), Sở LĐTB&XH Hải Dương (có 44/46 công chức giữ chức vụ lãnh đạo)…

“Trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Nội vụ, Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu các địa phương có phương án sắp xếp số lượng cấp phó bảo đảm đúng số lượng theo quy định và tổ chức kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định pháp luật”, Chánh Văn phòng Nguyễn Tiến Thành nói.

Theo ông Thành, trong năm 2017 và các năm tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về công tác tổ chức cán bộ trên phạm vi 63 tỉnh, TP thuộc Trung ương và giao các bộ, địa phương tự kiểm tra, thanh tra tối thiểu 30% đơn vị và trực thuộc.

Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái không đủ điều kiện khi bổ nhiệm

Trả lời phóng viên tại buổi họp báo liên quan đến việc bổ nhiệm ở Yên Bái, ông Nguyễn Mạnh Khương – Phó chánh thanh tra Bộ Nội vụ cho biết, tỉnh Yên Bái đã kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan đến việc bổ nhiệm ông Phạm Sỹ Quý làm Giám đốc Sở TN&MT, khi chưa có chứng chỉ chuyên viên chính.

Trong giai đoạn bổ nhiệm, ông Phạm Sỹ Quý làm Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái đã được cử đi học lớp quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính. Tuy nhiên trong giai đoạn bổ nhiệm thì chưa có nghiệp vụ chuyên viên chính. Đến tháng 11/2016, ông Quý đã được cấp chứng chỉ chuyên viên chính, đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn đã đáp ứng. “UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan. Sở TN&MT, Sở Nội vụ, Ban Tổ chức đã yêu cầu bảo đảm thời gian khi bổ nhiệm các chức danh theo quy định”, ông Khương nói.

MỚI - NÓNG