Người chăn voọc

Con voọc đầu đàn tách bầy nhìn chúng tôi có vẻ cảnh giác.
Con voọc đầu đàn tách bầy nhìn chúng tôi có vẻ cảnh giác.
TP - Những kẻ săn trộm bảo ông là khắc tinh, người làng nói ông bị ma ám, những nhà bảo tồn động vật hoang dã xem ông như đồng nghiệp, chính quyền cho ông là điển hình... Còn ông, hằng ngày vẫn lặng lẽ luồn rừng dõi theo đàn voọc quý, xua đuổi kẻ săn trộm, trồng cây tạo thêm không gian sống, hay gùi từng thùng nước lên núi giải khát cho voọc, khỉ trong những ngày hè đỏ lửa.

Ăn cơm nhà, vác ống nhòm “chăn” voọc

Xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), đẹp như tranh thủy mặc.  Những nóc nhà nhỏ nối nhau ẩn mình dưới làn sương mờ ảo tỏa ra từ dãy núi đá vôi cao vút. Không khó để tìm thấy ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Thanh Tú, với biệt danh “người chăn voọc”.

Vợ ông Tú, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm từ sau vườn chạy ra đón khách. “Ông ấy đi rồi, đi từ tờ mờ sáng. Nghe ông ấy nói có con voọc non bị thương hôm qua, đêm cứ trằn trọc không ngủ, gà vừa gáy đã gọi tui dậy nấu cơm để mang đi. Ông ấy có dặn lại, mấy chú mà lên, cứ vào rừng là gặp nhau”. Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại, bà Tâm trấn an: “Yên tâm đi, có ai vào rừng mà qua được mắt ông ấy đâu. Mấy chú cứ vào rừng kiểu chi cũng gặp ông ấy. Vào nhà uống ly nước rồi tui chỉ đường cho mà đi”.

Vừa rót nước mời khách, bà Tâm vừa tâm sự: “Ðời tui e không ai khổ bằng. Từ ngày lấy nhau đến giờ, một tay tui lo lắng gia đình, nuôi con ăn học, còn ông ấy cứ đi biền biệt. Ngày còn trai trẻ, lính biên phòng nên quanh năm ông ấy ở vùng biên giới. Ðến khi về hưu, tưởng vợ con được đỡ đần, ai ngờ ông ấy suốt ngày luồn rừng theo mấy con voọc, nói kiểu chi cũng không được. Những ngày đầu, người làng còn đồn là ông ấy bị ma rừng ám, khuyên tui mời thầy về cúng để đuổi ma, làm tui hoang mang lắm. Nhưng giờ thì ai cũng hiểu và ủng hộ việc ông làm, không tìm cách bắt voọc về làm thịt, nấu cao nữa”.

Vùng Thiết Sơn là một khối núi đá vôi độc lập, nằm ở thượng nguồn sông Gianh, cây rừng rậm rạp, lối mòn khá hiểm trở. Ðang loay hoay tìm đường lên núi, bất ngờ một cụ ông chừng 70 tuổi từ dưới chân ruộng bước lên chắn ngang đường, nhìn soi mói vào mấy chiếc ba lô chúng tôi mang trên vai với vẻ cảnh giác: “Mấy chú đi mô?”. Cụ ông cười khà sảng khoái khi biết lí do chúng tôi tìm đường lên núi. “Nhìn mấy chú lạ quá, không phải là người làng, tui cứ tưởng là bọn đặt bẫy trộm. Ði, tui dẫn lên gặp chú Tú”.

Ðã ở vào tuổi “thất thập” nhưng cụ ông Nguyễn Văn Ðồng vẫn nhanh nhẹn và hay chuyện. Vừa dẫn đường, cụ vừa kể: Ngày xưa ở vùng núi Thiết Sơn này rất nhiều thú, nhưng nhiều nhất vẫn là voọc, chúng sống hòa thuận với người làng chứ không phá phách như loài khỉ. Mùa hè thiếu nước, loài voọc thường kéo nhau xuống cánh đồng làng, thậm chí vào đến giếng làng tìm nước. Những lúc chúng đánh nhau, tranh giành vị trí đầu đàn, con bị thua kiểu gì cũng chạy về làng cầu cứu...

Theo cụ Ðồng, loài voọc có một đặc tính rất lạ là thích nghe nhạc. Ngày xưa, hễ trong làng có đám cưới, mở nhạc xập xình là kiểu gì cũng có vài chú voọc mò về nằm trên ngọn cây lim dim thưởng thức nhạc. Có con nổi hứng còn hò hét nhảy múa theo điệu nhạc, khiến đám cưới vui càng thêm vui.

Người chăn voọc ảnh 1

Những chú voọc sau một hồi chơi đùa, ngồi trên mỏm đá thư giãn.

Vào cuối thập niên 90, phong trào ăn “đặc sản”, uống cao để bồi bổ sức khỏe rộ lên, khiến cho đàn voọc hàng nghìn con ở Thiết Sơn cứ hao hụt dần. Từ chỗ sống với nhau như bạn bè, voọc và người trở thành kẻ thù. Người làng thi nhau đặt bẫy, săn bắn, tìm mọi cách bắt voọc. Loài voọc ngày một rời xa dân làng, chỉ còn lại vài con ẩn mình trong những hang hốc hiểm trở nhất của vùng Thiết Sơn.

Cụ Ðồng nắc nỏm khi nhắc đến ông Tú: “May mà có chú Tú, nếu không giờ làng tui không còn một con voọc để mà nhìn ngắm. Mà cũng chỉ có chú ấy mới làm được. Ai đời bỏ tiền nhà ra mua cây giống vác lên rừng trồng để cho voọc có nơi sinh sống; rồi gùi từng thùng nước lên rừng đổ vào hốc đá cho voọc uống trong cả mùa hè. 

Giờ thì người làng không còn ai nghĩ đến chuyện bắt voọc để giết thịt. Chỉ thi thoảng có vài tên săn trộm từ nơi khác đến, nhưng cũng không làm chi được vì chú Tú canh cả ngày. Có nhóm săn trộm cứng đầu đã từng bị chú ấy quật ngã nháo nhào, chạy mất dép”.

Người chăn voọc ảnh 2

Ông Tú rất quý chiếc ống nhòm của tiến sỹ Lê Trọng Trãi tặng trong lần đầu tiên hai ông gặp nhau.

Một ngày chơi đùa cùng voọc

Chúng tôi trèo đến lưng chừng núi thì ông Tú cũng xuất hiện trong bộ quân phục biên phòng quen thuộc. Cụ Ðồng “bàn giao” chúng tôi cho ông Tú, rồi thoăn thoắt xuống núi, cụ nói phải tranh thủ về tháo khô nước trong ruộng để ngày mai gieo mạ.

Ngồi trên tảng đá phẳng lì giữa núi rừng Thiết Sơn, ông Tú kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng “chăn” voọc của mình. Năm 2012, rời quân ngũ về lại làng, ông cứ có cảm giác thiếu vắng cái gì đó trong cuộc sống như chứng “nghiện rừng” của người lính biên phòng. 

Sau một đêm trằn trọc vắt tay lên trán suy nghĩ, ông nhận ra, làng thiếu bóng dáng những đàn voọc hàng ngày lũ lượt kéo nhau xuống đồng uống nước, thiếu tiếng muông thú gọi bầy mỗi sáng mai thức dậy. Gà vừa gáy sáng, ông bật dậy quyết định vào rừng tìm nguyên nhân.

Ông thực sự sửng sốt, khi phát hiện hàng ngàn cái bẫy giăng mắc khắp Thiết Sơn. Có những gia đình voọc ôm nhau chết gục bên những hầm bẫy khiến lòng ông đau nhói. Ông lặng lẽ gỡ từng chiếc bẫy mang đi tiêu hủy.  Ðến nay, tự tay ông đã gỡ bỏ hàng ngàn cái bẫy, đẩy đuổi hàng trăm nhóm săn trộm ra khỏi rừng Thiết Sơn. “Với ai, chắc là bị họ trả thù, đánh cho nhừ tử, nhưng với tôi, họ không dám vì nghĩ tôi bộ đội biên phòng nên có võ” - ông Tú cười xòa nói.

Cứ thế, ông vượt hết ngọn núi này qua ngọn núi khác gỡ bẫy. Sau mấy tháng trời ông mới phát hiện một vài con voọc nấp trong những hang đá hẻo lánh. Ông nhẹ nhàng tiếp cận, nhưng chúng cứ lẩn tránh mỗi khi nhìn thấy ông. Sau gần một năm lặng lẽ tiếp cận, ông cũng thống kê được đàn voọc Thiết Sơn chỉ còn lại 30 con. 

Ông lên mạng tìm hiểu và nhận ra đây đích thị là voọc Hà Tĩnh, một loài linh trưởng đặc hữu, chỉ có duy nhất ở Việt Nam, đang nguy cơ bị tuyệt chủng.  Ông đã viết một báo cáo chi tiết gửi lên Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình. Ngay lập tức, Chi cục Kiểm lâm cử người về đo vẽ, lập ra một không gian sinh tồn cho loài voọc sinh sống gần 200 ha và xem ông như một điển hình về bảo vệ và phát triển rừng.

“Giờ áp lực bảo vệ đàn voọc không còn lớn như trước, mọi người đã hiểu và có ý thức hơn rồi. Từ chỗ chỉ còn 30 cá thể voọc, giờ phát triển lên đến 115 cá thể và chia thành nhiều đàn. Ðiều làm tôi mừng nhất là đàn voọc đã bắt đầu thân thiện với người làng, thi thoảng ra cánh đồng làng uống nước, chơi đùa. Giờ tôi chủ yếu vào đây chơi với chúng” - ông Tú nói.

Ông Tú chỉ tay về phía một ngọn núi gần nhất, nói đó là đỉnh Dàn Vượn, nơi đang có một đàn voọc sinh sống và rủ chúng tôi đến “chơi với voọc”. Trèo lên đến gần đỉnh núi ông Tú móc chiếc điện thoại trong túi ra mở nhạc.

Chỉ trong chốc lát, tiếng rào rào từ xa vọng lại, tiếng hú hét của đàn vượn gọi bầy chuyền cành lao tới. Chỉ tay về phía một con mẹ đang ôm voọc con trước ngực, ông Tú nói đó là một con non mới 3 tháng tuổi. Hôm qua không biết chơi đùa bất cẩn thế nào nên bị thương ở chân. Ðó là lí do sáng nay, dù đã hẹn chúng tôi nhưng ông lại vào rừng sớm. Ông tâm sự, đang hướng cậu con trai học phổ thông thi vào ngành sinh vật để sau này có thể thay ông trông nom đàn voọc, một báu vật của quê hương. 

Nhà bảo tồn động thực vật hoang dã, tiến sĩ Lê Trọng Trãi khi gặp ông đã rất khâm phục tinh thần làm việc và sự hiểu biết tận tường của ông về loài voọc quý này. Tiến sỹ Trãi xem ông như đồng nghiệp và không ngần ngại tặng ông chiếc ống nhòm loại đặc biệt mua từ Nhật Bản. Tiến sỹ Trãi cũng bày cho ông cách thống kê, ghi chép lại những gì liên quan đến loài voọc để làm tư liệu nghiên cứu cho các nhà khoa học sau này cần đến.

MỚI - NÓNG