Soi từ vết nứt cao tốc

TP - Lại thêm một công trình với số vốn ngân sách “khủng” mới đi vào hoạt động đã nảy sinh sự cố. Chỉ sau vài ngày thông xe, con đường được nói là hiện đại và đắt đỏ hàng đầu Việt Nam đã xuất hiện vết nứt lớn.

Ở một quốc gia mà GDP ở mức trên 170 tỷ USD (năm 2013), số tiền 1,5 tỷ USD đầu tư cho công trình đáng kể như thế nào.

Cách nay chưa lâu, tuyến Quốc lộ 18 (đoạn Uông Bí - Hạ Long - Quảng Ninh) vừa khánh thành một tuần đã có biểu hiện xuống cấp, lún và nứt. Xa hơn chút, hàng loạt đường cao tốc như Cầu Giẽ - Ninh Bình vừa hoạt động đã bộc lộ sự cố, cao tốc TPHCM - Trung Lương vừa thông xe đã xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà.

Tính trong 10 năm đổ lại, không thiếu những công trình đầu tư công dính tai tiếng khác: Hầm chui Văn Thánh 2, đường Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM)… Trả lời báo chí sau các sự cố, đơn vị thi công và giám sát cũng như cơ quan quản lý ngành đều cho rằng đã làm hết trách nhiệm, sự cố thường bắt nguồn từ các yếu tố khách quan. Sau vụ việc Quốc lộ 18, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình…

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã nói với phóng viên: “Bộ Giao thông - Vận tải rất quyết tâm trong việc không để xảy ra việc kém chất lượng trong các tuyến đường nói chung, trong đó có các tuyến cao tốc nói riêng” và “tất cả những việc truy cứu trách nhiệm tổ chức, cá nhân, Bộ đang làm rất quyết liệt, từ khâu lập dự án thiết kế, đến khâu lựa chọn nhà thầu, tư vấn nhà thầu hợp tác, sai chỗ nào thì cá nhân phụ trách phải chịu trách nhiệm”.

Và nay lại xảy ra sự cố nứt đường cao tốc dài nhất Việt Nam. Một điểm đáng chú ý, các vị trí phải theo dõi chờ lún trên toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đều tập trung tại các gói thầu từng là “điểm đen” chậm tiến độ. Đặc biệt, vị trí xuất hiện vết nứt tại Km 83 thuộc gói thầu do nhà thầu chính Keangnam đảm nhận.

Gói thầu này đã phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần, nhà thầu chính được nói là yếu về năng lực tài chính, thiếu thiết bị và nhân lực, sử dụng các nhà thầu phụ không đảm bảo năng lực. Tới cuối tháng 6, gói thầu này mới chỉ đáp ứng được hơn 70% khối lượng. Để đẩy tiến độ dự án, Bộ Giao thông - Vận tải đã phải cắt bớt khối lượng công việc của Keangnam, huy động các nhà thầu trong nước vào ứng cứu.

Chuyện vết nứt của đường cao tốc, cần phải có các chuyên gia độc lập thẩm định. Ý kiến của nhà thầu, đơn vị giám sát hay bộ chủ quản cần phải có nhưng chưa đủ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác,“vết nứt cao tốc” còn hé ra một câu hỏi: Vì sao liên tiếp có các công trình trọng điểm gặp vấn đề vì “sự yếu kém năng lực của nhà thầu”?

Bởi chỉ mới đây thôi, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đội vốn tới 339,1 triệu USD (61%) và chậm tiến độ tới 2 năm mà nguyên nhân cũng được cho là “do nhà thầu yếu kém năng lực”?

MỚI - NÓNG