Sớm công khai địa danh biển Việt Nam

Tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn ra khơi đánh bắt hải sản.
Tàu thuyền của ngư dân Lý Sơn ra khơi đánh bắt hải sản.
TP - Việt Nam (VN) cần sớm công khai các địa danh biển VN và làm các thủ tục cần thiết để được quốc tế công nhận, TS Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển & Hải đảo nhận định.

Phải có tên, chỉ dẫn địa lý rõ ràng

* Thưa ông, sao vẫn chưa thấy công bố chính thức toàn bộ tên các đảo, đá, bãi của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và lận cận trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước?

Tôi được biết Bộ Nội vụ đang triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” trong đó có hồ sơ địa giới hành chính trên các vùng biển, hải đảo VN.
Ðây có thể là dịp để chúng ta rà soát và công bố chính thức toàn bộ tên các đảo, đá, bãi của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và lân cận. Rộng hơn nữa, cần quan tâm tới việc đặt tên thống nhất và công bố cho tất cả các đối tượng địa lý trong vùng biển VN chưa có tên, như các dãy núi, khối núi, các cao nguyên, các hẻm vực, các lòng chảo, các vùng biển, bãi ngầm, các đảo san hô vòng (atoll), v.v...

Luật Biển VN được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012 là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động trên các vùng biển VN. Ngay Ðiều 1 của Luật cũng đã tạo cơ sở pháp lý cho việc công khai đặt tên, hồ sơ địa giới cho các đảo, vùng biển của VN.

Vẫn lững thững ngoài cuộc

* Công bố rồi thì làm thế nào để được quốc tế công nhận?

“Cần quyết tâm để, trong tương lai gần, tên đầy đủ các vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc như Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Ðông có trên các bản đồ thủy đạc toàn cầu của IHO, để vĩnh viễn khẳng định chủ quyền biển đảo của VN”.

TS Dư Văn Toán

Một trong những điều kiện là các địa danh ấy phải được Tổ chức Thủy đạc Quốc tế (IHO) công nhận. Thành lập từ năm 1921 và có trụ sở tại Công quốc Monaco, tổ chức liên chính phủ IHO đại diện cho các tổ chức hàng hải trên khắp thế giới, có thẩm quyền tiêu chuẩn hóa tên gọi địa lý các vùng biển, đảo ở tầm quốc tế. 

IHO đã cho xuất bản quyển “Limits of Ocean and Seas” (Ranh Giới Biển và Ðại Dương) lần đầu vào năm 1929, tái bản các năm 1937 và 1953. Ðây là một tài liệu kim chỉ nam cho bản đồ biển toàn cầu, áp dụng rộng rãi cho các quốc gia thành viên và các tổ chức khác như Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO), Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO).

* Các tên Hoàng Sa, Trường Sa, và Biển Ðông có trong tài liệu đó của IHO không?

Không có.

* Phải chăng đấy là nguyên nhân chính khiến nhiều bản đồ thế giới vẫn ghi tên Biển Ðông giáp với VN là tên khác, cũng như chuyện Hội Ðịa lý Quốc gia Mỹ ghi nhầm tên Hoàng Sa của VN và Bộ Ngoại giao VN năm 2010 phải lên tiếng phản đối?

Sớm công khai địa danh biển Việt Nam ảnh 1 “Chiến lược địa danh biển ở VN phải được tiến hành một cách có trách nhiệm, cần mẫn, bền bỉ và có tầm nhìn”, TS Dư Văn Toán. 
IHO đã có một nghị quyết vào năm 1974 để xử lý tình huống có những tên khác nhau đối với một địa danh trên biển. Mục A 4.2.6 của phiên bản nghị quyết cập nhật tháng 11/2009 đề nghị “khi hai hay nhiều quốc gia cùng chia sẻ một vị trí địa lý (ví dụ vịnh, eo biển, kênh đào hay quần đảo) dưới các mẫu tên khác nhau, các quốc gia này nên cố gắng thỏa thuận để tìm một tên thống nhất đối với vị trí đó. Nếu họ có ngôn ngữ chính thức khác nhau và không thể thỏa thuận về một mẫu tên chung, mẫu tên theo từng ngôn ngữ nên được chấp nhận cho các biểu đồ và ấn bản trừ phi các nguyên nhân kỹ thuật ngăn cản việc làm này”. * Sao VN không dựa vào nghị quyết đó để các tên theo cách gọi của VN sớm được công nhận?

Vì VN chưa phải là thành viên của IHO dù rằng số thành viên của tổ chức có uy tín này đã là 80 quốc gia. VN vẫn chưa có quyền lợi đầy đủ như các thành viên khác trong việc đặt tên, bổ sung tên cho các vùng biển đảo của mình trên Biển Ðông, song song với các tên quốc tế khác.

* Vì sao chúng ta chậm tham gia sân chơi quốc tế này, thưa ông?

Thực tình tôi không rõ lắm mặc dù bây giờ là thời điểm thuận lợi hơn bao giờ hết.

* Cơ sở nào khiến ông nhận định như vậy?

Ta đang ở trong khoảng thời gian có sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế như Liên Hợp Quốc, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và hàng loạt các quốc gia khác. Sự ủng hộ đó rõ nét hơn sau sự kiện mùng 1/5/2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 đặt sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam nhằm thực hiện khoan dầu khí trái phép. 

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN ngày 11/5/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn đề nghị cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam ngăn ngừa sự lấn chiếm biển trái phép của Trung Quốc trên Biển Ðông nhằm đảm bảo an ninh-an toàn hàng hải trên Biển Ðông và tuân thủ Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) năm 1982, và Tuyên bố về Ứng xử các Bên ở Biển Ðông (DOC) năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc. 

Thiết nghĩ, những sự kiện như thế đã và đang làm thức tỉnh các cấp quản lý biển và hải đảo của Việt Nam, nhằm tránh nguy cơ bị động trong cách ứng phó.

Từng đổi được tên biển nhờ IHO

* Ông có thể kể kinh nghiệm mới nhất đổi được tên biển nhờ sự can thiệp của IHO?

Chuyện vừa xảy ra hồi tháng 3/2012 tại hai quốc gia Châu Á không xa chúng ta lắm. Ðấy là đổi tên “Biển Nhật Bản” theo cách gọi của Nhật Bản thành tên “Biển Ðông” theo cách gọi của Hàn Quốc. 

IHO từng ba lần công nhận cách gọi “Biển Nhật Bản” vào các năm 1929, 1937, và 1953, cho vùng biển giáp ranh giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Vậy mà, đến năm 2009, 28% bản đồ thế giới sử dụng cả hai cách gọi.

* Hàn Quốc làm việc đó như thế nào?

Hơn hai thập kỷ qua, họ không ngừng đấu tranh để khẳng định chủ quyền. Các nhà khoa học Hàn Quốc đã tham gia nhiều hội thảo của IHO và liên tục nêu lên đề xuất của họ. Tháng 3/2012, tại Bỉ, họ đòi bổ sung vào bản đồ của IHO và sách “Limits of Ocean and Seas” tên “East Sea” (Biển Ðông) song hành cùng “Japan Sea” (Biển Nhật Bản).

Tại cuộc họp IHO tháng 4/2012, nhiều quốc gia đã ủng hộ cho tên East Sea vào bản đồ đại dương toàn cầu dù Nhật Bản phản đối. Theo đó, IHO sẽ xem xét bổ sung chính thức vào năm 2017.

* Gần đây tranh chấp tên gọi làm dấy lên phong trào đặt nhiều tên cho cùng một vùng biển trên Biển Ðông. Chúng ta có bất lợi gì không? 

Trung Quốc và các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia, Malaysia, và Myamar đều đã là thành viên IHO. Vì thế, họ có tiếng nói của riêng mình tại diễn đàn quốc tế.

* Ðể thúc đẩy tiêu chuẩn hóa các địa danh trên Biển Ðông của VN, ta cần làm gì khi chưa vào IHO?

Cần có các thảo luận và các bước đi hợp tác về đặt tên đảo, biển trên phương diện đa phương hay song phương theo tiêu chuẩn của IHO. Ðây cũng sẽ là một cách tiếp cận thiết thực trong khả năng hiện có để bảo vệ chủ quyền biển-đảo tổ quốc, đồng thời cung cấp sự thật lịch sử cho nhân dân thế giới. 

Trước mắt chúng ta cần có nỗ lực ngoại giao để gia tăng sự ủng hộ của các quốc gia thành viên IHO đồng ý cho VN gia nhập IHO. Cũng cần sớm lập cơ quan đầu mối thủy đạc quốc gia (VNHO) để sẵn sàng xây dựng nền thủy đạc theo chuẩn quốc tế toàn diện.

* Cám ơn ông.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.