Sơn La phản bác thông tin xây “tượng đài 1.400 tỷ đồng“

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hồng Vĩnh
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Hồng Vĩnh
TPO - Chiều nay, 5/8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La họp báo xung quanh đề án xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” được nhiều tờ báo phản ánh trong những ngày qua.

Chủ trì buổi họp báo là bà Mai Thu Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La; đồng chủ trì là ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Sơn La phản bác thông tin xây “tượng đài 1.400 tỷ đồng“ ảnh 1

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, tại buổi họp báo. Ảnh: Hồng Vĩnh

Thông cáo báo chí tại buổi họp báo khẳng định, nội dung một số bài báo viết xây dựng Tượng đài Bác Hồ với kinh phí 1.400 tỷ đồng là chưa chính xác. Bởi vì, tổng mức đầu tư của Đề án khái toán là 1.400 tỷ đồng bao gồm các hạng mục: Cụm Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc cao từ 5m đến 8m; Đền thờ Bác Hồ; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; Bảo tàng tổng hợp; Khu điều hành và đón tiếp; Khuôn viên cây xanh, quảng trường có sức chứa 20.000 người; đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, để khắc ghi sự kiện lịch sử Bác Hồ về thăm đồng bào, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc, thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc ở khu vực Tây Bắc, năm 2014, tỉnh Sơn La đã xin chủ trương của Ban Bí thư về việc xây dựng tượng đài. Việc này nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ. Tổng diện tích sử dụng khoảng 20ha. Chủ trương xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại TP Sơn La được Ban Bí thư Trung ương Đảng cho ý kiến tại văn bản số 8462-CV/VPTW ngày 15/8/2014.

Trả lời câu hỏi của Phóng viên: UBND tỉnh Sơn La dựa vào đâu để lồng ghép Trung tâm hành chính và các hạng mục liền kề không bao gồm Tượng đài vào dự án này trong bối cảnh tình hình kinh tế địa phương còn khó khăn? Tỉnh chi kinh phí thế nào khi thực hiện dự án? Việc xã hội hoá cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho hay: Dựa vào các văn bản họp bàn và trình lên trung ương, và trong quy trình xây dựng Nghị quyết, địa phương cũng đã tiến hành rất chặt chẽ. Quá trình đầu tư xây dựng dự án không làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác. Việc huy động nguồn vốn, dùng ngân sách địa phương và huy động nguồn vốn xã hội hoá.

Ông Khánh khẳng định, phương án nguồn vốn được thực hiện từ khi lập dự án, chuẩn bị đầu tư. Nguồn vốn xã hội hoá thực hiện theo kinh nghiệm học hỏi từ các tỉnh và sự ủng hộ của người dân. Ví dụ các công trình như đền thờ, công trình công cộng, cây xanh… nhận được sự tham gia xã hội hoá của các đơn vị doanh nghiệp.

Với câu hỏi: Chủ tịch tỉnh Sơn La nói rằng chi phí 1.400 tỷ đồng bao gồm cả việc di dời, xây dựng Trung tâm hành chính của tỉnh kèm dự án tượng đài và các hạng mục liền kề, nhưng theo tài liệu phóng viên được cung cấp thì không thấy thể hiện điều này?

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trả lời: Thể hiện tại điểm 1.2, tại mục II Công văn 127 NQ-HĐND có ghi: Nhóm tượng đài Bác Hồ với Đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn liền với Lễ đài thuộc quy mô nhóm A2 (cao từ 5 đến 8m); Quảng trường có sức chứa 20.000 người; Đền thờ Bác Hồ; Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ; Bảo tàng tổng hợp; khuôn viên cây xanh… Tuy nhiên, ông Khánh thừa nhận Công văn 127 không thể hiện việc di dời hay xây dựng Trung tâm hành chính của tỉnh.

>>Đề án xây Tượng đài Bác Hồ 1.400 tỷ có cả...khu đô thị

PV thường trú Đài Truyền hình Việt Nam hỏi: Xin ông Khánh cho biết rõ về nguồn vốn 1.400 tỷ đồng là chỉ để xây dựng riêng hạng mục tượng đài hay bao gồm các hạng mục liền kề khác?

Ông Nguyễn Quốc Khánh trả lời: Thực tế, đây mới chỉ là đề án bước đầu của việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư theo quy định pháp luật. Vừa qua có một số thông tin đề án “Xây dựng tượng đài các Dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại TP Sơn La” tổng vốn đầu tư các hạng mục xin chủ trương là 1.400 tỷ đồng. Riêng hạng mục tượng đài là khoảng 200 tỷ đồng.

Ông Lê Hồng Minh trả lời thêm: Dự kiến quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La là 5ha, còn 20ha là để thực hiện dự án Tượng đài và các hạng mục liên kề. Thực tế hiện nay, phần diện tích 5ha chưa được cấp liên quan phê duyệt.

Với câu hỏi, xin UBND tỉnh cho biết lộ trình cụ thể của việc tiến hành xây dựng dự án 1.400 tỷ đồng và việc thực hiện chủ trương xây dựng đề án xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh Sơn La có diện tích 5ha, liệu có được tiếp tục thực hiện trong bối cảnh khó khăn hiện nay?

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Hạng mục tượng đài khoảng 200 tỷ đồng; các hạng mục còn lại theo dự kiến là trên 1.000 tỷ đồng. Hiện đề án di dời Trung tâm hành chính vẫn đang nằm trong các bước nghiên cứu tiếp theo để đảm bảo thực hiện đúng quy định về lập dự án đầu tư; đề án về cơ cấu nguồn vốn và diện tích chính thức đề án 5ha chưa được phê duyệt.

Đề án di dời Trung tâm hành chính không nằm trong dự kiến nguồn vốn 1.400 tỷ đồng của đề án xây dựng Tượng đài gắn với quảng trường và các thiết chế văn hoá TP Sơn La.

17h35, buổi họp báo kết thúc cùng với câu trả lời "chốt" của ông Nguyễn Quốc Khánh: "Cân đối nguồn vốn thì phải thực hiện theo luật đầu tư công; dự án nào được huy động, được kêu gọi xã hội hoá thì địa phương chúng tôi thực hiện. Việc này địa phương chúng tôi vẫn đang thực hiện thực từng bước, theo chủ trương và theo quy trình. Đề án này của địa phương là có tính định hướng. Sau này dự án được báo cáo, phê duyệt thì địa phương sẽ thông tin cung cấp đến các cơ quan báo chí".

MỚI - NÓNG