Sơn nữ rớt lệ nhìn suối 'ẩn mình chờ chết'

Lấn chiếm diện tích suối.
Lấn chiếm diện tích suối.
TP - Buôn Ma Thuột - thủ phủ cà phê từng một thời mê hoặc du khách với vẻ đẹp tự nhiên của những con suối trong mát quanh năm róc rách chảy vắt qua thành phố. Nhưng nay, nét đặc trưng đó dần biến mất khi con người vô tâm kè lấn, gò nhốt, lấp kín hoặc biến suối nguồn thành hố rác công cộng... 

Đỏ mắt tìm suối xanh

Ngày 13/2/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 249/QĐ-TTg, phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2025. Trong đó, có một nội dung rất đáng chú ý là các con suối sẽ được mở rộng, khơi thông lại dòng chảy, tổ chức các tuyến đường đi dạo và hệ thống dải cây xanh dọc tuyến,… tạo điểm nhấn riêng biệt để Buôn Ma Thuột xứng tầm trung tâm Tây Nguyên. Dự liệu là vậy, nhưng thực tế, hiện trạng các dòng suối thật xót xa.

Giữa tiết trời se lạnh trung tuần tháng mười một, chúng tôi lặn lội khắp thành phố để tìm lại tận nguồn các con suối một thời từng là niềm tự hào của người dân phố Núi. Dù trước chuyến đi, công tác tìm kiếm dữ liệu, định vị địa danh các dòng suối đã được vạch rõ, nhưng thâm nhập thực địa mới thấy quá khác xa. Tìm đến hoa cả mắt, hỏi thăm khan cổ họng, chúng tôi mới nhận dạng vài nhánh suối lơ thơ hiếm hoi còn sót lại, mà thoạt nhìn cứ tưởng rạch thoát nước.

Chúng tôi tìm đến suối Ea Nuôl- một trong những dòng suối lớn nhất Đắk Lắk, nước chảy quanh năm. Suối bắt nguồn từ một bến nước của người Ê Đê ở buôn Ako Dhong rất nổi tiếng. Suối vẫn còn đó nhưng không còn được như xưa nữa. 

Đưa tay chỉ dòng nước lay lắt chảy, bà H’ Linh- một sơn nữ sống lâu năm cạnh suối cho hay: “Suối này trước đây rộng lắm, nước trong vắt chảy ào ào như thác đổ. Hè đến bọn trẻ hay ra nô đùa bơi lội, người lớn ngồi hóng mát tránh nắng. Giờ lòng suối cạn hẹp, lại bị ô nhiễm nên người dân chẳng ra đây nữa. Nhiều người cũng hỏi thăm, đến ngó rồi bỏ đi chứ không hứng thú bấm máy chụp hình như trước!”. Men theo dòng chảy một đoạn, suối đột ngột rẽ nhánh tạo thành suối Ea Nay (còn có tên gọi khác là suối Bà Hoàng). Suối Ea Nay giờ chỉ là con lạch nhỏ có chiếc cầu gỗ bắc qua rất mờ nhạt.

Tiếp tục bám theo bản đồ chỉ dẫn, chúng tôi tiếp cận nhánh suối cuối đường Nguyễn Công Trứ phường Tự An, mà người dân hay gọi là suối Ea Siêr, nhưng tìm mãi chẳng thấy suối đâu. Nín thở liếc mắt đưa tìm chợt nghe tiếng nước réo rắt chảy ra từ miệng cống nhỏ hẹp cạnh ngay sân tennis khách sạn. 

Tò mò lần theo vào bên trong, nhìn xuyên qua nắp cống nằm ngay sân, chúng tôi phát hiện một dòng chảy ngầm đã bị nhốt vào lồng bê tông, đậy kín mặt suối bằng sân gôn mi ni xanh cỏ. Nhìn dòng nước xô nhau cố thoát khỏi cái lồng chật hẹp tăm tối mà nao cả lòng.

Sơn nữ rớt lệ nhìn suối 'ẩn mình chờ chết' ảnh 1

 Một đoạn suối Ea Tam.

Cách đó không xa, ngước mắt lên nhìn về phía Bắc thành phố, gần khu nhà hàng khách sạn Đại Hùng, cuối đường Hùng Vương thuở trước cũng có một nhánh suối chảy qua. Nhưng giờ nó biến đi đâu, dù phía trên mặt đường vẫn còn chiếc cầu to dài hoành tráng, còn phía dưới chỉ còn vòm cống bé tí thải nước đen đục ngầu.

Con suối được nhiều người biết đến, gọi với cái tên đầy thân thiện là suối Xanh gần bệnh viện đa khoa thành phố cũng đang dần biến mất. Anh Nguyễn Thanh, cựu học sinh trường Trung học La San (nay là trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk), trong một lần quay lại tìm kiếm kỉ niệm thời học trò than thở: Hồi còn đi học, bọn mình hay rủ nhau xuống suối này tắm. Suối sâu, rộng lắm, ai không cẩn thận sẩy chân đuối nước như chơi. Giờ nó khác xưa nhiều quá, chỉ còn mỗi một lạch nước nhỏ, đầu nguồn là hồ câu cá tư nhân, cuối nguồn biến thành thác nước nhân tạo của quán cà phê Thung Lũng Hồng dưới dốc dài thăm thẳm...

Suối kêu cứu

Là thành phố trên cao có hệ thống sông suối phong phú, với nguồn tài nguyên nước dồi dào, môi trường sinh thái còn khá trong lành và cảnh quan đô thị đặc trưng, chính quyền Buôn Ma Thuột dường như lãng quên các dòng suối đang bị bức tử và chết dần bởi nước thải, rác thải, hành vi lấn chiếm dòng chảy, xây dựng nhà cửa, dự án…

Tìm về suối Ea Tam, dòng suối được giới kiến trúc sư ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng” bởi vẻ đẹp thơ mộng, nước trong xanh mơ màng, chúng tôi đau xót thấy nàng công chúa ấy đục ngầu, xác xơ, bốc đầy xú khí bởi rác thải, cây cối, cỏ dại và xác chết động vật. Nói về tình trạng ô nhiễm của suối, bà Nguyễn Thị Hoa ở đường Y Nuê xót xa: Tôi sống gần suối đã gần hai chục năm rồi. 

Trước đây, nước suối trong lắm, người lớn lẫn trẻ con thường ra đây tắm. Bây giờ thì ô nhiễm nặng, cá cũng không sống nổi. Tại cầu Cây Sung, đoạn bắc qua suối Ea Tam trên đường Đặng Nguyên Cẩn, rác đựng trong bịch nilon lớn, nhỏ nổi lềnh bềnh trên mặt nước, tấp đầy hai bên mố cầu. 

Chị Nguyễn Thị Phương bên đường Trần Quý Cáp bức xúc: Xe rác hàng ngày đều đến thu gom, nhưng nhiều người vẫn thản nhiên đổ rác xuống suối làm tắc nghẽn dòng chảy. Nhất là mùa mưa, rác thải đủ loại, xác chết động vật tứ phương đổ về nổi lềnh bềnh!

Sơn nữ rớt lệ nhìn suối 'ẩn mình chờ chết' ảnh 2

Suối bị lấn chiếm, ô nhiễm

Ô nhiễm không kém là nhánh suối chảy qua khách sạn Đại Hùng (phường Tự An), suối Ea Knia (giáp ranh giữa địa bàn tổ dân phố 7 và 14 phường Khánh Xuân), suối Đốc Học (phường Tân Tiến). Cuộc sống người dân hai bên suối Đốc Học đang bị đe dọa nghiêm trọng. 

Gọi là suối, nhưng nhiều đoạn chỉ là dòng nước nhỏ đen sì, sủi bọt, bốc mùi nồng nặc. Những người dân sống gần suối than phiền: Ngày nào đi qua đây cũng phải đeo khẩu trang, mà chúng tôi chẳng biết kêu ai, đành sống chung với dòng suối chết!

Ngoài việc đổ rác, nước thải bẩn chưa qua xử lý xuống suối, nhiều người còn ngang nhiên san lấp, kè mương, xây nhà lấn diện tích bờ, lòng suối mà không bị ngăn chặn, xử lý. Suối Ea Tam, đoạn chảy qua cầu Tuệ Tĩnh bị bóp lại bởi những bờ đá kè chắc chắn, bao bằng lưới B40.

Ông Nguyễn Văn Bình sống gần cầu Tuệ Tĩnh cho biết: Nhà nào ở sát suối cũng lấn đến mấy mét để kè mương, làm đường, xây công trình phụ nhưng không thấy chính quyền địa phương nói gì. Một nhà làm, nhiều nhà khác làm theo khiến dòng suối bị thu hẹp hẳn”.

Không thể kể hết những con suối ô nhiễm, bị lấn chiếm khiến chỉ sau vài giờ mưa, nhiều đoạn phố chìm trong biển nước, đủ hiểu các dòng chảy bị tắc nghẽn nghiêm trọng như thế nào. Đóng vai trò quan trọng về cảnh quan, thoát nước, nước tưới cho nông nghiệp, việc quản lý, bảo vệ các dòng chảy là rất cần thiết. 

Thế nhưng, thực trạng thật đáng buồn. Việc bỏ mặc các con suối cho người dân tự tung tự tác, xả rác bừa bãi, lấn chiếm diện tích không chỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng, giết chết cảnh quan tuyệt đẹp của thiên nhiên, mà còn dẫn đến tình trạng “mưa là ngập” tại thành phố thời gian gần đây. Con người đang trả giá cho những gì chính họ gây ra.

Để rộng đường thông tin, chúng tôi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, để hỏi nhà chức trách đã xử lý như thế nào với các hành vi lấn chiếm, xâm phạm các dòng suối nội thành, và giải pháp nào đã đề ra để phục hồi, mở rộng, trả lại vẻ đẹp cho các dòng suối như Quyết định 249 mà Phó Thủ tướng đã phê duyệt? Chờ đến nửa tháng, sau nhiều lần thúc giục, chúng tôi mới nhận được câu trả lời rất... lửng lơ, có vẻ những việc này chưa từng vào lịch trình hành động nào cả!   

Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Hà, người đã bỏ nhiều năm nghiên cứu thực trạng các con suối bị lãng quên, cho biết: Buôn Ma Thuột có mạng lưới sông suối chằng chịt nhưng chưa khai thác được tiềm năng vốn có. Theo quy hoạch chuẩn, mọi công trình xây dựng đều quay mặt ra suối (mặt nước), nhưng Buôn Ma Thuột toàn làm ngược lại, đã vô tình đánh mất báu vật thiên nhiên ban tặng. Thành phố của những dòng suối, tại sao ta không còn thấy suối trong phố nữa? Đã đến lúc phải xem xét vấn đề thấu đáo trước khi quá muộn.

MỚI - NÓNG