Sóng gió thương trường - Kỳ I: Hồng nhan bạc phận

Chị Linh (lúc còn sống) ở Vườn chè Ô long.
Chị Linh (lúc còn sống) ở Vườn chè Ô long.
TP - Cái chết đột ngột, đầy uẩn khúc của nữ doanh nhân thành đạt Hà Thúy Linh trên đường đi mở rộng thị trường xuất khẩu trà (chè) Ô long ở Trung Quốc khiến nhiều người ngỡ ngàng, thương tiếc. Phải chăng đó cũng là minh chứng của sự hiểm nguy, khốc liệt trên thương trường mà các doanh nhân phải đương đầu khi đã dấn thân.

Khai sinh trà ô long cao cấp

Hà Thúy Linh sinh năm 1970, quê ở thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp. Xinh đẹp lại lanh lợi, hoạt bát, cô dễ gây thiện cảm với người xung quanh. Thời gian làm hướng dẫn viên du lịch kiêm thông dịch tiếng Trung, Linh quen biết Lin Chin Chuang, người Đài Loan. Đến năm 2002, hai người nên duyên vợ chồng.

Khi còn làm trong ngành du lịch, không ít lần Linh cùng du khách lang thang ngắm những đồi trà hình bát úp tuyệt đẹp, thả hồn phiêu du cùng làn sương mù lãng đãng giăng mắc giữa rừng thông trầm mặc, bịn rịn không nỡ rời những vườn trà, cà phê nở hoa trắng muốt và tỏa hương thơm ngát. Các lão nông địa phương cho biết đây là vùng trà vào loại cổ nhất Việt Nam, do chủ đồn điền người Pháp tạo lập cách đây gần 90 năm với tên gọi ban đầu là Sở Trà Cầu Đất - Xuân Trường, diện tích lên tới 600ha, cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 20km về hướng Đông Nam.

Người dân xứ trà Cầu Đất thường gọi giám đốc Hà Thúy Linh là Linh Ô long bởi chị đã khởi xướng di thực cây trà xứ Đài về vùng đất này, hợp tác làm nên những sản phẩm trà ô long nổi tiếng cạnh tranh ngay cả với trà Ô long tại bản quốc, giúp hàng trăm hộ nông dân Đà Lạt đổi đời.

Đây là vùng đất đỏ bazan màu mỡ, lại nằm trên độ cao 1.650m lộng gió, mát lạnh, sương phủ quanh năm khiến hàm lượng chất kết tinh trong lá trà rất cao, hương vị đậm đà, chát chát và ngòn ngọt rất đặc trưng, hiếm nơi nào trên thế giới sánh được. “Hiện còn sót lại nhiều gốc trà Shan Tuyết cổ thụ vòng tay người lớn ôm không xuể, nhìn thích lắm chị ơi. Trà và cà phê Cầu Đất đều ngon nhưng em mê cây trà hơn. Ước gì suốt đời được sống trên đồi trà, giữa vùng trời thoáng đãng và hương thơm thanh khiết như dầy”, có lần Linh tâm sự.

Cứ tưởng cô hướng dẫn viên du lịch chỉ vì cao hứng tức cảnh sinh tình mà nói thế. Vậy mà dăm bảy năm sau Linh đã thuyết phục được chồng và nhóm bạn người Đài Loan mang những giống trà nổi tiếng của xứ Đài sang ươm trồng thử nghiệm ở xã Xuân Trường. Nhóm thương gia này tiến hành khảo sát chất đất, trồng thử nghiệm nhiều giống trà, cuối cùng chọn được những giống phù hợp nhất với vùng đất mới là ô long, kim tuyên, ngọc thúy, tứ quý... để trồng quy mô lớn. Họ thành lập công ty chuyên sản xuất, chế biến trà ô long cao cấp nhưng mấy năm đầu làm ăn không hiệu quả, thua lỗ gần 50.000 USD.Vợ chồng Hà Linh quyết định tách nhóm, thành lập công ty riêng (Cty TNHH Haiyih) và đã ăn nên làm ra. Đầu thập niên này, Haiyih xây dựng nhà xưởng chế biến trà rộng 6.500 m2 mua sắm hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng. Tổng doanh thu của công ty lên tới hàng triệu USD.

Việc kinh doanh đang tiến triển thuận lợi thì tình cảm vợ chồng rạn nứt dẫn đến chia tay. Trước đó, đứa con trai đầu bụ bẫm, đáng yêu bị ô tô cán chết ngay tại sân công ty khiến Linh vật vã, đau đớn. Tuy nhiên chị không gục ngã. Linh thành lập Công ty TNHH Hà Linh, ngoài sản xuất, chế biến trà ô long cao cấp, còn kinh doanh nhà hàng cà phê và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp.

Sóng gió thương trường - Kỳ I: Hồng nhan bạc phận ảnh 1

Chế biến chè tại Cty Hà Linh.

Phải vất vả gây dựng lại từ đầu, chạy đôn chạy đáo vay vốn đầu tư, tiên liệu sức mình không cày đủ sản lượng xuất khẩu, chị nảy ra ý tưởng ký hợp đồng dài hạn với nông dân để cùng liên kết sản xuất. Ban đầu các hộ từ chối vì e ngại đây là cây trồng mới, vốn đầu tư quá lớn (khoảng 300 triệu đồng/ha) trong khi chưa biết chắc thị trường tiêu thụ thế nào. Sau khi chị kiên trì thuyết phục, cam kết cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thì các hộ dần hưởng ứng. Đã có hơn 40 hộ nông dân ký hợp đồng liên kết trồng chè ô long với chị, nâng tổng diện tích chè của Cty Hà Linh lên hàng chục hécta.

“Trồng trà Đài Loan vừa lớn vốn vừa tốn công chăm sóc hơn trà Shan truyền thống bởi chúng rất dễ bị sâu bệnh”, chị Mai (thôn Cầu Đất, Xuân Trường) nói rồi kể thêm, chị Linh đẹp và trắng trẻo lắm nhưng hàng ngày vẫn cùng các kỹ sư đội nón lá ra vườn hướng dẫn nông dân chăm bón trà. Phun thuốc thế nào cho đúng kỹ thuật để vừa chống được nấm, sâu bệnh vừa không bị tồn dư thuốc. Rồi còn phải phun sữa, tưới trứng gà và mật ong..., những việc mà bao đời nay, nông dân vùng trà Đà Lạt chưa từng làm.    

Với giá thành khoảng 50 triệu đồng một tấn, trừ chi phí đầu tư, nông dân đạt lợi nhuận trên dưới 400 triệu đồng/ha. Trà Ô long Hà Linh đã chinh phục người tiêu dùng trong nước và còn xuất ngược sang Đài Loan quê hương của loại trà này. Với những thành công đó chị Hà Linh đã được trao tặng nhiều danh hiệu như Sao Vàng đất Việt, Cành chè Vàng, Cúp Sen Vàng, Chân dung Bạch Thái Bưởi, Nữ Doanh nhân thành đạt… Cty Hà Linh cũng vừa được trao Thương hiệu phát triển bền vững ASEAN 2015.

Sóng gió thương trường - Kỳ I: Hồng nhan bạc phận ảnh 2

Tin nhắn hăm dọa gửi đến máy điện thoại của chị Linh.

Bị đe dọa vì hỗ trợ chống chuyển giá

Đầu năm 2010 hơn 100 doanh nghiệp (chiếm gần 95% số doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài - FDI) ở Lâm Đồng báo cáo quyết toán sản xuất kinh doanh thua lỗ. Hầu như không doanh nghiệp FDI nào báo cáo kinh doanh có lãi hơn 10 năm qua và có nguy cơ thua lỗ kéo dài đến hết đời dự án. Nghi ngờ doanh nghiệp báo cáo lỗ giả để trốn thuế, Cục thuế Lâm Đồng quyết định triển khai đề án chống chuyển giá và chọn 17 doanh nghiệp FDI Đài Loan chuyên trồng, chế biến trà để thực hiện. Các doanh nghiệp này chiếm 3/4 diện tích đất trồng chè của cả tỉnh, 90% sản phẩm làm ra được xuất khẩu.

Thủ đoạn cơ bản của các doanh nghiệp là nâng giá hàng hóa, tài sản nhập khẩu từ Đài Loan vào Việt Nam để tăng chi phí, giá trị đầu tư; trong khi đó lại tìm mọi cách hạ giá thành sản phẩm chè xuất khẩu từ Việt Nam về Cty mẹ ở bản quốc dẫn đến thua lỗ triền miên. Điều phi lý nhất là giá trà ô long họ kê khai xuất khẩu thấp hơn giá bán tại Việt Nam tới mười mấy lần! Thế nhưng, để chứng minh doanh nghiệp gian dối, khai báo lỗ giả để trốn thuế chẳng dễ dàng.

Ngày đó, chị Linh đã cung cấp nhiều thông tin giá trị xung quanh việc chuyển giá của các doanh nghiệp xuất khẩu trà ô long qua Đài Loan. Chị còn giúp phiên dịch khi tỉnh làm việc với Hiệp hội Chè Đài Loan, Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại TPHCM để phối hợp chống chuyển giá; đồng thời phân tích và thuyết phục các doanh nghiệp trong hiệp hội nâng giá bán trà ô long và làm nghĩa vụ thuế sau nhiều năm đã được hưởng ưu đãi. “Sở dĩ có tình trạng này là do chưa có cơ chế phù hợp để quản lý ngành chè”, chị phân tích rồi hiến kế phải quy định khung giá các loại chè chứ không nên để các doanh nghiệp kê khai tiền đầu tư sản xuất và giá bán thế nào cũng được.

Kết quả, đã cắt toàn bộ khoản lỗ hơn 300 tỷ đồng và lần đầu tiên trong vòng 10 năm Cục thuế thu được thuế thu nhập doanh nghiệp (gần 4 tỷ đồng) trong nhóm doanh nghiệp này. Lâm Đồng trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thành công đề án chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Từ năm 2012 đã nâng số tiền thuế lên gần gấp đôi. Theo nhận định của lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng, cuộc chiến đó có công sức rất lớn của Hà Thúy Linh.

Sau chuyện này, chị Linh nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ với lời lẽ hăm dọa: “Anh đang kẹt tiền, em chuẩn bị cho anh 100 triệu nha, cu Bi mập mạp quá, anh cũng muốn nó an toàn”. Vụ việc được cấp báo với cơ quan công an.  

                (còn nữa)

MỚI - NÓNG