Sử không phải là cái mắc áo

GS Văn Tạo.
GS Văn Tạo.
TP - Cứ phân vân rằng GS Văn Tạo nguyên Viện trưởng Viện sử học mất đúng vào thời điểm xảy ra rầm rộ sự kiện Đồng Tâm nên ít người biết hay là việc về cõi của một bậc cao lão ở độ cửu tuần là cũng hợp với lẽ giời?

... Lần đầu tôi biết GS vào cái đêm đợi phà sang đất Ninh Giang của Hải Dương để khảo sát công trình phục dựng khu tưởng niệm Khúc Thừa Dụ. Khu di tích khang trang được phục dựng bây giờ khi ấy chỉ là bãi đất hoang mà GS Văn Tạo là một yếu nhân trong Ban tổ chức. Nói đúng hơn là phải đợi chữa phà. Hết xuống lại vật vạ trên xe. Nhưng cả một phần đêm đợi trôi đi như không hề uổng phí lẫn tiếc nuối. Câu chuyện cùng giọng hát chèo chầu văn, trống quân của ông già tuổi sắp tám mươi người nhỏ thó ngồi ở ghế trước dường như có chút gỡ đó ma mỵ vây phục đám viết lách cùng ngồi xe…

Ông già ấy là GS Văn Tạo

Tuổi bát tuần mà có được chất giọng thanh nhẹ cùng sự hoạt bát mau mắn. Chao ôi thanh ấy, tướng ấy mà cứ như GS bộc bạch rằng từng khó qua được tuổi 49. Bởi tuổi ấy Viện trưởng Viện Sử Văn Tạo vướng phải vô số bệnh trọng: Lao phổi hai hang ho ra máu. Gan to. Viêm cầu thận đi ra máu. Ngoài ra còn viêm đại tràng mãn, viêm giác mạc mắt, vôi hóa hai xương bả vai, thấp khớp nặng, viêm mãn hai đầu gối...

Thế mà bây chừ GS ăn khỏe ngủ ngon làm việc khỏe. Có thể nhong nhong trên con xe xuyên cả tháng trời. Sức làm việc của GS hơi bị nể, rằng ngồi vi tính từ 6-8 tiếng.

Bí quyết cứ như chất giọng vui vẻ của GS là căn cốt vào bốn chữ gọi là tứ tự. Bốn chữ ấy là Động, Thông, Tiết, Hợp. Động là vận động điều độ. Tuổi già thích tĩnh nhưng con người sống thì phải động. Bửng tưng nào cũng thế, mùa nào cũng vậy, kể cả ba ngày Tết, hay mưa gió cũng mặc, cụ đều không bỏ bữa tập nào nhằm cho tất thảy các khớp đều được hoạt động. Cả não cũng vậy. Luôn phải suy nghĩ đến điều tích cực, cái mới. Và không thể thiếu tiếng cười mà cụ cho rằng là cái rất động của tư duy. Thứ hai là Thông. Nhân diệc thị tiểu thiên địa (con người ta như vũ trụ nhỏ) Bất thông tắc thống. Không thông thì tất đau. Tắc đâu đau đấy. Phải làm sao thông được những chỗ tắc bằng thuốc và tập. Thứ ba là Tiết. Tiết độ trong ăn uống. Tiết dục trong sinh hoạt và danh lợi. Tri bỉ, tri kỷ, tri chỉ, tri túc (biết người, biết ta, biết dừng, biết đủ) đều thuộc về tiết. Cái thứ tư là Hợp. Thiên, địa, nhân, sinh tồn phát triển là do hợp. Tập luyện ăn uống sinh hoạt đều phải trong chữ Hợp, dùng thuốc cũng vậy. GS chất giọng thư thả kiêm cái cười tinh quái rằng còn một cái hợp nữa như các cụ từng đúc kết. Vật ẩm Mão thời tửu. Vật ẩm Dậu thời trà. Vật nhập Sửu thời phòng (dùng rượu vào giờ Mão, uống trà giờ Dậu... Phòng ở đây chắc cụ lên giường ngủ thôi chứ cụ bà khuất núi đã lâu rồi?) đều là chọn cái hợp giữa âm, dương với cơ thể vv...

Nếu đại khái chỉ có vậy thì cũng là sự thường bởi kim cổ đông tây thiếu chi người thọ? Phúc, lộc thọ. Tam đa. Nhưng hình như phải có chữ giả nữa. Phúc lộc thọ giả. Giả là người. Giả là khái niệm chỉ sự có ích? Tôi đồ rằng thiên hạ chả thiếu gì các phương thuốc lẫn vô số những phép dưỡng sinh này khác, nhưng ông Cao Xanh nếu có kéo dài tuổi trời cho GS thì chắc cũng có ý để cụ hoàn thành một số công trình nghiên cứu sử với phương châm và âm hưởng chủ đạo công minh, công bằng mà cụ chưa kịp làm khi đương chức? Dường như hơn sáu chục đầu sách, công trình nghiên cứu lịch sử in riêng và in chung vẫn chưa làm cụ hài lòng?

Một bậc cao niên dẫu giời cho khỏe mạnh và… kháu lão nữa nhưng vẫn là một ông già. Một ông già nghiên cứu sử, làm sử. Nhưng với GS, sức hút và tố chất bầu lên một GS Văn Tạo là ở cách nghĩ hiện đại cùng phương tiện để thực hiện mà GS căn cứ vào bốn chữ là công bằng, công minh. Phương châm ấy hình như GS toát yếu từ một lời răn, lời đe cứ như một nguyên tắc một slogan đối với những nhà làm sử viết sử chân chính rằng lịch sử không phải là cái mắc áo mà anh muốn khoác thứ gì lên đó cũng được!

Lần ấy nhân ngồi chuyện với một trong những học trò của GS trong nhóm những nhà nghiên cứu sáng giá Chương Thâu, Nguyễn Thừa Hỷ, Đàm Đức Vượng, Dương Kinh Quốc… (trong vai trò, hướng dẫn phản biện, GS Văn Tạo đã có công đào tạo hơn 80 Tiến sĩ) một vị đó trích thuật lại sự nghiêm cẩn của GS Văn Tạo trong công việc bằng sự viện dẫn câu của Napoléon mà GS vốn tâm đắc “Lịch sử là một tập hợp những điều dối trá đó được đồng ý chấp nhận” và “Lịch sử được viết bởi người thắng cuộc’’. Tôi cũng được trích thuật lại bức điện mừng GS Văn Tạo dịp GS 70 tuổi của GSTS sử học Pháp Charles Fourniau. Nếu về tuổi đời ông ít tuổi hơn tôi thì cách đây 30 năm ông đã là một trong những người thầy của tôi bắt đầu nghiên cứu về phong trào Cần Vương. Chúng ta cũng không nên băn khoăn khi đã bước sang cái tuổi bảy mươi. Tuổi này cho phép chúng ta nhìn lại quãng đường 30 năm qua khi đó tôi là một người nước ngoài duy nhất nhận được sự chỉ dẫn của ông về lịch sử. Chúng ta đã làm việc không tồi và ông đã là một trong những người đi tiên phong...

Lần ấy chính GS kể tôi nghe câu chuyện liên quan đến sử của vua Lê Thánh Tông. Vua Lê Thánh Tông trao cho sử thần Lê Nghĩa có trách nhiệm là phải ghi lại tất cả những việc làm của vua và lại được cái quyền cấm để ai được xem, kể cả vua! Đã 8 năm trôi qua, một lần vua sai bọn nội quan đến nói với Lê Nghĩa là vua muốn xem ghi chép hàng ngày từ năm Quang Thuận (niên hiệu của vua Lê Thánh Tông) thứ nhất đến năm thứ 8. Lê Nghĩa thẳng thắn rằng, vua mà đã đòi xem quốc sử chưa hẳn là hay! Nội quan bảo, vua muốn xem những ghi chép này để biết trước đây có lỗi gì để mà còn có thể sửa... Lê Nghĩa khẳng khái, chỉ cần bệ hạ cố gắng làm điều hay thì việc gì phải xem quốc sử. Nội quan nằn nì nhiều lần nhưng Lê Nghĩa vẫn khước từ: Thánh chúa nếu biết sửa bỏ lỗi lầm thì là phúc lớn vô hạn cho xã tắc!

Thế là dẫu không có khuyên can mà cũng như khuyên can vậy! Nghe nội quan tâu lại, vị vua anh minh vào bậc nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam khen ngợi Lê Nghĩa mãi không thôi. Kể lại chuyện ấy, GS Văn Tạo cứ suýt xoa rằng, sướng thay cho việc hành nghề của sử thần Lê Nghĩa, đồng nghiệp ngày xưa của cụ may mà gặp được vị minh quân như thế! Rồi cụ nói thêm đại ý, ngày nay quyền ghi chép các nhân vật, các sự kiện lịch sử ấy nếu các nhà làm sử không trọn vẹn thì thuộc về quyền của dân. Mà các nhà sử học chân chính do dân giao trách nhiệm phải thực hiện cho được tính công minh lịch sử! Nếu trước mắt chúng ta chưa thực hiện được sự công minh đó thì nay mai quần chúng nhân dân vẫn cứ làm rõ như chúng ta đã thấy về quá khứ đối với nhiều hiện tượng lịch sử, nhân vật lịch sử nhân dân đã thực hiện nó hoặc là tự phát hoặc là tự giác!

Với tôn chỉ mục đích- Công minh lịch sử và công bằng xã hội-  GS Văn Tạo đã tất tả ngược xuôi, gấp ruổi thời gian làm được một khối lượng công việc đồ sộ. Những là giải oan cho họ Mạc và triều nhà Hồ. Dựng lại công tích họ Trịnh.  Đánh giá lại công lao của họ Khúc, bắt đầu từ Khúc Thừa Dụ. Nêu cao sự nghiệp Đổi mới của Lý Công Uẩn. Đánh giá lại công lao của Trần Thủ Độ với vương triều Trần. Góp phần làm rõ sự nghiệp cải cách của Hồ Quý Ly. Ca ngợi Đào Duy Từ biết tự đổi mới vị thế xã hội của mình để góp phần đổi mới xã hội. Đánh giá đúng cải cách của Minh Mệnh. Khẳng định tính tích cực của những cải cách của Nguyễn Trường Tộ. Công lao Phan Thanh Giản và những hạn chế. Khẳng định Phan Châu Trinh là nhà yêu nước có xu hướng canh tân. Đặc biệt là công trình những thành quả và sai lầm của cải cách ruộng đất. Sửa sai tư liệu lịch sử viết oan về nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản. Thêm nhiều chứng cứ khẳng định tội ác của Phát xít Nhật trong sự kiện 2 triệu người Việt Nam chết đói năm 1945 vv...

Bây giờ mỗi dịp chiêm quan lại những Thành Nhà Hồ từng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, những đường phố ở Hà Nội mang tên thời nhà Mạc, nhà tổ chức Trần Thủ Độ… không khỏi nhớ lại thời điểm những ý kiến của GS Văn Tạo đã từng bị phản đối quyết liệt như thế nào? Riêng người viết bài này từng được GS cung cấp nhiều tài liệu và gợi ý để thực hiện loạt bài viết về nhà văn hóa Phạm Quỳnh. Và tư liệu để hoàn thành nhiều kỳ báo về một nữ sĩ họ Trịnh mà nhà nhà văn Nguyễn Tuân từng vét cạn túi để mua hoa tặng trong một đêm diễn.

Làm việc và yêu thương, hình như đó là âm hưởng chủ đạo của cuộc đời GS Văn Tạo? Tôi chưa thấy lần nào cụ buông lời phiền trách các đồng nghiệp cao niên hay ít tuổi hoặc các học trò của mình? Mà với ai cụ cũng đượm những lời tin tưởng ngợi khen? Cái lần tôi có tò mò hỏi cụ  về quá trình làm việc cũng như buổi phản biện luận án Tiến sĩ của ngài Hunxen với đề tài Cách mạng Campuchia tại Học viện Nguyễn Ai Quốc năm 1991, cụ chỉ vắn tắt rằng y phục xứng kỳ đức, rằng ông ấy xứng đáng đảm nhận những trọng trách như chúng ta từng biết.

(Nén hương muộn nhân 49 ngày GS Văn Tạo)

GS Văn Tạo, tên khai sinh là Nguyễn Xuân Đào, người làng La Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, là một nhà nghiên cứu có những đóng góp xứng đáng trong nghiên cứu lịch sử và xây dựng Viện Sử học. Trong hơn nửa thế kỷ làm công tác nghiên cứu lịch sử, GS Văn Tạo đã để lại một sự nghiệp khoa học khá đồ sộ với gần một trăm cuốn sách do ông biên soạn, chủ biên hay tham gia biên soạn, hơn 200 bài viết công bố trên nhiều tạp chí trong các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Từ năm 1996, GS Văn Tạo đưa ra luận thuyết Công minh lịch sử và Công bằng xã hội. Trên quan điểm này, ông đã góp phần nhìn nhận lại một số vấn đề lịch sử như nhận thức lại về họ Khúc, về nhà Mạc và nhà Trịnh, hay nhận thức lại về các nhân vật như Thái hậu Dương Vân Nga, Trần Thủ Độ, Hồ Quý Ly, Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh… Những nghiên cứu của ông đã góp phần đưa ra những nhận thức mới trong nghiên cứu lịch sử.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.