Sự thật nợ công

Sự thật nợ công
TP - Bản tin số 5 về nợ nước ngoài của Việt Nam lần đầu tiên được Bộ Tài chính công khai thu hút sự chú ý không chỉ giới đầu tư tài chính mà gần như hết thảy những người đang rất quan tâm tới nợ quốc gia.

>> Sẽ có bản tin công khai nợ công

Theo đó, tính đến ngày 31-12-2009, tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia (bao gồm nợ nước ngoài Chính phủ và nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh) là 27,929 tỷ USD, áp dụng tỷ giá quy đổi tại thời điểm cuối kỳ.

Như vậy, so với khoản nợ quốc gia công bố cuối năm 2005, gần 28 tỷ USD nợ nước ngoài này đã tăng gấp gần 2 lần, sau khi hàng loạt các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản… được chuyển vào ngân sách trong năm vừa qua.

Theo phân tích của đại diện Bộ Tài chính, xét theo khuyến nghị của WB, với quy chuẩn nếu vay với số tiền trên 50% GDP được cho là nợ quá nhiều thì nợ nước ngoài của Việt Nam so với GDP bằng 39%, được xem là diện quốc gia có nợ nước ngoài ở mức vừa phải.

Bản tin số 5 cũng cho biết vẫn còn rất nhiều tiêu chí đánh giá đang hỗ trợ cho ngưỡng nợ an toàn như: việc các khoản vay nước ngoài của Việt Nam đa số đều có lãi suất thấp, trong đó vay ODA chiếm tỷ trọng 74,67%; vay ưu đãi chiếm 5,41%; vay thương mại 19,92%.

Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt, dư nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ cùng lúc với lượng tiền lớn cũng tăng nhanh. Theo Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Nguyễn Thành Đô, dự kiến nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, tính cả gốc và lãi, sẽ vượt 1 tỷ USD trong năm nay; tăng trong các năm tiếp theo mà đỉnh điểm lên đến trên 2 tỷ USD vào năm 2016, trước khi giảm trở lại.

Trước công bố nợ quốc gia nói trên, các chuyên gia kinh tế đều chung nhận xét: vấn đề cốt lõi rất cần mổ xẻ, là gần 28 tỷ USD nợ nước ngoài đó là mức dư nợ do chúng ta tính toán, nhưng vấn đề ở chỗ nếu tính toán nợ theo chuẩn quốc tế thì sao? Vì phần lớn nợ công nước ta là nợ nước ngoài trong khi các nước trên thế giới tính cả nợ của doanh nghiệp nhà nước, khoản bảo hiểm hưu trí phải trả hằng năm...

Cần làm gì để hạn chế việc phình to nợ công quản lý vay và trả nợ? Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, ngoài sự giám sát, cảnh báo sớm đối với các dự án, tập đoàn được sử dụng nguồn vốn vay này của Chính phủ, có lẽ đã đến lúc cần xem xét thành lập một ủy ban đặc biệt chuyên trách nợ công để xây dựng một bức tranh hoàn thiện và giải quyết nợ công một cách căn cơ, thay vì chỉ để mình Bộ tài chính quản.

MỚI - NÓNG