Sự thật trong quan tài cổ

Sự thật trong quan tài cổ
Dòng chảy thời gian với biết bao biến động thời cuộc đầy máu, nước mắt và chiến tranh đã trôi qua kể từ khi Huỳnh Công Lý bị xử trảm vào năm Minh Mạng thứ hai (1821).

Bí ẩn những ngôi mộ cổ - Kỳ 2:

Sự thật trong quan tài cổ

> Kỳ một: Mộ hoang và án tham nhũng chấn động lịch sử

Dòng chảy thời gian với biết bao biến động thời cuộc đầy máu, nước mắt và chiến tranh đã trôi qua kể từ khi Huỳnh Công Lý bị xử trảm vào năm Minh Mạng thứ hai (1821).

Các bác sĩ và nhà khảo cổ đang làm rõ bí ẩn bên trong chiếc quan tài
Các bác sĩ và nhà khảo cổ đang làm rõ bí ẩn bên trong chiếc quan tài. Ảnh tư liệu của Đỗ Đình Truật (Tuổi Trẻ)

Nhưng sự thật vụ án tham nhũng chấn động triều Nguyễn của phó tổng trấn Gia Định, bố vợ vua Minh Mạng, vẫn chưa thể xóa nhòa dấu vết. Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật nhớ lại rất hồi hộp khi mở nắp quan tài thâm đen. Sự thật lịch sử gì sẽ phơi bày sau gần hai thế kỷ?

Chiếc thủ cấp và nhát chém

“Hôm ấy Sài Gòn mưa tầm tã. May mà chiếc quan tài đã kịp đưa về bệnh viện. Bên khảo cổ học có tôi và phó giáo sư Lê Xuân Diệm, phía bác sĩ có giáo sư Nguyễn Quang Quyền, ông rất giỏi về giải phẫu cơ thể học và kinh nghiệm trên xác ướp khảo cổ” - ông Truật nhớ khi nắp quan tài bật ra.

Họ ngỡ ngàng với đồ tùy táng đơn sơ, ngược lại với bề ngoài nấm mộ khá lớn trong cư xá Đô Thành. Phủ bên trên và dưới thi hài chỉ có hai lớp chiếu cói mỏng, một cái quạt, không có bất cứ châu báu, tiền bạc gì. Còn quần áo mặc theo chỉ vài lớp, rất khác với táng thức “gửi đồ cho người chết về suối vàng sử dụng” mà nhiều trường hợp ông Truật phải bóc hơn 30 lớp áo quần mới chạm đến thi hài.

Nhưng điều làm các nhà khảo cổ ngỡ ngàng nhất là không tìm thấy giấy tờ hay tài liệu, thẻ bài ghi thân phận người chết. Theo ông Truật, điều này rất lạ so với các mộ táng ông từng khảo cổ dù còn nguyên vẹn hay mục nát cũng đều có vết tích thân phận người quá cố.

Xác ướp ở Xóm Cải, quận 5, tên người chết được định danh Nguyễn Thị Hiệu ghi trong tờ giấy đặt trên ngực. Với xác ướp ở Vụ Bản, Nam Định, người ta còn tìm thấy tấm minh tinh chôn theo có ghi Đặng thượng y phu nhân Phạm Thị Nguyên Chân...

Trước thực tế không thể định danh hài cốt trong quan tài này, các nhà khảo cổ lúc ấy đã phân tích một biến cố nào đó đã xảy ra và cái chết không bình thường nên người chết được an táng một cách lặng lẽ, buồn tủi như thế!

Tuy nhiên, mấu chốt để xác định hài cốt Huỳnh Công Lý chính là bộ xương trong quan tài. Ngay hiện trạng chỉ còn bộ xương trong quan tài nguyên vẹn và vỏ quách hợp chất đồ sộ cũng làm nhà khảo cổ suy nghĩ. Với táng thức trong quan ngoài quách bằng gỗ quý và hợp chất bền chắc, họ đã tìm thấy nhiều thi hài còn nguyên vẹn như xác ướp. Vậy tại sao trong này lại chỉ còn bộ xương?

Ông Truật lật lại sử liệu: sau khi xử trảm Huỳnh Công Lý, tổng trấn Lê Văn Duyệt cho đem thủ cấp về trình tội với vua Minh Mạng. Sau đó, thủ cấp này được hoàn lại cơ thể để an táng.

Như vậy, nó được đưa đi, đưa về mất nhiều thời gian nên thi hài phải quàn lâu hoặc chôn tạm để chờ thủ cấp. Chính thời gian khá dài đó làm thi hài không được bảo vệ trong lớp quách hợp chất nên đã bị phân hủy.

Bộ xương được chôn đầu theo hướng tây nam, xương thân nằm ngửa nhưng hộp sọ lật mặt về phía trái. Chính giáo sư bác sĩ Nguyễn Quang Quyền kiểm tra xương cổ, tìm thấy một vết cắt ngang qua như bị đao chém đầu. Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật còn phát hiện vết máu trên cổ áo trong quan tài.

Chắp nối lại các sử liệu ghi chép Huỳnh Công Lý sau khi bị xử trảm được chôn cất ngay tại Sài Gòn, đặc biệt là các sử liệu định vị mộ quan tham này, các nhà khảo cổ đi đến kết luận họ đã tìm thấy nấm mộ và xương cốt Huỳnh Công Lý.

Hài cốt tìm thấy trong quan tài
Hài cốt tìm thấy trong quan tài. Ảnh: Ảnh tư liệu của Đỗ Đình Truật

Phía sau bản án

Sự thật bên trong mộ cổ là vậy, nhưng nghi án lạm quyền “tiền trảm hậu tấu” của Lê Văn Duyệt vẫn còn phải làm sáng tỏ. Đặc biệt, khi Lê Văn Duyệt qua đời, bị truy tội, nhiều người đã gán ông lồng ân oán riêng tư vào chuyện công để chém đầu Huỳnh Công Lý.

Trong quá trình tìm tư liệu, người viết đã tiếp cận một hồi ký đặc biệt của người nước ngoài đánh giá khách quan Huỳnh Công Lý. Đó là hồi ký Chuyến đi đến Nam Hà của trung úy thuyền trưởng John White, người Mỹ đầu tiên đến Sài Gòn năm 1819 trên chiếc thuyền Franklin.

Là nhân chứng nước ngoài hai năm 1819-1820 ở thành phố mới này, John White ghi lại hồi ký rất nhiều khó khăn, nhũng nhiễu phải đối mặt. Đây chính là giai đoạn Lê Văn Duyệt về kinh thành, giao nhiệm vụ cho phó tổng trấn Huỳnh Công Lý.

Lần đầu gặp Huỳnh Công Lý, John White không mấy thiện cảm để ghi lại hồi ký rằng: “Vị phó tổng trấn ngồi xếp chân hai bên kiểu người Á, vuốt râu trắng lưa thưa. Ông là một người già ốm, nhăn nheo, rất thận trọng, điệu bộ, mặc dù có nở nụ cười nhưng không đáng tin cậy, không cho ta thấy một điều gì công chính và thành thật”.

Về sau gặp Lê Văn Duyệt từ Huế trở về, nếu như John White ca ngợi đức hạnh, tầm nhìn viên tổng trấn này bao nhiêu thì lại khinh thường Huỳnh Công Lý bấy nhiêu. Thậm chí thuyền trưởng người Mỹ còn kể chính viên phó quan này thông đồng với những kẻ bất chính gây khó khăn cho ông ta.

Một đoạn hồi ký John White còn kể Huỳnh Công Lý lên thăm tàu Franklin, trơ trẽn “mượn” khẩu súng săn hai nòng quý giá mà John White biết rằng mình sẽ vĩnh viễn mất nó.

Đặc biệt, tội trạng và bản án Huỳnh Công Lý cũng được các chính sử Đại Nam thực lục, Quốc sử triều toát yếu, Ngự chế văn vua Minh Mạng... khẳng định.

Đại Nam thực lục chép rõ năm 1820, Huỳnh Công Lý bị dân binh Gia Định tố cáo tham nhũng hơn ba vạn quan tiền, khi điều tra còn lòi tội bắt binh sĩ xây dựng nhà riêng, cơ sở buôn ngói ở bờ sông Hương.

Vua Minh Mạng đã than giận: “Trẫm nuôi dân như con, thực không kể phí tổn. Nhưng bọn quan lại tham lam giảo quyệt chứa đầy túi riêng... Gần đây Hoàng (Huỳnh) Công Lý làm phó tổng trấn Gia Định không bao lâu mà bóc lột của dân đến trên ba vạn. Nếu các viên mục thú đều như y cả thì dân ta còn cậy vào đâu...”.

Cũng chính vua Minh Mạng minh xét án tham nhũng cần phải nhân chứng mà họ đều ở Gia Định, không dễ ra Huế, nên cử quan Bộ Hình Nguyễn Đình Thinh vào Gia Định tra xét. Sau đó vua Minh Mạng không những định án chết của Huỳnh Công Lý mà còn đuổi con gái ông ta là Huệ Phi trong cung ra làm thường dân.

Đặc biệt, trong Ngự văn chế sơ tập, vua Minh Mạng đã khẳng định “quân pháp bất vị thân” với đình thần: “Từ nay bất kể quân lính trong ngoài, gặp các viên quan biền tham lam ngược đãi như vậy mà phải chỗ quyền thế không nói ra được thì cho phép tâu trình, trẫm sẽ tìm ra căn nguyên để trị tội kẻ tham nhũng”.

Vụ án tham nhũng và sự đền tội của quan tham Huỳnh Công Lý từ gần hai trăm năm trước vẫn còn vẳng đến mai sau...

Theo Quốc Việt
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".