Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển

Sửa đổi Bộ luật Dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển
TP - Đây là chủ đề tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức sáng 28/1. 

Tại buổi tọa đàm, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, thành viên Ban soạn thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi nhấn mạnh: Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có vai trò rất quan trọng, nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đây là đạo luật lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, là luật nền cho các luật khác trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. “Bộ luật sửa đổi cần cụ thể hóa Hiến pháp về sở hữu, quy định rõ các hình thức sở hữu gồm sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng; đồng thời khẳng định mọi chủ sở hữu đều được bảo vệ như nhau, bình đẳng trước pháp luật. Bộ luật tôn trọng nguyên tắc tự do thỏa thuận nhưng cũng phải trong khuôn khổ, đồng thời cần có quy định để bảo vệ bên yếu thế”, ông Huệ nói.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh (nguyên Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) khẳng định, việc dân sự là việc của các bên. Vì vậy, cần giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước đối với thỏa thuận dân sự của các chủ thể. “Nhà nước phải tạo điều kiện để khơi thông năng lực trí tuệ, tinh thần và mọi nguồn lực của nhân dân. Nguyên tắc tự do thỏa thuận, tự nguyện cam kết để thực hiện quyền của các chủ thể phải được đề cao và được bảo vệ”, ông Huỳnh nói.

Các chuyên gia nhấn mạnh, Dự thảo sử dụng một số thuật ngữ pháp lý mới theo thông lệ quốc tế như vật quyền, trái quyền là cần thiết, đây là điều kiện để chúng ta hội nhập với thế giới.

MỚI - NÓNG