Tái cơ cấu ngân hàng đem lại diện mạo mới

Tái cơ cấu ngân hàng đã tạo được niềm tin với người gửi tiền và nhà đầu tư (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh
Tái cơ cấu ngân hàng đã tạo được niềm tin với người gửi tiền và nhà đầu tư (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - “Trước khi thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), hệ thống có nhiều ngân hàng yếu kém. Đến nay, sau một thời gian thực hiện tái cơ cấu, ngành ngân hàng đã có chuyển biến rất tích cực”- Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói về tái cơ cấu các TCTD.

Có nhiều ý kiến cho rằng, trong lĩnh vực tái cơ cấu nền kinh tế 3 năm qua, tái cơ cấu hệ thống các TCTD đang mang lại những kết quả tích cực?

Đúng là trong thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế với 3 trụ cột gồm: tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống các TCTD thì tái cơ cấu các TCTD là lĩnh vực đi đúng tiến độ và thực hiện đúng lộ trình, đã đạt được những thành tựu được xã hội ghi nhận hơn so với tái cơ cấu của đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. 

Trước khi thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD, có thể thấy là hệ thống có nhiều ngân hàng yếu kém. Đến nay sau một thời gian thực hiện tái cơ cấu ngành Ngân hàng đã có chuyển biến rất tích cực. Những kết quả của việc tái cơ cấu đã tạo được niềm tin đối với thị trường, với người gửi tiền và nhà đầu tư, đó là thành công lớn nhất. Đặc biệt, qua việc mua lại một số NHTM với giá 0 đồng đã chứng tỏ cho nhà đầu tư, người dân rằng, NHNN luôn quyết liệt trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém.

Nhưng thưa ông, dư luận hiện vẫn trăn trở rằng hình thức mua ngân hàng với giá 0 đồng đã ảnh hưởng tới lợi ích của cổ đông nhỏ lẻ?

Tái cơ cấu ngân hàng đem lại diện mạo mới ảnh 1

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên.

Mua ngân hàng 0 đồng thể hiện sự quyết liệt của NHNN. Theo tôi, khi nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông thông qua mua cổ phiếu của một TCTD hay một tổ chức sản xuất kinh doanh bất kỳ nào thì người mua cũng phải có sự hiểu biết nhất định về TCTD hay doanh nghiệp đó, phải có trách nhiệm với đồng tiền đầu tư của mình. Còn nếu muốn đầu tư an toàn thì chúng ta có thể chọn kênh gửi tiền tiết kiệm vào hệ thống TCTD để hưởng lãi. Quy luật thị trường là khi nhà đầu tư muốn hưởng lãi cao, bao giờ cũng đi liền với rủi ro và đòi hỏi trình độ hiểu biết nhất định. 

Không phải chúng ta không có các quy định trong Luật về bảo vệ cổ đông. Chúng ta đã cho phép các cổ đông nhóm lại với nhau và cử ra một người đại diện trong hội đồng quản trị. Trên thế giới cũng thế, đã chấp nhận đầu tư vào lĩnh vực nào thì nhà đầu tư đều hiểu đầu tư đó có phù hợp và họ phải có trách nhiệm bảo vệ đồng tiền của chính mình. Vấn đề là nhà đầu tư có tham gia đại hội cổ đông và phân tích được hoạt động kinh doanh của ngân hàng để bảo vệ quyền lợi của mình không. Nhìn nhận vấn đề này phải rất sòng phẳng và theo nguyên tắc thị trường.

Chỉ còn hơn 3 tháng nữa Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 sẽ kết thúc. Vậy ông đã nhìn thấy diện mạo mới của hệ thống chưa?

Sau giai đoạn 1, hệ thống các ngân hàng thương mại sẽ hình thành đội ngũ giao dịch viên chuyên môn hóa hơn, khắt khe hơn trong các khoản cho vay, nhưng tiếp cận nguồn vốn dễ hơn. Sau khi hình thành những ngân hàng lớn, sức hút cổ phần bán cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tốt hơn để nâng cao năng lực quản trị, chất lượng của hệ thống. Đơn cử như, khi Vietcombank bán cổ phần cho Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) thì ngân hàng này đã đem theo phương thức quản trị mới vào, đưa Vietcombank phát triển. 

Tái cơ cấu các TCTD cho chúng ta diện mạo hệ thống ngân hàng mới nhưng cũng có những áp lực. Năm 2016, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức ra đời, chúng ta hội nhập với khu vực mạnh hơn. Nhưng các nghiệp vụ mang lại giá trị gia tăng cho hoạt động ngân hàng sẽ được các ngân hàng trong khu vực sẵn sàng triển khai một cách ồ ạt và nó đẩy các TCTD của chúng ta vào cạnh tranh mạnh mẽ.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG