Tai nạn do cây gãy đổ: Ai chịu trách nhiệm?

Tai nạn do cây gãy đổ: Ai chịu trách nhiệm?
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng giám đốc Cty công viên cây xanh Hà Nội - cho biết, khi xảy ra tình trạng cây xanh đường phố gãy đổ đè gây thiệt hại đến tài sản cho người tham gia giao thông, thường các Cty bảo hiểm đền bù. Trường hợp không mua bảo hiểm, chủ phương tiện phải chịu thiệt hại.

> Cây đổ đè bẹp ô tô đang chạy

Theo ông Hưng thời gian qua, nhất là vào mùa mưa bão trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra nhiều trường hợp cây xanh bị gãy đổ.

“Năm 2010 chúng tôi thống kê có gần 300 trường hợp cây bị đổ. Chỉ riêng mấy cơn mưa đầu mùa vừa qua cũng đã làm trên 20 cây bị đổ, gẫy. Có trường hợp cây gãy, đổ gây thiệt hại đến tài sản của người dân.

Trong trường hợp cây gãy đổ gây thiệt hại tính mạng của người đi đường thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật - Văn phòng luật sư Nam Á cho biết, Bộ luật Dân sự có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

Theo đó chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do bất khả kháng.

Hiện nay Cty Công viên cây xanh Hà Nội được thành phố giao nhiệm vụ quản lý duy trì hàng chục nghìn cây bóng mát các loại, cây được trồng trên các tuyến phố, vườn hoa công viên (có khoảng 60 nghìn cây).

Năm nay, Cty được thành phố đặt hàng để cắt sửa khoảng 4.000 cây nặng tán, nguy hiểm; chặt hạ khoảng 1.000 cây sâu mục, chết khô, cong nghiêng. Kinh phí cho việc chặt hạ cây bóng mát khoảng trên 6 tỷ đồng.

Với kế hoạch này, Cty làm hết trách nhiệm, khả năng của mình để hạn chế thấp nhất những trường hợp thiệt hại do cây xanh gãy, đổ gây ra. Tuy nhiên, một số cây xanh đang tươi tốt vẫn có khả năng bị gió quật đổ, làm gãy.

Còn về trách nhiệm, khi xảy ra tình trạng cây xanh đường phố gãy đổ đè gây thiệt hại đến tài sản cho người tham gia giao thông, thường các Cty bảo hiểm đền bù. Vì các phương tiện thường mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm thân vỏ xe. Còn trường hợp nào không mua bảo hiểm thì chủ phương tiện phải tự chịu thiệt hại thôi.

Nhưng theo Luật Dân sự quy định chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ gãy gây ra, thưa ông?

Việc đền bù cũng tùy thuộc vào các trường hợp cụ thể, các lý do khác nhau. Chẳng hạn, các trường hợp cây xanh đổ, gãy do mưa bão, úng ngập hay gió to là nguyên nhân thiên tai bất khả kháng vì mình cũng không thể giám sát kiểm tra được.

Chủ thể quy định của Bộ luật Dân sự về việc bồi thường thiệt hại do cây cối đổ gãy cũng khác, còn chủ thể cây xanh đường phố cũng khác là nhà nước vì nó là lợi ích công cộng, lợi ích toàn xã hội. Cty cũng chỉ được thành phố giao duy trì, quản lý cắt tỉa, sửa cây xanh.

Thực ra, cũng chưa có quy định nào Cty phải bồi thường do các trường hợp cây đổ gãy gây thiệt hại cho người đi đường. Vì nếu như đền bù thì phải quy định rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm. Cho nên từ trước đến giờ Cty cũng chưa đền bù cho trường hợp nào, và cũng chưa có trường hợp nào yêu cầu Cty phải đền bù cả.

Công ty có tính đến việc mua bảo hiểm tai nạn do cây xanh đường phố gây ra?

Việc này Cty cũng đã tính tới nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể. Trong kế hoạch tổ chức giải toả cây đổ mùa mưa bão ba năm nay, Cty đều đề nghị thành phố cho phép Cty mua bảo hiểm hoặc trích từ quỹ dự phòng 2% trên tổng kinh phí cắt sửa, chặt hạ cây để giải quyết đền bù những trường hợp xảy ra do khách quan, bất khả kháng làm cho cây đổ, cành gãy gây thiệt hại cho người và tài sản.

Tuy nhiên, hiện đề nghị này chưa được phê duyệt, ngay cả phía các Cty bảo hiểm người ta cũng rất ái ngại, vì việc mua bảo hiểm cho cây xanh đường phố cũng chưa có tiền lệ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG