Tai nạn và ùn tắc giao thông: Một phần do ngành GTCC?

Tai nạn và ùn tắc giao thông: Một phần do ngành GTCC?
Ông Đào Công Hải, Trưởng phòng CSGT – CATP Hà Nội cho biết: Một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc và tai nạn giao thông là do ngành giao thông công chính chưa giải quyết kịp thời kiến nghị của cảnh sát giao thông.

Cụ thể, trong số các điểm ùn tắc và nguy cơ ùn tắc, có đến 12 điểm không được sở GTCC tổ chức giao thông lại dù đã được báo từ lâu.

Theo Sở Giao thông công chính (GTCC) Hà Nội, hiện thành phố có 10 điểm thường xuyên ùn tắc, 51 điểm có nguy cơ ùn tắc cao.

Tương tự, với tình hình TNGT, nếu như Sở GTCC giải quyết kiên quyết thì sẽ giảm đáng kể số vụ TNGT, số người chết.

Ví như tại 14 điểm “nóng” thường xuyên xảy ra TNGT, CSGT đã đề xuất với sở GTCC xử lý. Nhưng trong khi “chờ” xử lý, 14 điểm này đã xảy ra 36 vụ TNGT làm chết 36 người, bị thương 42 người.

Tai nạn và ùn tắc giao thông: Một phần do ngành GTCC? ảnh 1

10 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội

1. Cầu Chương Dương
2. Nút Chương Dương độ - đê 401
3. Nút Hàng Đậu – chợ Long Biên
4. Nút Thụy Khuê - Bưởi – Hoàng Hoa Thám
5. Ngã tư Sở
6. Nút Tây Sơn – Chùa Bộc
7. Nút Cát Linh – Tôn Đức Thắng
8. Nút Phạm Ngọc Thạch – Lương Đình Của
9. Nút Lạc Trung – Thanh Nhàn
10. Nút Phương Mai – Giải Phóng

Góp phần làm xảy ra TNGT và ùn tắc giao thông còn phải kể đến việc mở dải phân cách đường tùy tiện, vô nguyên tắc tại nhiều tuyến đường, đặc biệt là trên đường Phạm Văn Đồng, có điểm mở cách nhau chỉ 10m.

Chỉ vì một lối vào cửa hàng, cửa hiệu là có thể được mở dải phân cách. Mở thì dễ, nhưng khi đóng lại vô cùng khó.

Ngoài ra, gây ùn tắc tại Hà Nội còn phải kể đến 19 “chợ” họp trên đường và 31 điểm thường xuyên úng ngập. Những điểm này gây ách tắc giao thông bất cứ lúc nào. 

Thêm nữa, theo ông Hải, làm cho tình hình ùn tắc thêm phức tạp còn bởi nhiều quận nội thành, tổ chức đỗ xe máy tại những ngõ nhỏ. Khi xảy ra ùn tắc tại các phố lớn, phương tiện lao vào ngõ nhỏ và cũng bị… tắc không lối thoát.

Để chống ùn tắc giao thông, trước mắt từ nay đến Tết Nguyên đán, nhiều kiến nghị được đưa ra như: Xóa bỏ nhiều điểm đỗ xe bất hợp lý (kể cả có phép và không phép); Kiểm tra việc thực hiện giờ làm việc lệch; Kiến nghị đưa xe máy lên cầu Long Biên; Những ngõ có chiều rộng dưới 4m sẽ không cho xe ô tô vào; tăng cường 200 thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn giao thông...

Trong cuộc họp mới đây của UBNDTP, ông Nguyễn Quốc Triệu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cơ bản đồng ý với những đề xuất của đơn vị chuyên môn đưa ra. Ông Triệu cũng cho biết, Hà Nội sẽ thành lập gấp một Ban nghiên cứu, tổ chức giao thông nhằm cập nhật thông tin liên quan đến giao thông, nghiên cứu đưa ra giải pháp tổng thể giúp tổ chức, điều hành giao thông Hà Nội có hiệu quả cao.

MỚI - NÓNG