Tại sao hàng loạt cây mới trồng bật gốc sau bão?

Tại sao hàng loạt cây mới trồng bật gốc sau bão?
TPO - Theo thống kê sau ảnh hưởng của bão số 1 đêm 27, rạng sáng 28/7, có 1.110 cây xanh bị đổ trong đó nhiều cây mới được trồng bổ sung trên một số tuyến phố Hà Nội. Một số chuyên gia cho rằng, loại cây mới này không phù hợp và trồng sai kỹ thuật.  

Hơn 1.000 cây gãy đổ

Rạng sáng 28/7, cơn bão số 1 trực tiếp ảnh hưởng đến địa bàn Hà Nội. Gió giật mạnh bắt đầu từ 3 giờ sáng đến 10 giờ cùng ngày. Ghi nhận lúc 8 giờ sáng trên cầu Nhật Tân, gió thổi mạnh khiến nhiều người không điều khiển được xe máy phải xuống xe dắt bộ. Tình trạng gió giật mạnh ảnh hưởng đến việc đi lại, tầm nhìn của người tham gia giao thông cũng xảy ra tại các cầu Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy… Đặc biệt, trên đường Phạm Hùng, đoạn qua tòa nhà Keangnam, gió giật mạnh đã quật ngã nhiều xe máy. 

Tại sao hàng loạt cây mới trồng bật gốc sau bão? ảnh 1

Cây xanh mới trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh bị bật gốc

Ghi nhận cho thấy, rất nhiều cây xà cừ to bị bật gốc. Các tuyến phố như Hai Bà Trưng, Trần Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, Trần Xuân Soạn (quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ (quận Đống Đa)… đều có cây to đổ bật gốc, vắt ngang đường khiến giao thông bị cản trở. 

Các vụ cây đổ này gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng như tại phố Núi Trúc, 1 cây xà cừ đường kính 100 cm đổ ngang đường đè vào 1 xe ô tô 7 chỗ; Tại phố Ngọc Hà, 1 cây đường kính 50 cm đổ ra đường đè lên xe ô tô bán tải; Tại đường Hai Bà Trưng, 1 cây xanh  đổ ra đường đè lên 1 xe ô tô 5 chỗ…  Rất may không có thương vong về người. 

Gió to khiến nhiều công trình bị tốc mái tôn, bay biển hiệu, hỏng biển quảng cáo như lúc 9 giờ sáng tại phố Lý Nam Đế, một tấm tôn bay từ nóc nhà mắc kẹt trên tán cây khiến người đi đường hoảng sợ hay 200 mét tôn rào công trình xây dựng đường sắt trên cao trên đường Cầu Giấy cũng bị gió thổi đổ và di chuyển, ảnh hưởng an toàn giao thông.

Theo thống kê của Thanh tra Giao thông Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.110 cây xanh, 12 cột điện, cột chiếu sáng bị gãy, đổ; 14 biển báo giao thông; 2 hộp đèn quảng cáo đổ ra lòng đường, vỉa hè, dải phân cách. Đáng nói, trong số hơn 1 ngàn cây gãy đổ, ngoài những cây xà cừ lâu năm, còn có khá nhiều cây mới được trồng. 

Tại đường Lê Duẩn (đoạn qua công viên Thống Nhất), hàng chục cây xanh mới trồng còn cột chống cũng bị đổ bật gốc. Trên các tuyến phố khác như Quang Trung (quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Thái Học, Sơn Tây (quận Ba Đình), Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa)…Riêng trên đường Nguyễn Chí Thanh, cây mới trồng một thời gian bị bật gốc hàng loạt. Thậm chí, có địa điểm cả dãy dài các cây bật gốc nằm đè lên nhau kèm theo cả những thanh chống xung quanh. Theo ghi nhận của phóng viên, các rễ lớn của các cây này đều bị chặt ngắn. Nhiều cây khác cũng đã nghiêng, sắp đổ. Đến giữa trưa, hầu như các cây này chưa được thu dọn, khắc phục.

Cây không phù hợp, trồng sai kỹ thuật?

Trao đổi với Tiền Phong, một chuyên gia tại Đại học Lâm nghiệp Hà Nội cho rằng trồng cây xanh trong đô thị phải tính toán kỹ về loại cây, đất đai sao cho phù hợp, chứ không thể “có đất là trồng”, bởi Hà Nội hiện nay có quá nhiều công trình ngầm (cáp điện, cáp viễn thông, thoát nước…), cộng thêm việc bê tông hóa vỉa hè, khiến bộ rễ cây phát triển kém, dễ đổ ngã khi gặp mưa bão. 

Theo TS. KTS Phó Đức Tùng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị, Đại học Lâm Nghiệp, hiện đang là chuyên gia độc lập về đô thị thì cây xanh đô thị không thể trồng theo kiểu khoét lỗ rồi cắm cây xuống đất được. “Đây là cách trồng phi khoa học, cây không thể phát triển được”, ông Tùng nói. 

KTS Tùng cho biết thêm, hiện nay các nước phát triển trên thế giới đều trồng cây bằng giá thể, những giá thể có những mao mạch, cung cấp nước, dinh dưỡng cho cây. Giúp cây phát triển được trong điều kiện chật đất mà không ảnh hưởng tới hạ tầng.

Một chuyên gia khác (đề nghị giấu tên) cho biết, đáng lẽ, khi trồng cây mới, các cột chống phải chôn sâu xuống đất khoảng 10 – 15cm, chứ không phải để hời hợt ngay trên mặt đất. “Việc cây bật gốc kèm theo những cột chống đã nói lên điều đó”, ông này nói. 

Cũng theo chuyên gia này, việc trồng cây mới ở Hà Nội phải nghiên cứu kỹ vì có loại cây phù hợp với trồng ở đường phố, vỉa hè, có loại cây phù hợp trồng trong công viên, công sở. “Quy hoạch cây xanh Hà Nội hiện nay nặng về quy hoạch không gian xanh chứ quy hoạch cây xanh mới chung chung. Đưa ra một danh sách cả trăm loại cây, từ danh sách này nên mọi người hiểu nhầm, cứ lấy từ danh sách đó ra trồng mà không để ý đến sự phù hợp. Ngay như cây phượng, nếu trồng ở ven sông Tô Lịch thì rất tốt, nhưng trồng trên vỉa hè, dải phân cách thì phải xem lại. Cây phượng khi trồng bằng cây đã to thì khả năng chỉ phát triển theo hướng ngang, cành cây rủ xuốn lủng lẳng rất dễ gẫy”, chuyên gia này nói. 

Cũng theo chuyên gia này, việc Hà Nội trồng cây với đường kính trên 15cm cũng không phù hợp vì bộ rễ phát triển kém không bằng cây nhỏ. Khi trồng cây to thì rễ lớn của nó bị chặt hết. Sau đó khả năng ra rễ nhỏ hạn chế. Bộ rễ sẽ yếu. Hai nữa là trồng cây to sẽ không có tán lá, chỉ có cành không, các chồi mọc ở lớp vỏ cây rất dễ gẫy, gây nguy hiểm. Ông này cho biết, đã có văn bản góp ý gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, tuy nhiên, chưa thấy có phản hồi hoặc tiếp thu.

MỚI - NÓNG