Tâm Bão vào Quảng Ninh: Móng Cái “căng mình” chống bão

Nhà dân bị hư hại trong cơn bão tại TP Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh chụp lúc 22h30 ngày 16/9. Ảnh: Thành Duy
Nhà dân bị hư hại trong cơn bão tại TP Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh chụp lúc 22h30 ngày 16/9. Ảnh: Thành Duy
TP - Thông tin từ UB phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn T.Ư, phải tới 23 giờ, bão số 3 mới đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, với người dân Móng Cái, bão đã đổ bộ vào địa phương này sớm hơn dự kiến.

Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong tại thành phố Móng Cái, chiều ngày 16/9, tại đây gió mạnh cấp 10 giật trên cấp 11. Mưa gió hoành hành khiến hàng loạt cây xanh đổ gãy.

Vào lúc 21 giờ, ngoài cây ngả nghiêng, nhiều mái tôn, biển hiệu tại các trục đường của thành phố cũng bị gió cuốn phăng. Ngã tư Đại lộ Hùng Vương, một mảng mái tôn rộng hàng chục mét đã bị gió đưa xuống đường. TP Móng Cái mất điện hoàn toàn.

Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Móng Cái không khí làm việc trực chiến hết sức khẩn trương.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái cho biết: Thống kê sơ bộ đã có hơn 10 nhà dân bị tốc mái, hàng trăm cây xanh đổ gãy. Trên 1.000 ha lúa mùa đang vào hạt bị đổ và giập nát. Đến hiện tại vẫn chưa có báo cáo thương vong tại thành phố này. Tuy nhiên, cập nhật thông tin cho thấy: Móng Cái nổ một trạm biến áp 0,4 KVA của trụ sở UBND, Thành ủy Móng Cái, một số khách sạn và nhà dân bị gió giật vỡ kính. Đặc biệt, khách sạn Duyên Hải bị gió giật toàn bộ hệ thống kính.

Bão đổ bộ vào đêm nên công tác phòng chống vô cùng phức tạp. Cả thành phố đang căng mình chống bão. Tất cả lực lượng dân quân, quân đội đã được huy động thường trực để cứu dân, sơ tán dân…

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Thành ủy Móng Cái cho biết, mặc dù thông báo bão đổ bộ lúc 23 giờ hoặc trước đó là 19 giờ nhưng thực tế, bão đã đổ bộ vào Móng Cái từ lúc 15 giờ chiều. Sức gió ghi nhận được tại Móng Cái là cấp 11 giật trên cấp 12.

Theo thông tin tổng hợp của TP Móng Cái thì Móng Cái là nơi bão đổ bộ và có sức gió mạnh nhất và chắc chắn thiệt hại rất lớn. Tuy nhiên, kỳ lạ là các bản tin gần như ít đề cập đến địa phương này. Đến thời điểm này, vẫn chưa có báo cáo thương vong về người tại thành phố Móng Cái.

Sơ tán hàng ngàn tàu thuyền, hàng vạn dân

Tại một số địa phương khác, bão cũng hoành hành dữ dội. Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, tại Cô Tô lúc 19 giờ gió mới đạt cấp 5 cấp 6. Toàn bộ tàu thuyền của ngư dân được đưa vào nơi tránh bão an toàn. Xác định cơn bão đổ bộ vào đêm, nên toàn bộ huyện đang căng mình đợi bão. Tới 21 giờ cùng ngày tại Cô Tô gió đã đạt cấp 10 cấp 11.

Tâm Bão vào Quảng Ninh: Móng Cái “căng mình” chống bão ảnh 1

Đường phố Hạ Long-Quảng Ninh không một bóng người khi cơn bão số 3 đổ bộ vào lúc 22 giờ đêm ngày 16/9 Ảnh: anh tuấn

Tại Vân Đồn, ông Hoàng Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 1.000 tàu thuyền và hàng trăm lồng bè đã được đưa về nơi trú bão.

Tới 16 giờ  ngày 16/9, toàn bộ người dân trên các lồng bè đã được yêu cầu và cưỡng chế lên bờ an toàn. Mặc dù bão chưa về nhưng tại huyện này gió đã lên tới cấp 9 giật cấp 10 vào lúc 19 giờ. Vẫn chưa có thông tin thiệt hại về người và của tại địa phương này.

Theo báo cáo của Văn phòng Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ninh, đến cuối giờ chiều ngày 16/9, 100% tàu đánh bắt xa bờ đã được kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn. 500 tàu du lịch đã ngừng hoạt động trở về các điểm tránh trú bão. Đặc biệt, với 7.600 lồng bè đã triển khai chằng chống để đảm bảo tài sản, đồng thời đã đưa toàn bộ dân ở trên bè lên bờ.

Chiều tối 16/9, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh cho biết, đến 16 giờ cùng ngày, các địa phương trong tỉnh đã sơ tán trên 12.000 dân tại các khu vực nguy hiểm, khu nuôi trồng thủy sản, lồng bè, nhà yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở… tới nơi tránh trú bão an toàn.

Trong đó, TX Quảng Yên sơ tán 2.680 người; TP Hạ Long 280 người; Vân Đồn 1.860 người, Móng Cái gần 7.000 người, Cẩm Phả 1.520 người; Đầm Hà 64 người; Tiên Yên 3.500 người…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Văn Đọc cho biết, yêu cầu các địa phương kiên quyết trong công tác di dân ở các lồng bè, bãi triều, nhà hàng trên biển…

Với những địa bàn có nhà yếu thực hiện di dân tại chỗ. Cùng với đó, tỉnh cũng lưu ý ngành Viễn thông có phương án bảo vệ các cột ăng ten để đảm bảo thông tin thông suốt. Các đơn vị ngành Than trên địa bàn Cẩm Phả lưu ý các bãi thải để phòng tránh sạt lở.

Trước lo ngại bão về có thể gây nguy hiểm cho 7.000 lít dầu chứa hóa chất siêu độc PCB đang được lưu giữ ở cảng Cái Lân, cạnh vịnh Hạ Long, ông Hoàng Việt Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc lưu giữ lô hàng trên đảm bảo an toàn nên không cần tăng cường bảo vệ.

Ông Dũng cho hay, gần nơi lưu giữ có bố trí cột thu sét để phòng trường hợp sét đánh. Hai container lưu giữ thân máy biến thế và 7.000 lít dầu biến thế có khối lượng hàng chục tấn nên không lo ngại lốc xoáy hay giông tố có thể gây ra tràn đổ.

Khuyến cáo của các chuyên gia, việc lưu giữ dầu chứa PCB phải đảm bảo đủ cao và dốc để chống ngập lụt khi có mưa lớn, đủ thông thoáng để phòng cháy nổ. Các yếu tố lũ lụt, lốc xoáy, sấm sét, chập điện đều có thể gây ra sự cố rò rỉ, đổ tràn và cháy nổ với khối hóa chất độc hại khổng lồ này.

Nguyễn Hoài

MỚI - NÓNG