Xung quanh đề xuất di dời ga Hà Nội khỏi nội đô:

Tận dụng không gian ba chiều cho ga Hà Nội

Bên trong Ga Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Bên trong Ga Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - KTS Nguyễn Việt Huy, TS. Quy hoạch đô thị Đại học Paris Pantheon, người trong nhóm nghiên cứu khảo sát đập thông vòm cầu đường sắt Phùng Hưng- không tán thành đề xuất di dời tuyến đường sắt xuyên tâm ra Hà Nội. Anh trả lời Tiền Phong xung quanh quan điểm này.

Anh thấy thế nào về ý tưởng đưa tuyến đường sắt xuyên tâm ra khỏi Hà Nội, bởi hình ảnh ga Hà Nội đi vào lịch sử và văn hóa Hà Nội từ hơn trăm năm nay?

Việc quy hoạch ga trung tâm Hà Nội nằm trong quy hoạch của người Pháp từ xưa cho Hà Nội. Ga trung tâm trong thành phố ở Hà Nội cũng giống quy hoạch ga trung tâm ở đô thị cổ khác của châu Âu như Paris, Roma ngay cả châu Á như Bắc Kinh, Tokyo.

Hình ảnh ga Hà Nội mang ý nghĩa cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nói đến nhà ga, người ta nghĩ ngay đến hai hình ảnh vui mừng đón người thân, nỗi buồn phải chia tay tiễn biệt. Ga Hàng Cỏ để lại trong con người Hà Nội, người miền Bắc nói chung hình ảnh sâu đậm, đi vào lịch sử. Nhà thơ Tản Đà từng viết bài thơ La ga Hàng Cỏ.

Việc phá bỏ hình ảnh này là không thể, bởi nó như nhân chứng lịch sử. Về mặt kiến trúc, ga Hà Nội kể câu chuyện của lịch sử trên kiến trúc: Người ta vẫn thấy phần trên mang hình ảnh kiến trúc xây dựng đầu tiên từ thời Pháp thuộc - kiến trúc tân cổ điển. Đoạn sảnh ga bị bom Mỹ đánh phá, khi sửa lại người ta không khôi phục kiến trúc cũ, làm theo ngôn ngữ kiến trúc Nga, cộng với một số sửa chữa nhỏ sau này của người Việt. Tất cả điều đó chứng tỏ rằng ga này có tuổi đời, trải nghiệm trong lịch sử và tầm quan trọng.

Những người ủng hộ việc di dời cho rằng tuyến đường sắt này dễ gây ùn tắc giao thông, anh nghĩ sao về điều này?

Nhiều người cho rằng nếu không di dời, hiện tượng tắc nghẽn giao thông xảy ra thường xuyên hơn bởi dân số ngày càng tăng. Tuy nhiên xét cho cùng giao thông công cộng mới giảm thiểu tắc nghẽn đô thị. Cho nên chúng ta nên nghĩ cách cải tạo và tận dụng không gian đó đúng nghĩa nhất. Từ hòa bình lập lại đến nay, nhà ga Hà Nội chưa được sử dụng hiệu quả, chủ yếu phục vụ tuyến đường sắt Bắc-Nam và một vài tuyến lên phía Bắc. Nếu chúng ta có quy hoạch tốt, tận dụng không gian, ga Hà Nội sẽ được sử dụng hiệu quả hơn nhiều. Đó chính là ga trung chuyển cho tàu điện ngầm, trên cao kết nối nội đô thậm chí kết nối tuyến xe buýt, phương tiện công cộng khác.

Tận dụng không gian ba chiều cho ga Hà Nội ảnh 1 KTS Nguyễn Việt Huy.

Không di dời tuyến đường sắt này khỏi trung tâm, theo anh có hướng phát triển nào phù hợp?

Tại thời điểm xây dựng, người ta chỉ nghiên cứu trên mặt bằng hiện hữu. Chúng ta chưa tận dụng không gian ba chiều, phân tầng nhiều tốc độ tàu. Chẳng hạn với tàu chạy xa, không vào nội đô có ga trung chuyển ở bên ngoài. Chúng ta có thể phát triển ga Giáp Bát, Ngọc Hồi thành ga phía Nam, phía Bắc có thể xây dựng phát triển thêm Gia Lâm, Long Biên. Thậm chí phải nghiên cứu ngay đề xuất quy hoạch ga phía Đông đi các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, hay ga phía đi các tỉnh Phú Thọ, Sơn La. Ga trung chuyển sau đó kết nối vào ga trung tâm. Trong nghiên cứu quy hoạch trước đây hoặc hiện nay, ga Hà Nội vẫn được bảo lưu là ga trung tâm, chưa có nhà chuyên môn nào đưa ra ý kiến một chiều rằng đưa ga ra khỏi nội đô. Ý tưởng đó chưa được nghiên cứu thấu đáo về mặt chuyên môn, chưa đầy đủ và thuyết phục.

Anh có đề xuất, ý tưởng nào học tập từ nước ngoài đối với tuyến đường sắt xuyên tâm Hà Nội này?

Paris vẫn có những ga rất lớn nằm trung tâm, sau đó đi mỗi vùng, mỗi phương lại có ga khác giảm tải, thậm chí còn chia hẳn tám hướng. Đô thị Paris có thiết kế hệ thống giao thông tầng bậc. Nên hiểu rằng thiết kế đô thị của người Việt nói riêng và thế giới những năm gần đây nói chung bị rơi vào tình trạng “cứ vẽ ra những con đường sau đó đặt những ngôi nhà bám theo những con đường đó”. Ngược lại thiết kế đô thị là tạo ra không gian sống hữu ích nhất, tốt nhất cho con người. Chúng ta chưa nghiên cứu triệt để, chưa đưa ra hệ thống đô thị phục vụ tốt cho không gian đô thị cũng như cho đời sống con người. Ở Paris, tầng sâu nhất phục vụ tàu chạy xuyên các tỉnh thậm chí sang nước khác ở châu Âu, trên một chút là ga liên hệ các vùng xung quanh, rồi đến khu vực liên kết các quận vùng Paris mở rộng rồi mới đến tàu điện ngầm, trên nữa đường xe buýt, đường trên cao. Nếu chúng ta cứ chen chúc mãi, không tận dụng chiều cao, chiều sâu, không bao giờ giải quyết được vấn đề.

Cảm ơn anh.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...