Tan nát một xóm nghèo

Tan nát một xóm nghèo
TP - Cách xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam chưa đầy 5km, nhưng lộ trình khúc khuỷu dường như làm cho những tang thương của 13 gia đình nạn nhân cơn bão Chanchu ở thôn Hiệp Hưng (xã Bình Hải) không vượt ra khỏi “lũy tre làng”.
Tan nát một xóm nghèo ảnh 1
Trao quà của bạn đọc Tiền phong cho gia đình nạn nhân Hà Minh Sơn

Thảm nạn đã đi qua, nhưng những người vợ, người mẹ và hàng chục ánh mắt trẻ thơ vẫn đau đáu nhìn ra biển. Bây giờ, họ chỉ sống bằng hy vọng...

Trưa 30/5, thôn Hiệp Hưng im lìm trong nắng, tiếng khóc nỉ non từ gia đình những nạn nhân càng làm khung cảnh thê lương. Đi giữa đường, hầu như chúng tôi chỉ gặp phụ nữ và trẻ em.

Ông Nguyễn Tấn Sự – cán bộ phụ trách DS-GĐ&TE xã Bình Hải, lý giải: “Đàn ông con trai đi biển, bỏ xác không về rồi, lấy đâu nữa mà gặp”. 13 thuyền viên ở thôn Tân Hiệp cùng đi trên tàu DNa 90154 bị mất tích thì cho đến nay cả 13 gia đình đã làm bàn thờ rước vong linh họ giữa biển khơi. Nỗi đau ập xuống xóm nghèo cũng đồng nghĩa với tương lai u ám đang chờ họ trước mắt.

3 ngôi nhà xập xệ chỉ cách nhau chưa đầy 10 bước chân, nhưng 3 chiếc bàn thờ với những vành tang trắng cũng đủ là nỗi đau tột cùng của một đại gia đình.

3 anh em Hà Minh Sách (1956), Hà Minh Sơn (1972) và Hà Minh Hải (1974) cùng đi trên tàu DNa 90154, cùng mất tích chưa trở về. 9 đứa con khóc cha, 9 đứa cháu khóc chú, khóc bác, 3 người vợ khóc chồng...

Chỉ trong thoáng chốc, khi cơn bão Chanchu hung tàn chuyển hướng, cả đại gia đình này biến thành một đại tang chưa từng có từ trước đến nay trong xã. Với họ, giờ đây chỉ còn lại những người vợ chân yếu tay mềm, những đứa con thơ bé bỏng đang độ tuổi cắp sách đến trường.

Chị Hoàng Thị Lan – vợ anh Hà Minh Sách, nấc không thành tiếng: “Bây giờ, nước mắt phải chia ba, đau đớn vì mất chồng, nhưng đến nhà 2 chú Sơn, Hải, nỗi đau lại càng chồng chất. Bây giờ, tôi chẳng dám đến nhà chú Sơn, sợ rằng tôi chịu không nổi”.

Nhà anh Sơn, một ngôi nhà có lẽ còn sót lại từ... thế kỷ trước, nhếch nhác, xập xệ và điêu tàn trong gió cát. 4 mẹ con chị Bùi Thị Nga những ngày đợi chồng đã cơ cực, giờ đây, thêm một chiếc bàn thờ nghi ngút khói hương, lại càng thêm u ám.

Tin, bài liên quan:

>> Còn gì nữa, biển ơi?

Em Hà Thị Nguyệt nức nở: “Trước ngày cha đi, con nói đi học mà lội bộ xa lắm. Cha hứa chuyến đi biển này về sẽ mua cho con xe đạp. Bây giờ đi học xa mấy cũng được, chỉ cần cha về với con thôi”.

Thế nhưng, cha Nguyệt vĩnh viễn không bao giờ về với em nữa, và lời hứa mua xe đạp của anh Sơn cũng không bao giờ trở thành hiện thực...

Những nét chữ trong cuốn sổ tay ghi lại danh sách những gia đình của tôi không khỏi nghiêng ngả, run run, khi ông Nguyễn Văn Nhược – Phó Chủ tịch xã Bình Hải, thở dài: “13 nạn nhân ở Hiệp Hưng đều là anh em trong một nhà cả, cùng đi trên một con tàu, bây giờ có những gia đình trở thành đại tang”.

Ngôi nhà ông Phạm Phú Đức (52 tuổi) cũng đang nghi ngút khói hương vì có đến 2 chiếc bàn thờ. 2 tấm di ảnh anh Phạm Phú Hạnh, Phạm Phú Cường càng làm cho nỗi đau của ông lên đến tột cùng.

Chị Hoàng Thị Vân, vợ anh Hạnh đang mang thai đứa con đầu lòng, thẫn thờ: “Còn 1 tháng nữa là con ra đời. Thế là anh không về để đặt tên con rồi”.

Ngôi nhà bên cạnh cũng có tiếng khóc sụt sùi, đó là nhà của nạn nhân Phạm Phú Việt (1982). Việt là cháu, gọi ông Đức bằng bác ruột. Ông Đức gắng gượng: “Phải cố gắng vượt qua nỗi đau chứ biết răng chừ”. Hỏi vượt qua như thế nào, ông Đức lắc đầu không biết...

Ông Nguyễn Văn Nhược cho biết: “Bình Hải là một xã nghèo, dân ở đây chỉ biết đi biển, đất đai toàn cát trắng. Các thuyền viên là trụ cột kinh tế trong gia đình gặp nạn, bây giờ họ đang đối mặt với cái đói dài dài”.

Ông Nhược ước ao: “Tiền phong là một trong 2 tờ báo đầu tiên đến với các nạn nhân ở Bình Hải, mong rằng, sau Tiền phong sẽ còn có nhiều đơn vị hảo tâm đến với Bình Hải để góp phần chia sẻ với bà con”. 

MỚI - NÓNG