Tăng giám định để cân đối phí BHYT

Tăng viện phí một số bệnh viện có thể bù phần nào chi phí Ảnh: P.V
Tăng viện phí một số bệnh viện có thể bù phần nào chi phí Ảnh: P.V
TP - Hôm qua ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHXHVN) cho hay, dự kiến từ 1-7-2012 sẽ áp dụng giá viện phí mới.

> Hơn 400 dịch vụ y tế tăng giá

Ông Sơn cho biết theo dự toán Chính phủ giao, năm 2012 Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) có nhiệm vụ thu 37.000 tỷ đồng phí bảo hiểm y tế (BHYT), được chi 33.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh.

Theo tính toán của cơ quan này, chi khám chữa bệnh năm 2012 sẽ tăng thêm 26%, tức khoảng 6.000-8.000 tỷ đồng so với 24.000 tỷ đồng năm 2011. Tuy nhiên, với mức chi phí khám chữa bệnh tăng thì quỹ BHYT vẫn đủ bù đắp, mà chưa cần tăng mức đóng BHYT từ 4,5% lên 5% lương cơ bản ngay trong năm 2012.

Trong giai đoạn ngắn hạn, bảo hiểm sẽ tự cân đối nguồn thu và kinh phí dự phòng. Đến lúc không đủ kinh phí mới phải đề nghị tăng mức đóng lên 5%.

Ông Sơn chia sẻ thêm, mặc dù mức đóng phí BHYT trong năm 2013 chưa có sự thống nhất cao giữa các nhóm tính toán nhưng cơ quan BHXHVN vẫn phải chuẩn bị phương án để nâng mức đóng.

Quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn với mức đầu vào và đầu ra có thể khác nhau do tần suất khám chữa bệnh khác nhau nên khó để nói là nó có thể chịu đựng trong bao lâu ở mức đóng BHYT như hiện nay khi mức viện phí cần chi trả cho người bệnh tăng.

Để có thể cân đối thu chi khi mức phí BHYT năm 2012 không tăng, BHXHVN sẽ tăng cường công tác giám định bảo hiểm. Ngoài ra sẽ ngừng và hạn chế cấp ngân sách cho cơ sở khám chữa bệnh để chuyển những hỗ trợ này cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Về lộ trình tăng phí BHYT, ông Sơn cho hay, sẽ tăng từ 4,5% lên 5% mức lương tối thiểu đối với đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, người có công, người lao động; tăng từ 3% lên 3,5% mức lương tối thiểu đối với học sinh, sinh viên.

Cũng ông Sơn cho biết, nếu tăng mức đóng phí BHYT sẽ gặp phải sự phản hồi của nhiều đối tượng. Tuy nhiên đại diện của BHXHVN giải thích, mức phí trần tối đa của quỹ BHYT là 6% lương tối thiểu thì việc tăng lên 5% không có gì là sai luật và có thể sẽ được triển khai trong tương lai.

Tuy nhiên, việc tăng phí BHYT có thể sẽ khiến cho những đối tượng chưa tham gia BHYT càng không “mặn mà” với BHYT. Trả lời vấn đề này, ông Sơn cho biết, tính đến hết năm 2011, cả nước đã có 57 triệu người tham gia BHYT.

Các đối tượng như nông - lâm - ngư - diêm nghiệp đều đã đưa vào diện bắt buộc, vì thế nhóm tự nguyện tham gia BHYT giảm nhiều, không còn gây nhiều áp lực đến việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT.

Ông Sơn cho biết thêm, việc tăng viện phí gần như chỉ ảnh hưởng đến 2 nhóm: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho người có công, đối tượng chính sách xã hội. Nhóm thứ 2 là doanh nghiệp. Khi tăng mức đóng BHYT cho người lao động, doanh nghiệp sẽ tính chi phí cấu thành sản phẩm khiến giá thành sản phẩm tăng.

Theo dự báo của BHXHVN, quỹ BHYT vẫn có thể cân đối được chi phí BHYT trong năm 2013 với giá viện phí mới được thực hiện. Do đây là quỹ ngắn hạn nên phải dự báo mức thu và chi từng năm. Do đó, đến năm 2013, BHXHVN sẽ dự báo đối tượng tham gia và nguồn thu để cân đối quỹ cho hợp lý cho năm 2014.

Ngay sau khi giá viện phí mới được công bố, Ban Thực hiện chính sách BHYT đã nhận được phản hồi của nhiều bệnh viện. Theo ông Sơn, đa phần các bệnh viện tỏ ra phấn khởi với mức viện phí mới, vì sẽ giúp bệnh viện nâng được nguồn thu khi mức chi đang rất lớn.

Danh mục viện phí mới bỏ giá của 18 dịch vụ do có sự trùng lắp và điều chỉnh giá của 86 dịch vụ. Trong đó, có 2 dịch vụ giảm giá; 37 dịch vụ tăng dưới 2 lần; 13 dịch vụ tăng trên 4 lần. Đợt điều chỉnh khung giá viện phí này Bộ Y tế cũng bổ sung giá của hơn 80 dịch vụ y tế do chưa có giá thu nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT.

Tăng giám định để cân đối phí BHYT ảnh 1

Ông Sơn (ảnh) cho biết: Sẽ có nhiều giải pháp để triển khai thực hiện áp dụng giá viện phí mới. Trong đó, bao gồm cả việc nếu phát hiện cơ sở khám chữa bệnh (KCB) lặp đi lặp lại việc thu thêm tiền của người bệnh, ngoài bị xử phạt hành chính sẽ bị ngừng hoạt động.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là đòi hỏi thực tế, sẽ tác động đến một số đối tượng trong xã hội. Chủ yếu là các đối tượng có mức thu nhập trung bình trở lên (chiếm khoảng 38% dân số) hiện chưa có thẻ BHYT. Tuy nhiên, đối tượng này vẫn có khả năng chi trả.

Vẫn có nhiều người thuộc đối tượng này trong trường hợp mắc bệnh nặng, chi phí điều trị lớn sẽ khó có thể chi trả viện phí. Còn lại các đối tượng khác, không bị tác động vì nhà nước đã có chính sách cụ thể cho từngđối tượng như người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, hưu trí, học sinh, sinh viên, người cận nghèo...

Phong Cầm thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG