Tang thương gia đình 6 người chết vì nổ đạn

TP - Vụ nổ đầu đạn xảy ra lúc khoảng 9 giờ sáng 18/8 tại  thôn Tà Lương (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã làm 6 người chết tại chỗ, trong đó có 4 trẻ em, 1 người bị thương nặng. Họ đều là người dân tộc Raglai, có quan hệ máu mủ với nhau. 

Nơi xảy ra vụ nổ là phía sau nhà ông Bo Bo Sượng (sinh năm 1962), cách trung tâm thị trấn Tô Hạp khoảng 2km về phía Nam.

Theo ông Sượng, con ông nhặt được trong rẫy cà phê và mang về nhà một vật giống đầu đạn, ông đang cưa vật đó để lấy thuốc nổ và lấy sắt mang bán thì nó phát nổ.

Vụ nổ làm ông Sượng bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh, rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa ngay trong buổi trưa 18/8.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết, ông Sượng bị vỡ nhãn cầu hai mắt, cụt cẳng chân phải, giập nát cẳng bàn chân trái. Ông Sượng bị thương nặng, còn hai con ông là bé Cao Thị Thanh Vân (sinh năm 2007) và bé Cao Hồng Phi (sinh năm 2014) bị chết ngay tại chỗ.

Cùng thiệt mạng tại chỗ là anh Bo Bo Siếp (sinh năm 1982), ông Mấu Quốc Dương (sinh 1957, bố vợ của anh Siếp), hai con trai anh Siếp là bé Mấu Minh Ngữ (sinh năm 2014) và bé Mấu Minh Nghĩa (2008). Một phần nhà ông Sượng bị hư hại.

Do một số thi thể không còn nguyên vẹn, lại có mưa to nên công tác khám nghiệm hiện trường gặp khó khăn, kéo dài đến khoảng 16 giờ ngày 18/8.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định vật nổ là đầu đạn pháo 105mm. 

Chiều ngày 18/8, ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có mặt tại hiện trường vụ nổ để chia sẻ mất mát, đau thương với gia đình những người bị nạn và chỉ đạo xử lý vụ việc.

Trước mắt, UBND tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ cho gia đình có người chết 6 triệu đồng/người, người bị thương 3 triệu đồng. Huyện Khánh Sơn cũng hỗ trợ gia đình có người chết với số tiền là 2 triệu đồng/người. Chính quyền địa phương đã đứng ra tổ chức tang lễ cho những người xấu số. 

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.