Tang thương ngút ngàn nơi xóm chài cửa biển

Tang thương ngút ngàn nơi xóm chài cửa biển
TPO- Chúng tôi đi trong không khí âm u não nề của Bình Minh, nơi có hơn 700 con người trai tráng, khoẻ mạnh vừa trải qua cuộc vật lộn mất còn với tử thần mà số phải nằm lại vĩnh viễn với biển khơi  được biết là không ít.

>> “Nếu chủ quan, tất cả chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi!”
>> 39 tàu đánh cá với 725 ngư dân đã rơi vào tâm bão
>> Thời khắc sinh tử của người trở về từ cõi chết
>> Hướng đi của bão Chanchu có bất ngờ ? 
>> Gửi bà Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn TW
>> Bão Chanchu : Sự khác biệt trong dự báo của VN

>> Báo Tiền Phong mở đợt quyên góp ủng hộ nạn nhân

Tang thương ngút ngàn nơi xóm chài cửa biển ảnh 1
Ảnh : Báo Quảng Nam

Thời gian dài lê thê đang đi qua vùng biển nghèo tang tóc này. Những chờ đợi giờ đây chuyển sang hồi ức chắp nối về những vật dụng thân yêu của nguời thân thường mang theo hàng ngày, vì ngày mai họ phải đi nhận dạng người thân từ những hình hai rời rã - cái việc chưa bao giờ họ nghĩ đến một lần trong đời…

Lác đác ở các thôn, những chiếc xe đò đưa họ trở về, lặng lẽ, những tiếng mừng vui cũng cất lên ngẹn ngào, tức tưởi. Đến 18 giờ chiều 22-5, anh Nguyễn Văn Sơn (Bình Tân) mới trở về cùng các bạn chài may mắn khác. Người đàn ông 35 tuổi này có 12 năm đi câu mực khơi nhưng lần này anh hoàn toàn bị quật ngã trước nỗi đau quá khủng khiếp: nhiều bạn bè thân thiết của anh chẳng trở về.

Trong nỗi xót thương vô hạn, đêm 23-5, hàng ngàn bà con và đại diện các cấp chính quyền trong huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đã tới đưa tang những nạn nhân xấu số trong cơn bão số 1 được tổ chức cấp tốc do tử thi đã để gần 10 ngày trên biển.

Riêng 3 thôn của 2 xã Bình Minh và Bình Hải đã có 99 người mất tích , trong đó có 7 người tìm thấy xác.

Các công việc tìm kiếm những người còn mất tích, chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân còn sống trở về và khắc phục hậu quả cơn bão số 1 đang tiếp tục được tiến hành khẩn trương .

TTXVN

Anh Sơn khóc hù hụ như một đứa trẻ : “Tôi đau lắm, cả làng không còn một bóng đàn ông. Cha con Đức - Đưa, thằng Mến, thằng Sơn… đi trụi cùng lúc. Có thằng trước đó đi tàu này, mai nhảy qua tàu khác để ít “tổn” hơn không ngờ lại chìm luôn, dại chi mà dại, em ơi…”.

Ở thôn Hà Bình, 5 bà cháu bà Huỳnh Thị Chấp (85 tuổi) ôm nhau khóc ròng khi biết tin anh Vương Công Trung đã chìm ngoài khơi, 4 đứa con lít nhít mai này chẳng biết ai nuôi chúng. Bà Chấp lúc nhớ, lúc quên chỉ kể toàn chuyện nuôi anh Bộ (con chồng trước của bà) và anh Trung lúc còn nhỏ, chị Điền vợ anh Trung mê sảng hàng chục lần suốt hai ngày qua…

Trong khi đó, bệnh viện Đa khoa huyện Thăng Bình cứ vài chục phút lại đưa xe xuống các tổ cấp cứu của xã “vớt” người về huyện. Bác sĩ Mai Văn Mười - giám đốc BV bần thần : “Chúng tôi không dự lường được khả năng số người cấp cứu tăng nhanh như thế này……”

Còn tại tổ cấp cứu thôn Bình Tịnh, bắt đầu từ sáng 22-5 người đổ đến chật cứng. Một phòng học của trường mẫu giáo thôn được dùng làm nơi cấp cứu cho những người có thân nhân mất tích bị ngất xỉu bởi sốc mạnh. Ông Nguyễn Văn Tư, trưởng thôn bảo : “Từ sáng đến giờ đã có hơn 6 chục ca rồi, mai đưa xác các anh em về chắc số người ngất xỉu sẽ tăng lên, không biết chỗ nào để cấp cứu cho hết đây…”

Nỗi đau xé lòng, không chỉ  những người gìa cả, ngay đến những phụ nữ trẻ, những em bé cũng bị nỗi đau bất ngờ quật đến kiệt lực, những đôi mắt vô hồn nhìn dán vào những chai nước dần vơi.

Tang thương ngút ngàn nơi xóm chài cửa biển ảnh 2
Ảnh : Báo Quảng Nam

Anh Hồ Bảo (40 tuổi), hoàn toàn mê sảng, phải truyền thuốc trợ tim vì mất đi đứa con 15 tuổi đang học lớp 9 bỏ học đi câu mực lần đầu. “Thằng cu Thư vừa thi xong học kỳ 2, nài cha nó xin đi một chuyến để làm quen với biển đặng đi tiếp một vài chuyến nữa để kiếm tiền học lớp 10. Ai dè…”, - thôn trưởng Tư nói.

Bà Nguyễn Thị Học (50 tuổi), có hai con mất tích, bà Nguyễn Thị Ở (45 tuổi), có chồng và hai con mất tích, bà Phạm Thị Nhung (45 tuổi), có hai con mất tích…, không thể nào ghi hết nỗi đau của những con người ngất đi và kiệt sức hoàn toàn.

Đau đớn hơn, đã có những ông cha bà mẹ gần như bị mất trí. Nghe tin chồng bị mất tích, chị Hồ Thị Bảy (40 tuổi), hết khóc than đến cười sằng sặc rồi bỏ đi lang thang khắp xóm, bỏ lại 5 đứa con dại mà đứa nhỏ nhất chỉ mới 14 háng tuổi  cho mẹ già. Ông Nguyễn Văn Lâm cũng hoảng loạn cùng cực khi được tin hai đứa con trai của mình bị mất tích. Hai hôm nay ông đóng cửa phòng, hăm hành hung những ai mở của bước vào… 

Tang thương ngút ngàn nơi xóm chài cửa biển ảnh 3
Ảnh : Báo Quảng Nam

Tại trụ sở uỷ ban xã chiều 22-5, một cuộc họp diễn ra trong không khí tang thương, hàng trăm gương mặt hốc hác, câm lặng. “Tôi lưu ý bà con, từ nay đến ngày mai cố giữ sức khoẻ, giữ bình tĩnh cho mình và mọi người trong nhà. Chỉ môt người thân duy nhất được theo xe ra Đà Nẵng nhận dạng người thân, ai còn nhớ đặc điểm gì của người thân thì đêm nay cố nhớ…” - chủ tịch xã Trương Công Hùng nói trong ngẹn ngào.

Bà Phan Thị Bền - mẹ của anh Nguyễn Văn Lộc khóc : “Biết có nhận ra con không, chết đã năm bảy ngày rồi, họa may chi có nhớ chút áo quần mang theo…”.

“Không có đêm. Ai kiệt sức thì gục xuống thiếp đi, dậy lại khóc…” - ông Trương Công Hùng nói khi đêm sắp đổ xuống. Cả làng, góc nào cũng có tiếng khóc. Trong giờ thời sự, không khí có xôn xao môt chút, nhiều người còn mong tìm kiếm chút hình ảnh về người thân của họ được nhà đài quay được, hay bất cứ tin tức nào...

Chúng tôi vào nhà anh Nguyễn Tấn Hùng (Hà Bình), ba đứa con côi của anh - đứa lớn nhất 13 tuổi phải tự nấu ăn cho 2 đứa em còn lại vì bà nội chúng đã vào cấp cứu ở bệnh viện sáng nay. Cháu Nguyễn Tấn Ni bảo : “Mấy đêm ni con cứ ngủ một chặp là thức dậy, thằng cu út vừa ngủ vừa khóc, nó cũng biết cha sẽ không về…” Những đứa trẻ cũng trải qua những đêm trắng… Đêm nay, một đêm trắng dằng dặc nữa trôi qua, chờ đón xác người thân.

Biển Bình Minh nằm ở sát làng nhưng không một ai ngóng ra biển để chờ người thân bởi tất cả đều rời nhà ra tận Đà Nẵng để hy vọng và thấp thỏm chờ đợi. Tang thương ngút ngàn.

Đêm nay, chỉ mình chị Lê Thị Thiêng ra biển thắp hương, xin biển trả lại hai người anh của mình…

Người trên bờ cũng đã kiệt lực !

Không còn nước mắt để khóc cho người chết, người mất tích, người chưa trở về… Những thôn biển Hà Bình, Bình Tân, Bình Tịnh của xã Bình Minh (Thăng Bình) giờ này chìm trong nỗi im lặng đến đáng sợ.

Những tiếng gào thét không còn, những người phụ nữ mất chồng, mất con đã được hàng xóm đưa về trạm cấp cứu dã chiến hoặc đưa về bệnh viện Đa khoa Thăng Bình. Ngoài đường lúc này chỉ còn tiếng xe máy, xe cứu thương chạy đi chạy lại…

Nhiều người đã kiệt lực trước khi nghe tin gió ngoài khơi lúc này vẫn đang ở cấp 6, tàu mang thi thể người thân của mình mỗi giờ chỉ đi được chừng 4 hải lý, như vậy chờ đợi phải mất 2 ngày đến 1 tuần lễ nữa… và có cả những sự chờ đợi vô vọng.

Anh Hồ Văn Ngọc - y sĩ quân y đồn biên phòng 264 (Bình Minh) cho biết : 3 ngày nay, chỉ riêng anh đã cấp cứu 25 trường hợp sốc, ngất xỉu, trong đó nhiều ca phải cấp cứu ngay tại nhà ông Trần Minh Hồng - nơi đặt máy ICOM, hàng chục ca khác cấp cứu tại nhà riêng rải rác trong các thôn. Thương tâm nhất là trường hợp của chị Vương Thị Khương - vợ ngư dân Võ Văn Hưng, chị Khương mang thai đến tháng thứ 7, nguời ốm và xanh xao như một chiếc lá, 5 ngày qua ra đứng dưới gốc dừa cụt ngay trước nhà trưởng thôn Nguyễn Văn Tư, chị đứng đó để chờ chồng (không ai dám khẳng định chồng chị đã chết), vừa để các y bác sĩ tiện cấp cứu…

Còn chị Nguyễn Thị Hoa vợ anh Võ Hồng Quang, chị Hoàng Thị Nguyệt vợ anh Trần Đình Hùng đã có dấu hịêu tâm thần, chị Trần Thị Minh - mẹ của em Trần Xuân Lượm không hồi tỉnh 3 ngày nay sau khi Lượm - đứa con duy nhất ra đi.

Chị Trần Thị Vân - bí thư chi bộ thôn Bình Tịnh trả lời chúng tôi khi giọng gần như đã tắt hoàn toàn : chưa bao giờ những người phụ nữ vùng biển này đối diện với nỗi mất mát quá lớn như thế này. Từ 3 ngày qua, chị Vân hết chạy từ nhà này qua nhà khác để nhắc nhở người nhà chăm sóc cho các chị, các em, trách nhiệm của một cán bộ thôn khiến chị không thể gục ngã lúc này mặc dù chị cũng có đến 5 người thân mất tích…

Lúc 13 giờ 30 chiều 21-5, Bệnh viện đa khoa tỉnh phải chi viện thêm đội công tác gồm 1 bác sĩ, và 6 y sĩ, y tá khác về tại Bình Minh mới kịp xử lý tình huống. Trong đêm, các y sĩ của trạm y tế xã phải đến tận nhà của chị em em Vương Công Hiệp để truyền đạm khi đã 3 ngày qua em không có một hạt cơm vào bụng. Với tuổi 15, Hiệp đã sốc nặng khi nghe tin cha và anh đã mất, nhiều người để Hiệp đi học, người anh tên Thuận (23 tuổi) phải bỏ học đi câu mực khơi để em mình tiếp tục được đi học…

Không riêng gì nhưng người phụ nữ, những người đàn ông khỏe mạnh trở về sau bão của Bình Minh cũng đã bắt đầu kiệt sức sau nhiều ngày chờ đợi. Những khu chợ nhỏ của vùng biển tang thương này đã nhiều ngày không ai buồn đi chợ hay mua bán, những căn bếp đã không còn đỏ… tất cả đã kiệt sức rồi…

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.