Tạo cơ chế để cán bộ yếu kém từ chức

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để bất cứ vụ việc nào “chìm xuồng”. Ảnh: Văn Kiên
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để bất cứ vụ việc nào “chìm xuồng”. Ảnh: Văn Kiên
TP - Chiều 29/11, tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị định về văn hóa từ chức. Qua đó tạo hành lang pháp lý để những cán bộ yếu năng lực, kém sức khoẻ, rút khỏi vị trí công tác.

Không chúc Tết, không biếu xén

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp vừa qua, Chính phủ đã nghe báo cáo về triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về việc tăng cường chỉnh đốn Đảng, chống các biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Chính phủ cũng định hướng để xây dựng kế hoạch hành động năm 2017. Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thành viên Chính phủ triển khai đề án, chương trình hành động theo hướng nói đi đôi với làm.  Thủ tướng giao Bộ Nội vụ tham mưu để Chính phủ xây dựng nghị định về văn hóa từ chức. Qua đó tạo hành lang pháp lý để những cán bộ yếu năng lực, kém sức khoẻ, không đủ đáp ứng nhiệm vụ có một cơ chế để thực hiện việc rút khỏi vị trí công tác.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ nghiên cứu xây dựng nghị định về văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ công chức. “Vừa qua tại một số địa phương trong cả nước đã xảy ra một số vụ việc cán bộ, viên chức nhà nước hành hung nhân viên hàng không; hành hung cụ già; rồi kiểm lâm đánh công nhân thu phí… Những vụ việc đó là hành vi thiếu văn hóa, không thể chấp nhận được. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo nghị định về văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức để thực hiện từ năm 2017”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên họp, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần của Chính phủ về quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính nhà nước liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật kỷ cương. Chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng; trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, không để kẽ hở cho tham nhũng; phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực, xóa bỏ cơ chế xin-cho; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch; chống mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.

Đặc biệt, trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, Thủ tướng đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. “Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng.

Không để bất cứ vụ việc nào “chìm xuồng”

Về việc xử lý đối với trường hợp nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, vừa qua Quốc hội đã thông qua nghị quyết, trong đó phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng, nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.

Trả lời câu hỏi việc chưa thấy xử phạt đơn vị đứng sau, tài trợ cho Vinastas khảo sát nước mắm, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, kết quả khảo sát nước mắm của Vinastas được khẳng định không tin cậy và minh bạch do không xây dựng đề án và kế hoạch khảo sát rõ ràng. Việc khảo sát chủ yếu do chủ tịch hội và một số cá nhân thực hiện. Nhiều khâu khảo sát không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giám sát. Quá trình lấy mẫu thiếu tin cậy, không đúng quy định. Việc khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ của Cty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy, không đảm bảo tính độc lập theo quy định.

Bộ Nội vụ được giao tổ chức kiểm tra việc chấp hành điều lệ hội và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong tổ chức và hoạt động của Vinastas, chủ trì nghiên cứu làm rõ tư cách pháp lý của hội này trong thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Nội vụ cũng là cơ quan sẽ xử lý các vi phạm của hội này theo quy định. Tuy nhiên, ông Vượng không đề cập đến việc xem xét, xử lý  doanh nghiệp thực sự đứng đằng sau tài trợ cho hoạt động khảo sát, công bố chất lượng nước mắm.

Đối với việc xử lý sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ xảy ra ở Sở Lao động, Thường binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, dù tỉnh Hải Dương chưa có quy định về số lượng cấp phó ở một sở nhưng theo quy định, thông lệ chung thì ngoài 4 vị trí lãnh đạo, mỗi sở thì chỉ được thêm 22 người giữ chức trưởng, phó phòng. “Như vậy, việc bổ nhiệm tới 44/46 người vào các chức danh lãnh đạo ở đây là sai quy định. Hiện sở này đang chấn chỉnh việc sai phạm. Phương án đề ra là, những người được bổ nhiệm cấp phó phòng tại đây tự xin rút lui. Như vậy, sẽ chỉ còn 27 chức danh lãnh đạo tại sở này”, ông Cường thông tin.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm, việc tồn tại đến 44 cán bộ lãnh đạo tại một sở như này là “không thể chấp nhận được”. Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Nội vụ hoàn thành sớm báo cáo về việc thanh tra công vụ tại đây. “Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là không để bất cứ việc gì “chìm xuồng” không có nguồn cơn”, ông Dũng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG