Tập trung điều tra và xét xử 11 vụ án tham nhũng

Tập trung điều tra và xét xử 11 vụ án tham nhũng
Ngày 8/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, ban chỉ đạo đã họp phiên thứ 13 nhằm đánh giá, kiểm điểm công tác 6 tháng đầu năm và tập hợp những ý kiến hoàn chỉnh dự thảo chương trình, mục tiêu công tác từ nay đến hết năm 2010 đạt hiệu quả cao nhất.

Tập trung điều tra và xét xử 11 vụ án tham nhũng

Ngày 8/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, ban chỉ đạo đã họp phiên thứ 13 nhằm đánh giá, kiểm điểm công tác 6 tháng đầu năm và tập hợp những ý kiến hoàn chỉnh dự thảo chương trình, mục tiêu công tác từ nay đến hết năm 2010 đạt hiệu quả cao nhất.

Tập trung điều tra và xét xử 11 vụ án tham nhũng ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN).

Báo cáo công tác của Ban chỉ đạo chỉ rõ, 6 tháng đầu năm 2010, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật, trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tính đến 20/6, đã có 31 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả kê khai tài sản thu nhập năm 2009.

Cùng thời gian này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phát hiện, khởi tố 81vụ/159 bị can; truy tố 122 vụ/315 bị can; xét xử 100 vụ/216 bị cáo về các tội danh liên quan đến tham nhũng.

Công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được tăng cường, trong số đó, có 11 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã và đang được chỉ đạo giải quyết, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, được dư luận nhân dân đồng tình như vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã xét xử phúc thẩm, tăng hình phạt đối với bị cáo Sỹ từ 3 năm lên 6 năm tù giam; Lê Quả từ 2 năm lên 5 năm tù giam.

Cũng trong vụ án này, hiện cơ quan điều tra đang tích cực điều tra, làm rõ hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ của các đối tượng liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ Trần Ngọc Sương và đồng phạm lập quỹ trái phép tại Nông trường Sông Hậu, Tòa án Nhân dân Tối cao đã xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm, phúc thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại để đánh giá đúng bản chất, mức độ sai phạm làm căn cứ xét xử phù hợp.

Vụ Đoàn Tiến Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV và Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc BIDV Chi nhánh Hải Phòng nhận hối lộ đã kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát truy tố…

Hiện Ban chỉ đạo đang đôn đốc việc giải quyết 13 vụ án nghiêm trọng, phức tạp khác đáng chú ý là các vụ: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Công ty xăng dầu hàng không, đã có cáo trạng, hiện Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đang thụ lý, chuẩn bị đưa ra xét xử.

Vụ tham ô tài sản, cố ý làm trái, nhận hối lộ tại Kho Cảng Thị Vải, Bà Rịa-Vũng Tàu, đã đình chỉ và tạm đình chỉ điều tra 18 bị can. Vụ công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam mua bán 3 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại đang điều tra.

Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong công tác như việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi xảy ra tham nhũng vẫn còn ít so với số vụ việc bị phát hiện. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng xử lý chậm so với tiến độ đã đề ra, có vụ việc, vụ án chưa tạo được sự đồng thuận trong đánh giá bản chất vụ việc, thiếu sự phối hợp, để kéo dài gây hoài nghi trong nhân dân, chưa đáp ứng yêu cầu cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Công tác phát hiện hành vi tham nhũng qua giám sát của các cơ quan chức năng, kiểm tra của các cơ quan quản lý cấp trên; tự phát hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục.

Đồng tình với quan điểm này, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Quốc Vượng cho rằng việc thành lập Trung tâm Giám định Tư pháp Trung ương là rất cần thiết để tập hợp đội ngũ chuyên gia, đảm bảo tính khách quan, chính xác của kết quả giám định.

Ông Vượng cũng đề xuất Ban chỉ đạo xây dựng quy chế thưởng cho người cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, để khuyến khích người dân tham gia vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Đóng góp vào nội dung hoạt động của Ban chỉ đạo, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, việc phát hiện, xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong các vụ việc tham nhũng tại cơ quan, đơn vị bị phát hiện chưa quyết liệt. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ xử lý các vụ việc.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền cũng góp ý cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Đảng, với Ban chỉ đạo và các cơ quan chuyên môn trong công tác thanh, kiểm tra, xử lý các vụ việc sai phạm.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng, để đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác phòng chống tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan có liên quan cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tăng cường phối hợp để rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc.

Phó Thủ tướng yêu cầu từ nay đến cuối năm 2010, Ban chỉ đạo cần tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ Công ty chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam mua bán 3 triệu cổ phiếu, đảm bảo khách quan, đúng pháp luật. Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng cần tích cực rà soát các vụ án tồn đọng, hạn chế để tồn đọng, kéo dài.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, cần nghiêm túc nhìn thẳng vào các hạn chế, yếu kém trong công tác của Ban chỉ đạo thời gian qua như tiến độ giải quyết các vụ án trọng điểm, phức tạp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số địa phương thực hiện công tác phòng chống tham nhũng chưa tương xứng với tình hình.

Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng yêu cầu cần củng cố lại công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; phát huy hết vai trò, chức năng của cơ quan tiến hành tố tụng địa phương ngay từ khâu khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Cơ quan Trung ương chỉ nên tăng cường cán bộ để hỗ trợ công tác; tránh tình trạng cơ quan trung ương khởi tố, điều tra, truy tố sau đó xét xử tại địa phương, mất nhiều thời gian bàn giao, nghiên cứu hồ sơ.

Về nhiệm vụ của Ban chỉ đạo thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, các thành viên của Ban chỉ đạo cần tiếp tục kiên quyết, kiên trì nhưng phải khẩn trương, đúng pháp luật trong công tác phòng chống tham nhũng. Cần chú trọng phòng, chống đi liền với nhau, đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm và công khai thông tin.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan thành viên tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử 11 vụ án điểm, tham nhũng, phức tạp.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG