Tàu điện ngầm Thủ đô, bao giờ?- Kỳ 2: Đội vốn 1,5 lần, chưa rõ trách nhiệm

Khu depot tuyến metro thí điểm Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ, phải thay nhà thầu nhưng chưa biết tới bao giờ mới xong. Ảnh: L.H.V
Khu depot tuyến metro thí điểm Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ, phải thay nhà thầu nhưng chưa biết tới bao giờ mới xong. Ảnh: L.H.V
TP - Không chỉ tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ, đội vốn; có cả tuyến khác chưa thi công, mới xong khâu lập nghiên cứu khả thi đã đội vốn. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, việc này vẫn chưa rõ trách nhiệm các bên liên quan.

Mỗi dự án một quy chuẩn

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ có 5 tuyến metro, nhưng có tuyến mới lập nghiên cứu khả thi đã đội vốn, như tuyến metro số 2a Hà Nội (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo). Tuyến metro 2a dài 11,5 km, theo nghiên cứu khả thi tổng mức đầu tư là 19.500 tỷ đồng, nhưng nay Hà Nội đề xuất điều chỉnh tăng lên 51.750 tỷ đồng (tăng 32.250 tỷ đồng), trung bình 4.500 tỷ đồng mỗi km.

Được biết, sau khi Hà Nội xin điều chỉnh tăng vốn tuyến metro 2a, mức tăng quá lớn nên Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT thuê tư vấn nước ngoài thẩm định lại vốn của dự án.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Đức Toàn, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ KH&ĐT) cho biết: “Nguyên nhân đội vốn chủ yếu do giữa nghiên cứu khả thi và thiết kế thực tế có nhiều thay đổi, nhiều cái nhà tài trợ không xác định được trong dự tính ban đầu, dẫn tới quá trình làm phải bổ sung, thay đổi và việc giải phóng mặt bằng chậm dẫn tới đội giá”.

Ngoài ra, theo ông Toàn, Việt Nam chưa có quy chuẩn riêng cho đường sắt đô thị, lại không có kinh nghiệm nên phụ thuộc hoàn toàn vào tư vấn nước ngoài. Do đó, mỗi dự án đường sắt đô thị có một nhà tài trợ riêng, công nghệ khác nhau, nên quy chuẩn và giá thành cũng khác, tư vấn cũng khác, không theo một chuẩn mực chung nào.

Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho biết, các dự án đường sắt đô thị đều gặp vấn đề về tiến độ và vốn. Đặc biệt, giải phóng mặt bằng là vướng mắc lớn nhất.

Còn theo ông Toàn, nước ta nên tự bỏ tiền ngân sách làm 1 tuyến thí điểm để từ đó đưa ra quy chuẩn chung cho đường sắt đô thị Việt Nam. Sau đó, các tuyến tiếp theo có thể vay vốn nước ngoài, và đặt hàng họ xây dựng theo quy chuẩn thống nhất của Việt Nam, tất cả các nước đều phải theo quy chuẩn đó. “Có vậy mới không rơi vào tình trạng họ nói sao mình nghe vậy”, ông Toàn nói.

Thiệt hại hàng chục triệu Euro

 Ngày 6/12/2014, Thủ tướng có văn bản đồng ý bổ sung 393 triệu Euro cho tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội; trong đó vốn ODA cần bổ sung 304,99 triệu Euro, vốn đối ứng cần bổ sung 88,01 triệu Euro. Chính phủ cho phép UBND thành phố Hà Nội vay lại 100% vốn ODA bổ sung; ngân sách nhà nước tự thu xếp vốn đối ứng bổ sung cho dự án.

Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội báo cáo Chính phủ, Bộ KH&ĐT về kế hoạch triển khai từng gói thầu trong thời gian tới, bao gồm kế hoạch giải phóng mặt bằng. Báo cáo cần nêu rõ các biện pháp thực hiện, trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan, nhằm đảm bảo đúng tiến độ.

Trước đó, trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc tăng tổng mức đầu tư dự án metro Nhổn - ga Hà Nội có cả khách quan và chủ quan. Khách quan là chậm trễ về tiến độ triển khai dẫn tới biến động giá nguyên, nhiên vật liệu, khối lượng công việc thay đổi so với thiết kế cơ sở; chủ quan là năng lực quản lý, điều hành dự án của chủ đầu tư, năng lực tư vấn nước ngoài.

Đáng lưu ý, hồ sơ điều chỉnh dự án trọng điểm này chưa có ý kiến thẩm định của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc thay đổi quy mô, thiết kế cơ sở trước khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Theo hồ sơ, tổng mức đầu tư do Cty tư vấn Systra (Pháp) lập năm 2011, tỷ lệ trượt giá/lạm phát được áp dụng khoảng 15,7% đối với chi phí xây dựng dùng đồng nội tệ. Dự toán này là không hợp lý, bởi tại thời điểm phê duyệt điều chỉnh năm 2013, mức lạm phát thực tế tại Việt Nam chỉ khoảng 6%/năm. Bộ KH&ĐT đề nghị UBND thành phố Hà Nội cần phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, thẩm định lại tổng mức đầu tư để đảm bảo hiệu quả, khả thi, phù hợp với khả năng bố trí và trả nợ của thành phố.

Tháng 5/2014, việc điều chỉnh lại hợp đồng tư vấn với Cty tư vấn Systra (Pháp) kéo dài tới năm 2018 đã khiến chi phí tư vấn tăng lên hơn 27,3 triệu Euro (vì chậm tiến độ quá cả thời gian ký với tư vấn - PV). Bộ KH&ĐT đã có văn bản đề nghị Hà Nội báo cáo về việc này. “Đây là thiệt hại không nhỏ về tài chính cho Việt Nam, làm tăng tổng mức đầu tư của dự án, song trong báo cáo lại không nêu cụ thể nguyên nhân gia hạn và căn cứ tăng chi phí 27,3 triệu Euro, xác định trách nhiệm của các bên liên quan với vấn đề này”, văn bản Bộ KH&ĐT nêu rõ.

“Địa phương chưa làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là trách nhiệm đối với nguyên nhân chủ quan làm tăng tổng mức đầu tư lên tới 1,5 lần so với ban đầu” - Văn bản do Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh ký nêu rõ.

Mất an toàn

Liên tiếp trong 2 ngày (10 và 12/5/2015), tuyến metro thí điểm Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) xảy ra 2 sự cố tại công trường: Sự cố thứ nhất, một thanh cọc cừ rơi chắn ngang đường, lần hai, cả chiếc cần cẩu đổ sập vào nhà dân bên đường.

Được biết, sáng 8/5, chỉ 2 ngày trước khi sự cố đầu tiên xảy ra, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội do Phó Chủ nhiệm ủy ban Lê Bộ Lĩnh dẫn đầu đã tới thị sát công trường dự án này. Đoàn lưu ý, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) cùng các đơn vị liên quan đảm bảo tiến độ, chất lượng, bảo vệ môi trường trong thi công và vận hành sau này. Đặc biệt lưu ý về vấn đề an toàn trong thi công, sau khi đã xảy ra một số sự cố tại tuyến metro Cát Linh - Hà Đông.

Kỳ I: Tàu điện ngầm Thủ đô: Dự án 'rùa' thập kỷ

MỚI - NÓNG