Tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông khác gì với tàu mẫu?

Đoàn tàu đã được đưa về Hà Nội nhưng vẫn được phủ kín bằng bạt. Ảnh Thanh Hà
Đoàn tàu đã được đưa về Hà Nội nhưng vẫn được phủ kín bằng bạt. Ảnh Thanh Hà
TPO - Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông vẫn được giữ nguyên màu xanh lá cây như tàu mẫu, tuy nhiên, nhiều chi tiết đã được chỉnh sửa.

“Các đoàn tàu được chính thức sản xuất đúng theo các kết luận được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt sau quá trình lấy ý kiến của người dân. Màu sắc đoàn tàu vẫn giữ nguyên như tàu mẫu, các chi tiết được thực hiện đúng theo kết luận sau khi lấy ý kiến người dân”, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết.

Theo đó, về màu sắc tàu vẫn giữ nguyên màu xanh lá cây như tàu mẫu trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Giảng võ (Hà Nội) hồi tháng 10-11/2015.

 

Về tổng thể hình dáng thân và đầu tàu vẫn giữ nguyên nhưng nhiều chi tiết được thay đổi so với tàu mẫu. Cụ thể, phần đầu tàu tăng kích thước, độ dày nét chữ của biểu tượng Khuê Văn Các và dòng chữ Cát Linh - Hà Đông để đảm bảo nổi bật, dễ nhìn, dễ đọc; làm giảm, làm mờ các vết hàn chấm tròn trên thân tàu, vỏ tàu để tăng tính thẩm mỹ, độ tinh xảo nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật. Các cạnh sắc ở các chi tiết mép cửa, cạnh kim loại trên toàn bộ thân tàu được xử lý kỹ lưỡng, đảm bảo độ nhẵn để an toàn.

Tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông khác gì với tàu mẫu? ảnh 1

Một phần vỏ tàu lộ ra (trong vòng tròn đỏ) cho thấy tàu vẫn giữ nguyên màu xanh lá cây như tàu mẫu. Ảnh KTĐT

Tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông khác gì với tàu mẫu? ảnh 2

Tàu mẫu trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Giảng võ vào tháng 10-11/2015. Ảnh Sỹ Lực

Về nội thất, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan yêu cầu bổ sung thêm 3 tay nắm ở mỗi hàng dọc phía ghế trên ngồi, đảm bảo ít nhất 6 người ngồi ghế và 9 người đứng bám tại vị trí gần ghế. Đồng thời lắp đặt sẵn các mấu chờ, lắp tay nắm để trường hợp khi gia tăng hành khách có thể lắp bổ sung tay nắm; tăng số chỗ ngồi ưu tiên (màu cam vàng) từ 1 lên 2 chỗ ở mỗi ghế. Điều chỉnh bản đồ LED (tăng kích thước đèn báo, đường bản đồ, cỡ chữ) phía trên cửa ra vào để cho rõ ràng hơn, sáng hơn giúp hành khách dễ đọc. Nội dung phát thanh trên tàu sử dụng giọng đọc nữ, giọng chuẩn tiếng Việt với tốc độ vừa phải để hành khách dễ nghe.

Các cơ quan cũng yêu cầu chuẩn hóa lại toàn bộ nội dung tiếng Anh và tiếng Việt trên biển báo, chỉ dẫn hành khách trên tàu và chuẩn hóa lại toàn bộ tên nút bấm điều khiển của lái tàu trong buồng lái. Các nút bấm/vặn sử dụng tiếng Trung phải chuyển thành tiếng Việt.

 
Tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông khác gì với tàu mẫu? ảnh 3

Các biển thể hiện thông số kỹ thuật trên tàu được đưa về Hà Nội được thể hiện bằng tiếng Việt. Ảnh: Thanh Hà

Trước đó, từ 29/10 đến 30/11/2015, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã trừng bày, lấy ý kiến về thiết kế tàu tại Hà Nội và nhận được gần 2.000 phiếu đóng góp ý kiến. Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt- Lê Kim Thành cho biết: các ý kiến chưa hài lòng, chê chiếm tỉ lệ khá cao nhưng không nêu gì thêm. Kiến nghị đổi màu sắc cũng chiếm tỉ lệ lớn nhưng lại không tập trung vào một màu nào cụ thể, chia đều cho các màu như vàng, đỏ, cam, trắng, xanh dương.

 
Tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông khác gì với tàu mẫu? ảnh 4 Cần cẩu nặng 250 tấn đã được lắp đặt tại Ga Văn Khê (Hà Đông) để đưa tàu lên. Ảnh Sỹ Lực 
Dù đã được đưa về Hà Nội hơn một ngày nhưng đoàn tàu vẫn chưa được cẩu lên đường ray trên cao, cho dù cần cẩu cỡ lớn đã được đưa về ga Văn Khê, địa điểm dự kiến sẽ đưa tàu lên. “Tàu có khối lượng lớn, giá trị lớn nên chúng tôi phải cẩn trọng, bàn bạc với các bên để có phương án tối ưu nhất. Hiên vẫn chưa thể chốt thời gian đưa tàu lên đường ray” – một lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt cho hay.

MỚI - NÓNG