Tàu hơn chục tỷ hư hỏng nằm bờ: Ngư dân 'ngồi' trên lửa, hết muốn ăn cơm

Tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ hàng tháng trời khiến ngư dân mệt mỏi. Ảnh: H. Văn.
Tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ hàng tháng trời khiến ngư dân mệt mỏi. Ảnh: H. Văn.
TP - “Ăn sóng nằm gió trên biển riết quen, chừ nằm trên bờ thấy buồn bực, khó chịu trong người. Rồi lại chạy ra cảng chỗ tàu neo, nhưng đi về rồi lại hết muốn ăn cơm. Con tàu mười mấy tỷ mà chừ nằm một chỗ, như què” - ngư dân Nguyễn Văn Lý (trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định) chia sẻ.

Trong lúc cơ quan chức năng vẫn đang tích cực vào cuộc làm rõ việc hàng loạt tàu cá vỏ thép của ngư dân hư hỏng, yêu cầu khắc phục và đề nghị truy trách nhiệm đối với công ty đóng tàu thì các ngư dân vẫn đang ngồi trên lửa khi nợ ngân hàng đầm đìa mà tàu và người đều nằm bờ bất lực dù đang vào vụ chính khai thác.

Mặc áo mưa trên ca bin tàu

Gặp anh Mai Thanh Vũ - thuyền trưởng tàu BĐ 99179 cũng là con trai của chủ tàu Mai Văn Chương (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định) ở cảng cá Đề Gi, nơi con tàu vỏ thép của gia đình đang neo đậu. Khó có thể tin trước mắt mình là con tàu sắt trị giá hơn 15 tỷ đồng, bàn giao chưa đầy 1 năm đã xơ xác, xuống cấp trầm trọng.

Toàn bộ vỏ sắt hoen gỉ vàng ố, bong ra từng lớp. Nhiều bộ phận hư hỏng. Anh Vũ cho hay, tàu do Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, bàn giao tháng 8/2016, nhưng từ khi nhận tàu đến nay mới ra khơi được 6 chuyến thì đều lỗ vốn do tàu gặp sự cố.

“Tàu đóng bằng thép Trung Quốc, không đảm bảo; máy dò hư toàn bộ, hầm bảo quản hư hỏng, dàn đèn vừa ăn bớt số lượng vừa không đạt chuẩn chất lượng. Đặc biệt ca-bin tàu cực tệ. Cứ mưa là phải mặc áo mưa vì dột, nước ngập đầy” - anh Vũ nói.

Theo nghiệp đi biển của cha cả chục năm nay, anh Vũ chưa từng chứng kiến con tàu vỏ thép nào “kinh khủng” đến vậy. Cứ mỗi chuyến ra khơi là nơm nớp lo sợ tàu gặp sự cố. “Cả mấy chục thuyền viên trên tàu, phó mặc sinh mệnh vào con tàu kém chất lượng… Họ (công ty đóng tàu - PV) quá vô tâm, hám lợi” - anh Vũ nói.

Tàu hơn chục tỷ hư hỏng nằm bờ: Ngư dân 'ngồi' trên lửa, hết muốn ăn cơm ảnh 1

Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh “kiện cũng được, nhưng làm sao khắc phục tàu để dân đi biển đã vì giờ đang mùa chính khai thác”.

Tại cảng cá Đề Gi, hàng loạt con tàu vỏ thép bị hư hỏng xếp hàng nằm bờ nhiều tháng nay. Ngư dân sốt ruột khi đây đang là vụ đánh bắt chính.

Từ ngày con tàu gặp sự cố đến nay 2 tháng, ông Nguyễn Văn Lý (trú xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99004 TS thấp thỏm không yên. Hết chạy lên huyện, tỉnh để họp rồi thấp thỏm theo đoàn thẩm định rồi lại chạy ra cảng nơi con tàu đang “nằm bất động”. “Ăn sóng nằm gió trên biển riết quen, chừ nằm trên bờ thấy buồn bực, khó chịu trong người. Rồi lại chạy ra cảng chỗ tàu neo nhưng đi về rồi lại hết muốn ăn cơm. Con tàu mười mấy tỷ mà chừ nằm một chỗ, như què” - ông Lý buông từng tiếng, như hờn.

Tù chân, nhớ biển

Từ chỗ nhà ông Lý (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ) đi cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) hơn bốn chục cây số. Cái nắng như đổ lửa trộn với gió biển thổi vào rát mặt. Con tàu BĐ 99004 TS của ông nằm xếp hàng bên cạnh những con tàu vỏ thép khác hai tháng nay. Ông Lý cho hay, con tàu vỏ sắt số hiệu BĐ 99004 TS, công suất 811 CV, trị giá 15,9 tỷ đồng do Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng.

Tàu hoàn thành và bàn giao nhưng chỉ một thời gian ngắn phát hiện tàu hư hỏng nhiều bộ phận. Tàu bị lưới cuốn chân vịt nên cá vào thì xé lưới ra; hầm bảo quản thì không đúng thiết kế, vỏ tàu gỉ sét… Từ khi nhận tàu đến nay ra khơi đươc 5 chuyến thì đều lỗ cả. “Chuyến đầu tiên đánh được 13 tấn cá, nhưng do hầm bảo quản không đảm bảo nên về đến nơi chỉ bán được 3 tấn, còn lại hư hỏng đem đổ. Chuyến đó trừ chi phí dư được 50 triệu, chia trả cho bạn tàu còn âm hơn chục triệu. 4 chuyến sau thì âm trắng” - ông Lý nói.

30 năm trong nghề, với ông đây là cú “sốc” lớn. Ngay cả thời điểm dàn khoan 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam, ông và các ngư dân Bình Định vẫn hăm hở, tự tin ra khơi vì biết mình mang sứ mệnh của những “cột mốc sống”. Lúc đó, cha con ông vẫn “chiến đấu” bằng con tàu vỏ gỗ. Khi biết mình nằm trong danh sách được phê duyệt đóng tàu vỏ sắt vươn khơi theo Nghị định 67 của Chính phủ thì cha con mừng hết cỡ.

Có một con tàu vững chãi để tự tin vươn khơi, bám biển giữa muôn trùng sóng gió là ước mơ cả một đời của những ngư dân như ông. Ấy vậy mà bây giờ nhìn con tàu sắt chỉ mới bàn giao mà trông “già cỗi”, hư hỏng đủ phần. “Không ngờ, con tàu cả chục tỷ đồng đóng theo chính sách của Nhà nước mà công ty dám làm gian dối kiểu này. Tài sản của nhà nước, sinh mệnh của ngư dân đều bỏ qua một bên vì lợi nhuận” - ông Lý bức xúc.

Ông Lý cho hay, lúc mới nhận bàn giao tàu không có tời nên ông phải thế chấp sổ đỏ để làm tời kéo lưới hết 270 triệu đồng. Phía công ty đóng tàu nói cứ mua bổ sung sau đó sẽ thanh toán lại nhưng đến giờ vẫn chẳng thấy nói năng gì. “Giờ thì hết cách xoay. Nợ ngân hàng còn 13,6 tỷ đồng, cả tàu và người giờ vẫn nằm bờ” - ông Lý thở dài.

Cách nhà ông Lý vài trăm mét là nhà của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (58 tuổi). “Cha Mạnh, con Khỏe mà chừ hết mạnh khỏe nổi rồi. Nằm bờ miết bải hoải tay chân” - ông Mạnh mở lời đón khách. Ông Mạnh là chủ tàu vỏ sắt BĐ 99567 TS, hành nghề lưới vây.

Ông tâm sự, tích cóp mấy chục năm trong nghề đi biển có được chút vốn nên khi có Nghị định 67 của Chính phủ, ông mạnh dạn nộp đơn, đóng tiền đối ứng để đóng con tàu sắt trị giá 15,2 tỷ đồng. Tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, nhưng sau khi nhận bàn giao được một thời gian là gặp họa. Ông Mạnh cho hay, trong thời gian tiến hành đóng tàu con trai ông là Nguyễn Văn Khỏe đến cơ sở đóng tàu thực hiện giám sát. Khi phát hiện cơ sở đóng tàu sử dụng thép Trung Quốc để đóng tàu, khi phản ứng thì bị phía người của công ty bác bỏ.

Tháng 8/2016, con tàu vỏ thép mới mang số hiệu BĐ 99567 TS của ông được hoàn thành, bàn giao. Cha con hồ hởi ra chuyến biển đầu tiên nhưng ra đến nơi thì lưới bị cuốn vào gầm chân vịt, thua lỗ trở về. Ông cải hoán con tàu và chuyển sang nghề lưới chụp, tốn thêm 1,5 tỷ đồng.

Đến tháng 1/2017 tàu đi chuyến biển thứ 2 nhưng cũng không suôn sẻ. Tàu tiếp tục gặp sự cố, bánh lái tàu bị sóng đánh văng ra ngoài, tiếp tục lỗ. Chuyến biển thứ 3 thì khá suôn sẻ, nhưng khi có cá trở về phát hiện hầm bảo quản không đảm bảo, ứ đọng nước ở các hầm chứa muối khiến cá hư hỏng, lại lỗ.

Tàu hơn chục tỷ hư hỏng nằm bờ: Ngư dân 'ngồi' trên lửa, hết muốn ăn cơm ảnh 2 Thuyền trưởng Mai Thanh Vũ như ngồi trên lửa.

Đi kiện, ai vươn khơi?

Ông Mạnh nói, kết luận của tổ thẩm định đã công bố rõ ràng rồi. Tàu bị hư hỏng do đóng thép Trung Quốc không đạt chất lượng, máy móc hư hỏng, dàn đèn không đảm bảo như hợp đồng… Nguy hiểm hơn, cốp tàu bị nứt, rơi bánh lái và hư hỏng nhiều phần, nguy hiểm, nhưng tiền bạc đâu nữa mà khắc phục, đâu phải chuyện vài chục triệu mà chạy vạy trong khi nợ ngân hàng giờ còn cả chục tỷ.

Mấy chục năm đi biển dồn được chút vốn thì cũng đóng vào tiền đối ứng. Tiền làm dàn màn chụp, lưới chài mấy tỷ bạc cũng phải đi vay, giờ hết cách xoay. “Họ (cơ sở đóng tàu- pv) sai rành rành nhưng không hề thấy có trách nhiệm. Làm sai rồi thì lo sửa cho dân, để dân còn mưu sinh. Đằng này họ sống không có tình người. Ngay cả tỉnh mời 2 - 3 cuộc họ còn không thèm tham dự nữa là…” - ông Mạnh nói.

Hỏi, ông có kiện công ty đóng tàu không? - ông Mạnh hắt cái nhìn ra xa, mệt mỏi “Sống ở bãi ngang thì mùa im biển lặng đi làm chứ sóng gió chạy về cửa đậu. Giờ đang mùa chính, tàu lại nằm bờ. Lục tìm hồ sơ kéo ra kiện tụng chắc phải mất thời gian dài, rồi ai vươn khơi? Làm sao khắc phục hư hỏng cho nhanh để ra khơi đánh bắt đã, chứ chừ ngồi một đống ở đây đau đầu sâu óc. Kiện cáo chưa biết có được gì, mà có được gì thì cũng kiệt sức quá rồi”. 

Ngư dân kiến nghị “lui” việc khởi kiện để vươn khơi

Tại cuộc họp công bố kết quả thẩm định ngày 26/6 mới đây, ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị các cơ quan chức năng khởi kiện đối với công ty TNHH Đại Nguyên Dương vì sử dụng vỏ thép không đúng, các thiết bị máy móc bị hư hỏng nhiều. Ông Châu đề nghị các địa phương có tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 bị hư hỏng hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ pháp lý cho các ngư dân tiến hành khởi kiện.

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong chiều 28/6, ông Hà Ngọc Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho hay sáng cùng ngày huyện tổ chức cuộc họp mời đại diện các đơn vị pháp lý hướng dẫn thủ tục cho các ngư dân. Một số cơ quan pháp lý cũng đăng ký hướng dẫn khởi kiện miễn phí cho ngư dân. Tuy nhiên, tại đây các ngư dân đề xuất trước mắt sửa chữa khắc phục sự cố đơn giản để ra khơi sớm chứ chưa đặt vấn đề khiếu nại, khiếu kiện bây giờ. Trong trường hợp sau khi sửa chữa, thấy rằng sửa chữa không triệt để thì sẽ làm thủ tục khởi kiện” - ông Tân nói.

MỚI - NÓNG