Mưa lũ hoành hành

Tây Bắc: Lũ về trong đêm, trở tay không kịp

Cầu bê tông trên trục đường huyết mạch nối xã Thanh Luông với xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bị lũ cuốn trôi. Ảnh: TTXVN.
Cầu bê tông trên trục đường huyết mạch nối xã Thanh Luông với xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bị lũ cuốn trôi. Ảnh: TTXVN.
TP - Suốt từ đêm 1/8 đến chiều 2/8, tại các tỉnh Tây Bắc liên tục có mưa to. Mưa lớn gây ra lũ ống cuốn trôi hàng chục nhà dân, gây thiệt hại nặng tại nhiều địa phương tỉnh Điện Biên.

Điện Biên là địa phương thiệt hại nặng nhất trong mưa lũ hai ngày qua tại các tỉnh Tây Bắc. Theo ghi nhận của phóng viên tại thị trấn Tuần Giáo ngày 2/8, hàng chục nhà dân tại khu vực khối Tân Tiến, Huổi Củ, bản Đông... đã bị thiệt hại nặng nề do đập ngăn hồ đầu nguồn suối Huổi Củ bị vỡ, gây lũ ống. Toàn bộ nước, đất đá tràn xuống cuốn trôi nhà cửa cùng nhiều tài sản có giá trị như xe máy, ti vi, tủ lạnh... Lũ ống tràn về vào thời điểm rạng sáng khiến bà con không kịp trở tay, đã có một số người bị lũ cuốn trôi nhưng may mắn được cứu thoát.

Theo thống kê ban đầu, mưa lũ đã làm 19 xã của huyện Tuần Giáo bị thiệt hại nặng,  hơn 200 ngôi nhà dân bị ngập lụt, sạt lở. 2 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn; 3 cột điện bị đổ gẫy; 1 cầu treo và gần 160 công trình thủy lợi bị cuốn trôi. Đặc biệt, 15 km đường Quốc lộ 6 và Quốc lộ 279; các tuyến đường tỉnh lộ và liên xã, liên bản bị sạt lở, trôi xói mặt đường, nhiều cầu, cống, ngầm tràn bị phá hỏng, với khối lượng đất đá khoảng trên 20 nghìn m3. Ước tổng thiệt hại về kinh tế của huyện Tuần Giáo trên 110 tỷ đồng.

Tây Bắc: Lũ về trong đêm, trở tay không kịp ảnh 1

Nguyên nhân được xác định là con đập đầu nguồn suối Huổi Củ bị vỡ, lũ quét tràn xuống các hộ dân, gây ngập lụt và cuốn trôi nhiều tài sản tại thị trấn Tuần Giáo. Ảnh: Ngọc Thành.

Tại huyện Thuận Châu, mưa lớn xảy ra trên phạm vi toàn huyện, thời gian mưa kéo dài, liên tục đã làm mực nước tại một số sông, suối trên địa bàn huyện dâng cao, gây thiệt hại về nhà cửa, diện tích hoa màu của nhân dân. Tính đến 17 giờ chiều 2/8 đã có 120 hécta ruộng mới cấy ở các xã Tông Lạnh, Tông Cọ, Chiềng Pha, Mường É, Phổng Lập, Thôm Mòn bị ngập.

Hiện nay, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thuận Châu đang tập trung chỉ đạo các xã hướng dẫn nhân dân khắc phục sản xuất; tổ chức di chuyển những nhà bị ngập, bị sạt lở đến nơi an toàn; Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các xã, bản trong vùng bị ảnh hưởng làm tốt công tác thông tin, cảnh báo nhân dân về mưa lũ, sạt lở đất. Đồng thời, thường trực để xử lý các vấn đề do mưa lũ gây ra, thông báo về Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Chiều 2/8, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, ngay khi nhận được thông tin về thiệt hại tại các địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã thành lập 4 đoàn công tác xuống các địa bàn để kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục; tiếp tục ban hành Công điện gửi Ban chỉ huy phòng chống bão lũ - tìm kiếm cứu nạn các địa phương triển khai các biện pháp chủ động ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Theo ông Tiến, mưa lũ vẫn đang diễn ra tại tỉnh Điện Biên và còn có thể diễn biến xấu trong những ngày tới.

Tại Lào Cai, mưa to kéo dài những ngày qua đã khiến nhiều xã thuộc Sa Pa và huyện Bắc Hà có nguy cơ bị sạt lở đất cao. 29 hộ dân ở Sa Pa và 7 hộ tại Bắc Hà đã được di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm ngay trong đêm 2/8. Các tuyến đường 151, 153, 279 và 4D đã bị sạt lở khiến giao thông rất khó khăn. Với sự nỗ lực của hàng ngàn thanh niên, bộ đội, dân phòng, tính mạng của người dân đã được đảm bảo. Khoảng 10h sáng qua (2/8), khi di chuyển tại xã Lao Chải (Sa Pa), có hai bố con đang chạy xe máy đã bất ngờ bị đất đá sạt lở làm cả 2 bị chấn thương. Một điểm trường tại huyện Bắc Hà đã bị sạt lở gây hư hỏng nặng, và khoảng 20ha lúa đang trổ bông tại huyện Si Ma Cai bị ngập úng nhiều ngày qua. Tỉnh Lào Cai đã khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển do mưa kéo dài đã làm độ kết dính đất đá rất yếu, có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào.

Tại Yên Bái, Công điện khẩn của Chủ tịch tỉnh này cũng đã chỉ đạo lập ba đoàn kiểm tra tại  các tuyến, vùng mưa lũ, sạt lở, và yêu cầu các công ty khai thác khoáng sản ngừng sản xuất, tránh hậu quả đáng tiếc cho phương tiện và người lao động. Tính đến 18h30 chiều 2/8, Yên Bái chưa ghi nhận trường hợp thương vong nào do sạt lở, lũ quét và chỉ có hơn 1ha lúa bị thiệt hại nhưng đã có 6 nhà bị tốc mái.

Tây Bắc: Lũ về trong đêm, trở tay không kịp ảnh 2

Vật dụng trong nhà hư hỏng nhiều do lũ ống gây ra ở thị trấn Tuần Giáo. Ảnh: Ngọc Thành.

Tin từ Lai Châu, nhiều đợt mưa lớn kéo dài, kèm theo gió lốc thời gian qua (chủ yếu vào tháng 7) đã khiến 9 người chết (chiều 2/8 thêm hai người chết tại tỉnh này vì sạt lở đất), hơn 120ha lúa, ngô, rau màu bị ngập úng và giập nát, nhiều gia súc gia cầm bị cuốn trôi, gần 200 nhà bị đổ và tốc mái, nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, giao thông bị hư hỏng.

Tin từ Sơn La, đã có 1 người chết vì nước cuốn trôi, 10 nhà dân bị tốc mái, 129 ha lúa bị ngập. Tỉnh Tuyên Quang cũng ghi nhận có nhiều hécta lúa bị ngập và 2 nhà bị tốc mái. Toàn bộ khu vực Tây Bắc có tới gần 11.000m kênh mương bị thiệt hại, 6 hồ chứa bị phá hỏng, vỡ bờ, và 64 công trình thủy lợi nhỏ bị phá vỡ, cuốn trôi theo lũ. Hiện nước sông Hồng đang tiếp tục dâng cao.

Quốc lộ 6 bị ách tắc nghiêm trọng

Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, do mưa lớn, lúc 14h ngày  2/8, hàng nghìn mét khối đất đá từ trên đồi cao đã sạt lở phong tỏa QL 6 đoạn qua khu vực đèo Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, gây ùn tắc giao thông trong nhiều giờ. Đến 17h, Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ 224 đã huy động lực lượng nhân công và hai máy xúc, ủi đến thông đường. Đến 21h, QL đoạn qua khu vực trên  mới thông được 1/2 làn đường theo chiều Sơn La – Hà Nội, chiều ngược lại vẫn bị đất đá vùi lấp tiếp tục gây ùn tắc.                    

 Nhóm PV

MỚI - NÓNG