Thăm cựu binh tàu không số và kế hoạch tôn vinh tàu mật danh 235

TPO - Sáng chủ nhật, 23/7, nhóm công tác của báo Tiền Phong và Cty CP Tiền Phong đã đến thăm bác Mai Văn Khung - cựu chiến binh, nguyên là chiến sĩ lái tàu của con tàu không số mang mật danh 235 của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh. 

Đêm ngày 29/2/1968, tàu 235 chở vũ khí đến khu vực ven bờ biển tỉnh Khánh Hoà thì bị địch phát hiện. Chúng huy động khoảng một chục tàu chiến vây đánh. Lực lượng vô cùng chênh lệch  nhưng  20 cán bộ chiến sĩ của tàu 235 đã chiến đấu vô cùng anh dũng, nhiều chiến sĩ hi sinh, bị thương nặng nhưng vẫn kịp thả vũ khí xuống biển gần bờ để lực lượng của ta tìm vớt sau rồi vừa kiên cường đánh trả, vừa di chuyển hút tàu địch ra xa khu vực thả vũ khí.

Thăm cựu binh tàu không số và kế hoạch tôn vinh tàu mật danh 235 ảnh 1

Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn và ông Mai Văn Khung - cựu chiến binh, nguyên là chiến sĩ lái tàu của con tàu không số mang mật danh 235. Ảnh: Mạnh Thắng

Khoảng 2 rưỡi sáng ngày 1/3/1968, đến khu vực Hòn Hèo nay thuộc 2 xã Ninh Vân, Ninh Phước huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, tàu bị địch bắng hỏng nặng không thể di chuyển được nữa, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã lệnh cho những người còn sống đưa thương binh rời tàu lên bờ và cho nổ khối thuốc nổ huỷ tàu. Sức nổ mạnh đến mức hất văng một phần thân tàu lên mỏm núi Bà Nam gần đó.

 9 cán bộ, chiến sĩ lên được bờ ai cũng thương tích đầy mình, bị địch đổ quân lùng sục gắt gao. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng một chiến sĩ bị địch vây, đã chiến đấu đến hết đạn và cho nổ quả lựu đạn cuối cùng khi địch ập tới (sau này, tên liệt sĩ Phan Vinh được đồng đội đặt cho một hòn đảo của Tổ Quốc ở quần đảo Trường Sa và tên đó trở thành tên chính thức của đảo; anh Nguyễn Phan Vinh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân).

Thăm cựu binh tàu không số và kế hoạch tôn vinh tàu mật danh 235 ảnh 2

Ông Mai Văn Khung - cựu chiến binh tàu không số mang mật danh 235 tiếp đón lãnh đạo Báo Tiền Phong và Công ty cổ phần Tiền Phong. Ảnh: Mạnh Thắng

Những người còn lại, 5 người được lực lượng của ta tại chỗ cứu, nuôi giấu sau 10 ngày di chuyển liên tục để tránh địch trong điều kiện tất cả đều bị thương, không có lương thực và nước uống. Một người bị thương nặng, mất tích. Riêng chiến sĩ lái tàu Mai Văn Khung bị địch bắt, bị tra tấn dã man, nhưng chỉ nhận là chiến sĩ mới đến bổ sung cho một đơn vị của ta hoạt động trên địa bàn. Ông bị đưa ra giam ở Phú Quốc, được trao trả sau Hiệp định Paris năm 1973, sau đó chuyển công tác trở lại đơn vị cũ trước khi nhập ngũ là Công ty Vận tải biển ở Hải Phòng làm việc rồi về hưu ở đó.

Hiện bác Mai Văn Khung sống cùng vợ, con, cháu ở Hải Phòng, sức khoẻ yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Để tôn vinh cuộc chiến đấu oai hùng của tàu 235, ngày 27/7 tới đây, Báo Tiền Phong phối hợp với Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Tuần Châu, Tỉnh Đoàn Khánh Hoà và Học viện Hải quân tổ chức một loạt hoạt động tri ân ở thành phố Nha trang và hai xã Ninh Vân, Ninh Phước, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, gồm: Đưa những cựu binh tàu 235 còn sống và một số thân nhân các liệt sĩ của tàu về lại Hòn Hèo, Dâng hương hoa tại Đài kỷ niệm, thả hoa tưởng niệm những người đã hi sinh; thăm, tặng quà các gia đình đã nuôi giấu những chiến sĩ; Giao lưu với các học viên Học viện Hải quân và thanh niên sinh viên Khánh Hoà.

MỚI - NÓNG