Tham nhũng, bảo kê “bắt tay” tội phạm buôn bán động vật hoang dã

Điểm mấu chốt của buôn bán loài hoang dã trái phép là nhu cầu tiêu dùng không bền vững về loài hoang dã. Ảnh minh họa
Điểm mấu chốt của buôn bán loài hoang dã trái phép là nhu cầu tiêu dùng không bền vững về loài hoang dã. Ảnh minh họa
TPO - "Tham nhũng và bảo kê buôn bán động thực vật hoang dã trái phép đều nằm trong chuỗi cung ứng; nó ngăn cản công an điều tra, truy tố và làm suy yếu các quy định của luật pháp" - ông Christopher Batt, Quản lý Văn phòng UNODC tại Việt Nam, nói.

Ngày 1/6, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo Ngày môi trường thế giới 2016 với chủ đề: Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã

Lợi nhuận khổng lồ

Theo bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, buôn bán động thực vật hoang dã trái phép đưa nhiều loài đến bờ tuyệt chủng, gây ra các nguy cơ đối với môi trường, kinh tế, phát triển và an ninh. Tội phạm này đang tiếp tục phát triển, phớt lờ mọi luật pháp quốc gia và quốc tế.

Điểm mấu chốt của buôn bán loài hoang dã trái phép là nhu cầu tiêu dùng không bền vững về loài hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ chúng cho các mục đích của con người. 

Còn theo ông Christopher Batt, Quản lý Văn phòng UNODC tại Việt Nam, mặc dù có nhiều luật quốc gia và quốc tế để xử lý tội phạm động vật hoang dã, các nhóm tội phạm xuyên quốc gia đang lách luật bằng nhiều thủ đoạn tinh vi để đưa các loại động thực vật hoang dã vào thị trường một cách hợp pháp. 

Cũng theo ông Christopher Batt, tham nhũng và bảo kê buôn bán động thực vật hoang dã trái phép đều nằm trong chuỗi cung ứng; nó ngăn cản công an điều tra, truy tố và làm suy yếu các quy định của luật pháp. 

"Vô cùng khó khăn để tính toán các khoản lợi nhuận tội phạm liên quan đến toàn bộ hoạt động buôn bán động thực vật bất hợp pháp. Nhưng với giá thị trường cao của các sản phẩm như sừng tê giác, ngà voi mà chúng tôi biết rằng lợi nhuận thu được từ tội phạm liên quan đến động, thực vật hoang dã là rất lớn. Để hưởng lợi từ những hoạt động phạm pháp, những khoản lợi nhuận khổng lồ này phải được rửa tiền và chuyển qua biên giới" - ông Christopher Batt chia sẻ.

Phạt tiền cao nhất 15 tỷ đồng, phạt tù 15 năm

Việt Nam được biết đến là điểm trung chuyển và cũng là nước tiêu thụ của rất nhiều loại sản phẩm từ loài hoang dã phi pháp. Tội phạm vi phạm luật về bảo vệ loài hoang dã thường liên quan tới các hình thức tội phạm nghiêm trọng, như tham những, rửa tiền, gian lận và làm hàng giả.

Trong gia đoạn 2010 - 2015, Hải quan Việt Nam đã thu giữ khoảng 18.000kg ngà voi, 55.200kg tê tê, và hơn 235kg sừng tê giác từ các lô hàng trái phép ở Việt Nam.

Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các ngành chức năng tham gia góp ý, sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật hình sự 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016) đã quy định 2 tội danh liên quan đến động thực vật hoang dã với mức hình phạt nghiêm khắc hơn so với quy định của Bộ luật hình sự năm 1999. Cụ thể, tăng mức phạt tiền tối đa từ 10-15 tỷ đồng; Mức xử lý hình sự từ 10-15 năm tù so với Điều 190, Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ xử phạt tiền cao nhất từ 50 triệu – 500 triệu đồng, phạt tù cao nhất từ 2-7 năm tù.

Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo 389 quốc gia; Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng tham gia hưởng ứng có hiệu quả các chiến dịch do các tổ chức quốc tế phát động bảo vệ động thực vật hoang dã...

Tuy nhiên, Trung tướng Vệ cũng thừa nhận: “có cung ất có cầu”, tín ngưỡng của người Việt Nam và người châu Á nói chung coi các sản phẩm từ động thực vật hoang dã như thần dược,…; 

Ngoài ra, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm này rất tinh vi nên nhiều vụ việc chỉ bắt được người vận chuyển thuê còn chủ thực sự của lô hàng lại ở nước ngoài, Việt Nam là nước trung chuyển; Việc thẩm định mất nhiều thời gian…Do vậy, ngoài nỗ lực của Việt Nam, rất cần các tổ chức quốc tế đàm phán, ký kết tương trợ tư pháp để xử lý hiệu quả.

MỚI - NÓNG