Thành phố thông minh

TPHCM sẽ trở thành một đô thị thông minh trong tương lai không xa.
TPHCM sẽ trở thành một đô thị thông minh trong tương lai không xa.
TP - TP. HCM đang triển khai đề án thành phố thông minh (Smart City), tạo động lực phát triển cho đầu tàu kinh tế, tiếp tục là trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước.

Nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã dành cho báo Tiền Phong cuộc trao đổi thú vị về vấn đề này.

Thưa ông, thành phố thông minh có gì khác và ưu việt hơn so với đô thị bình thường?

Ðể góp phần thực hiện thành công 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng bộ TPHCM, lãnh đạo thành phố đã quyết định xây dựng và thực hiện Ðề án “Xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Sự quá tải về kết cấu hạ tầng cũng kéo theo hàng loạt các vấn đề về môi trường, giao thông, y tế, ngập nước v.v... gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Thêm vào đó, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập cũng đặt ra yêu cầu cho các thành phố phải nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh để thu hút các nguồn đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang là động lực đẩy nhanh quá trình xây dựng đô thị thông minh trên toàn thế giới. Trong hơn một thập kỷ qua, nhiều quốc gia và thành phố lớn trên thế giới đã chuyển hướng sang việc ứng dụng các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) (như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, ToT - Vạn vật kết nối Internet...) để thay đổi sang mô hình quản trị hiện đại có sự kết nối cao giữa các lĩnh vực nhằm nâng cao năng lực quản lý đô thị, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng khởi nghiệp và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Quy trình triển khai xây dựng Smart City như thế nào?

Sẽ có rất nhiều công việc cần thực hiện. Trong đó, trước tiên và quan trọng nhất là khâu tổ chức, thành phố đã thành lập Ban Ðiều hành do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban và mời nhiều chuyên gia đầu ngành tham gia Hội đồng tư vấn cho thành phố do Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng. Ðề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh” có quy mô rất lớn, bao gồm nhiều dự án và hạng mục công việc thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau nhưng lại có sự liên thông chặt chẽ về nghiệp vụ và chia sẻ, dùng chung về dữ liệu. Các dự án phần lớn đều ứng dụng công nghệ cao, có những đặc điểm mới mẻ so với việc ứng dụng CNTT trong cơ quan quản lý như thành phố đã triển khai trong những năm vừa qua. Với quy mô và tính chất như vậy, việc thực hiện Ðề án cần có sự chỉ đạo trực tiếp của cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố và có sự tham gia đầy đủ của các sở ban ngành liên quan.

Thành phố thông minh ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến.

Ðề án thành phố thông minh đã được UBND TPHCM thực hiện đến đâu?

UBND TPHCM và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác tư vấn khung về CNTT để xây dựng và triển khai đề án. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh nội dung hợp tác là chỉ xây dựng khung về CNTT. Các giải pháp công nghệ sau này, TPHCM luôn mong muốn có sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước, nhất là những bạn trẻ học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT có thể tham gia đóng góp các ý tưởng, giải pháp công nghệ hiện đại, cụ thể. Sắp tới, trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, TPHCM sẽ ưu tiên sử dụng các loại thiết bị điện tử (chip, vi mạch, thiết bị cảm ứng…) sản xuất trong nước nâng cao tính bảo mật, an toàn thông tin.     

Ðặc biệt, song song với việc xây dựng đề án, TPHCM đang hoàn chỉnh Kế hoạch xây dựng kho dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở để làm tiền đề triển khai thực hiện Ðề án cũng như triển khai các ứng dụng phục vụ các ngành, lĩnh vực cấp bách. Trong quý I/2017, TPHCM đã triển khai khảo sát dữ liệu tại các sở, ban ngành để xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung cho toàn thành phố, trước mắt là dữ liệu về doanh nghiệp và dân cư.

Trước khi thông qua, đề án sẽ được tổ chức lấy ý kiến phản biện rộng rãi trong nhân dân thông qua báo chí, hội đồng tư vấn...

Những lĩnh vực nào TPHCM sẽ ưu tiên triển khai ứng dụng công nghệ thông minh của Smart City?

Có 10 lĩnh vực then chốt được ưu tiên khi xây dựng đề án thành phố thông minh gồm: giáo dục, y tế, giao thông, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, cải cách hành chính, chỉnh trang đô thị, nguồn nhân lực, môi trường... Thực tế, chúng ta còn đang trong giai đoạn chuẩn bị khảo sát nên chưa thông tin cụ thể. Tuy nhiên, có thể nói tiêu chí chung của TPHCM là sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử và quy hoạch thông minh để góp phần thúc đẩy nền kinh tế, đồng thời tạo ra các tiện ích phục vụ người dân.

Quy hoạch thông minh sẽ giúp dự báo và đề phòng, ngăn ngừa các diễn biến bất lợi có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường đô thị TPHCM. Chính quyền điện tử giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tăng tính công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.      

Xây dựng TPHCM trở thành Smart City có giảm phiền hà cho người dân và hạn chế vấn nạn nhũng nhiễu của cán bộ công chức? 

Hiện nay, giải quyết thủ tục hành chính ở quận 1 và một số sở ban ngành được nhiều người dân đánh giá tốt và hiệu quả vì các đơn vị đã sớm ứng dụng CNTT. Các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp đều được giải quyết nhanh chóng chỉ bằng vài lần nhấp chuột. Việc xây dựng chính quyền điện tử bước đầu được người dân và doanh nghiệp ủng hộ nhiệt tình.

Từ nay đến năm 2020, TPHCM sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nhiều lĩnh vực, hạn chế sự tiếp xúc giữa cán bộ, người dân và doanh nghiệp nhằm giảm tiêu cực, nhũng nhiễu. Bên cạnh đầu tư hệ thống máy móc, ứng dụng các phần mềm quản lý, điều hành hiện đại đồng bộ, TPHCM đang nỗ lực đào tạo một đội ngũ “cán bộ, công chức điện tử” và người dân sẽ trở thành các “công dân điện tử”. Với quy trình giải quyết hồ sơ theo cơ chế liên thông “một cửa điện tử”, người dân không phải đến các sở ngành liên hệ xin chỉ tiêu quy hoạch, phòng cháy chữa cháy, môi trường...

Tình trạng kẹt xe, ngập nước có giải quyết triệt để một khi TPHCM trở thành Smart City?

Trong công tác giải quyết nạn kẹt xe, TPHCM đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp thông minh như xây dựng trung tâm điều hành giao thông, lập bản đồ số về giao thông, xây dựng cổng thông tin về giao thông, lập đề án thu phí ô tô vào trung tâm, nghiên cứu xây dựng các bãi đỗ xe thông minh… Ðây là những giải pháp không thể thiếu cho một đô thị thông minh và nếu hoàn tất sẽ góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông.

Tôi đã trực tiếp kiểm tra nhiều điểm ngập nặng của TPHCM và thấy rằng muốn giải quyết bài toán chống ngập của TPHCM, ngoài các giải pháp công nghệ, chống ngập thông minh cần phải giải quyết vấn đề cơ bản nhất là trả lại hệ thống thoát nước tự nhiên, trả lại vị trí và trách nhiệm cho những con kênh, rạch. Làm được điều này thì chúng ta vừa giải quyết được bài toán chỉnh trang đô thị, vừa giải quyết được vấn đề sức khỏe môi trường và giải quyết được vấn đề cốt lõi là thoát nước, chống ngập cho thành phố. Ðối với những công trình thoát nước có sẵn, thì chúng ta phải quan tâm bảo vệ, chống lấn chiếm, phải duy trì, duy tu để đảm bảo chức năng thoát nước hoạt động tốt.

Cảm ơn ông.

Từ nay đến năm 2020, TPHCM sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên nhiều lĩnh vực, hạn chế sự tiếp xúc giữa cán bộ, người dân và doanh nghiệp nhằm giảm tiêu cực, nhũng nhiễu.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến

Cải tạo 3 chợ đầu mối thành … điểm đến du lịch

Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết đã chính thức “đặt hàng” các doanh nghiệp công nghệ như FPT Software, CMC SI Saigon, MISA, Global CyberSoft, HPT… tìm giải pháp thông minh giải quyết ô nhiễm, ngập nước, nông sản sạch, quản lý hệ thống bằng CNTT… nhằm cải tạo ba chợ đầu mối (Bình Ðiền, Thủ Ðức, Hóc Môn) trở thành điểm đến cho các tour du lịch.

MỚI - NÓNG