Thành “vua cá thác lác” nhờ lân la… quán nhậu

Thành “vua cá thác lác” nhờ lân la… quán nhậu
TP - Nói đến cá thác lác thì phải đến Hậu Giang, mà nói đến cá thác lác Hậu Giang mà không nói đến Tám Dũng là coi như một thiếu sót lớn.
Thành “vua cá thác lác” nhờ lân la… quán nhậu ảnh 1
“Vua cá thác lác” Tám Dũng bên trại cá

Ông Huỳnh Phong Tranh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã “thòng” trước với chúng tôi một câu rất hóm hỉnh như vậy trước khi đến tham quan trang trại cá thác lác của nhà nông Tám Dũng, 

Từ những vụ làm ăn thất bát

Chúng tôi chạy xe men theo con đường nhỏ hẹp kế dòng kinh Vị Thủy để vào ấp Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Tường, Vị Thủy)- đại bản doanh của “vương quốc cá thác lác lớn nhất ĐBSCL”.

Tiếp chuyện chúng tôi là “vua cá” Tám Dũng với dáng người nhỏ nhắn, rụt rè, khuôn mặt đen nhẻm nhưng lúc nào cũng vui vẻ và tươi cười đúng chất dân xứ miệt vườn Nam Bộ. Tám Dũng tên thật là Lê Văn Dũng, năm nay 43 tuổi.

Tám Dũng kể: Trước đây làm đủ thứ nghề, trồng đủ thứ cây nhưng gặp cảnh trái cây rớt giá, vườn cây lại tiêu điều xơ xác vì bán thì lỗ mà không bán thì càng chết.

Có lần, một người bà con làm việc ở Cần Thơ ghé chơi nhà, thấy đất nhà Tám Dũng rộng mà cây cối xác xơ quá bèn gợi  ý  anh thử nuôi cá.

Thoạt đầu, anh Dũng nuôi cá tra. Năm 2001, giá cá tra tụt thê thảm, anh  lỗ nặng. Đêm đêm anh Dũng trằn trọc tìm hướng làm ăn mới rồi  anh lân la khắp các quán ăn, quán nhậu, chợ búa trong huyện, lên thị xã để xem con gì đang bán chạy và có giá.

Tám Dũng phát hiện ra một điều thú vụ: món cá thác lác đang là “mốt” và có mặt ở hầu hết các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu. “Tui phải đi khắp các chợ để tìm mua con giống, mà mua được 10 con thì nuôi sống nhiều lắm cũng chỉ được 2-3 con” – Dũng tâm sự. 

Mà giá cá thác lác cũng không phải là rẻ: trên dưới 100.000đ/kg. Khi Tám Dũng đi mua cá thác lác ngoài chợ về làm giống bà con bàn tán: “Thằng này chơi sang thiệt, dám mua cá thác lác về nhậu !”. Giải thích thì ai cũng cho là “ngông” vì trước giờ có ai nuôi được cá thác lác trong ao đâu.

Đến trại cá thác lác giống lớn nhất đồng bằng

Phải mất gần 2 năm trời, Dũng mới gây được đàn cá thác lác bố mẹ gần 15 con. Từ đó, anh cho sinh sản và ngay lứa đầu tiên, anh thu hơn 1.500 con cá con.

Rồi từ đàn cá con, anh chi phí để tiếp tục nhân giống đàn cá. Anh quyết định đào thêm 4 vuông nuôi cá trên diện tích gần 10.000m2 vườn cây ăn trái trước đây để mở rộng nhân giống.

Chú Ba Tân- một lão nông lớn tuổi cười nói: “Từ đời thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chưa thấy ai nuôi được cá thác lác, cũng chưa thấy ai mần cho nó sinh sản nhân tạo được. Vậy mà thằng Tám Dũng lại làm được. Quả là một kỳ tích!”.

Sau 4 năm vất vả, giờ đây trong tay anh là 5 vuông cá với diện tích 1,6 ha. Hỏi về thu nhập từ con cá thác lác, anh cười tính nhẩm “Mỗi con cá giống giá 3.000 đồng, mỗi năm tôi xuất bán hơn 400.000 con, thu gần 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi gần 600 triệu”.

Tám Dũng cho biết nhu cầu giống cá thác lác hiện nay là rất lớn, trang trại của anh hàng năm chỉ cung cấp cho thị trường được hơn 10 tấn, trong khi đó đơn đặt hàng từ các tỉnh ĐBSCL từ 15 - 20 tấn/năm.

Đặc biệt, cá thác lác khi bán ngoài thị trường luôn ổn định, khoảng trên 65.000 đ/kg. Sau 4 năm miệt mài với từng con cá, giờ đây tiếng tăm của trang trại cá thác lác Tám Dũng không chỉ lan nhanh các tỉnh tây Sông Hậu mà còn khắp vùng ĐBSCL.

Sản xuất ra không đủ bán, đơn đặt hàng phải chờ cả năm trời mới có cá cung cấp. Người dân nơi đây đã gán cho cho anh cái tên “vua cá thác lác”.

Hỏi về hướng sắp tới, Tám Dũng cho biết anh sẽ mở rộng diện tích ao hồ lên 4 ha để thả nuôi, nhân giống. Đồng thời, anh cũng sẽ xúc tiến xây dựng thương hiệu cho trang trại và giống cá của mình.

MỚI - NÓNG