Thấu tình đạt lý, biển Đông bớt “sóng”

Đại diện các nước ASEAN bắt tay nhau thể hiện tinh thần đoàn kết tại Lễ thượng cờ ASEAN tại Bộ Ngoại giao Việt Nam để kỷ niệm 46 năm thành lập khối hôm 8/8/2013. Ảnh: Trúc Quỳnh
Đại diện các nước ASEAN bắt tay nhau thể hiện tinh thần đoàn kết tại Lễ thượng cờ ASEAN tại Bộ Ngoại giao Việt Nam để kỷ niệm 46 năm thành lập khối hôm 8/8/2013. Ảnh: Trúc Quỳnh
TP - Tình hình biển Đông năm qua có nhiều diễn biến tích cực hơn, đáng kể nhất là ASEAN và Trung Quốc đã tăng cường trao đổi, đối thoại để giải quyết những bất đồng nảy sinh. Theo các quan chức và chuyên gia, cách tiếp cận của Việt Nam (linh hoạt, đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên) là nhân tố cực kỳ quan trọng.

Dấu ấn quan trọng nhất là ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận sẽ tham vấn chính thức về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), cho dù trước đây có khác biệt lớn.

Cuộc tham vấn đầu tiên diễn ra tại Tô Châu, Trung Quốc vào tháng 9 vừa qua đạt được kết quả quan trọng là hai bên đồng ý tiếp tục tham vấn về COC và lộ trình gặp gỡ thời gian tới.

Được ủng hộ vì có tình, có lý

So với Hoa Đông, tình hình biển Đông tương đối bình ổn trong năm 2013. Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Minh, Vụ trưởng Vụ ASEAN - Bộ Ngoại giao, cho rằng điều này đạt được là do Việt Nam duy trì cách tiếp cận đúng đắn, mềm dẻo, đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên. 

Quan điểm của Việt Nam từ trước đến nay là vấn đề song phương thì giải quyết song phương; vấn đề đa phương thì các bên liên quan cùng giải quyết; còn những vấn đề liên quan hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực là liên quan lợi ích của tất cả các bên, thì các bên đều phải có tiếng nói, có ý thức xây dựng.

Thấu tình đạt lý, biển Đông bớt “sóng” ảnh 1

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh là Trưởng đoàn quan chức cấp cao ASEAN (SOM) của Việt Nam. Ảnh: Trúc Quỳnh.

Nếu các nước ASEAN mất đoàn kết thì sẽ mất đi sức mạnh, từng nước ASEAN sẽ trở nên yếu ớt”

Ông Nguyễn Tiến Minh - Vụ trưởng Vụ ASEAN- Bộ Ngoại giao

Nhà nghiên cứu Termsak Chalermpalanupap (công tác tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore và là cựu thành viên Ban thư ký ASEAN) cũng nhận xét rằng, so với năm 2012, tình hình biển Đông năm 2013 lắng dịu hơn. “Việt Nam đang làm khá tốt vai trò của mình trong việc sử dụng các kênh đối thoại với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, một nguyên nhân khác khiến tình hình biển Đông năm qua bớt căng thẳng là do “Trung Quốc rõ ràng đang phải giải quyết vấn đề cấp bách hơn: tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông”.

Ông Termsak dự đoán rằng, tình hình biển Đông trong năm 2014 sẽ tiếp tục ổn định tương đối.

Theo chuyên gia Termsak, ASEAN và Việt Nam nên tiếp tục giữ Trung Quốc tham gia các cuộc tham vấn chính thức về COC vì đây là dấu hiệu tích cực.

Hài hòa quan hệ với các nước lớn

Nhiều năm qua, Việt Nam cùng với ASEAN được đánh giá là đã phát huy vai trò chủ đạo của mình trong việc đóng góp cho môi trường hòa bình, ổn định và điều này được tất cả các đối tác lớn công nhận. Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói rằng, trong môi trường mới hiện nay, các nước lớn, các đối tác quan trọng của ASEAN rất coi trọng khu vực Đông Á. 

Trong sự chuyển dịch trọng tâm hợp tác, liên kết và phát triển của thế giới, ASEAN vừa đóng vai trò quan trọng vừa phải đối mặt nhiều thách thức khi quan hệ với các cường quốc. Việt Nam đã cùng ASEAN tranh thủ các nước lớn hỗ trợ xây dựng cộng đồng, ủng hộ các nước lớn ngày càng gắn kết hơn với khu vực Đông Á, nhưng trên cơ sở các mục tiêu ưu tiên, thỏa thuận, cách ứng xử mà các nước lớn đã cùng chia sẻ với ASEAN, như Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện (TAC)…

Trong vấn đề biển Đông, thời gian qua nảy sinh nhiều diễn biến phức tạp. Trong ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác tuy trao đổi nhiều nhưng có nhiều ý kiến khác nhau. 

“Việt Nam cùng với các nước lấy lợi ích vì hòa bình, an ninh, hợp tác trong khu vực nên đã tạo ra tiếng nói chung, tạo ra cho ASEAN có vai trò định hướng chung đối với vấn đề biển Đông, đặc biệt thể hiện qua 6 nguyên tắc của ASEAN về vấn đề biển Đông, nỗ lực thúc đẩy đối thoại với Trung Quốc để sớm có COC”, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh khẳng định.

Lợi ích quốc gia gắn với ASEAN

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, 10 nước ASEAN chung sống với nhau, chia sẻ những giá trị về hòa bình, an ninh với nhau và với thế giới. Đặt câu chuyện biển Đông trong những giá trị đó thì thấy rằng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông gắn chặt với hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực Đông Nam Á, Đông Á và toàn cầu. 

Một trong những nỗ lực mà ASEAN đã dành nhiều tâm huyết là vấn đề biển Đông, nên đã có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) được ký kết năm 2002 và bây giờ ASEAN đang cùng các nước, đặc biệt là Trung Quốc, thúc đẩy COC.

ASEAN có tiếng nói chung mạnh mẽ hơn trong năm qua là nhờ sự đoàn kết của khối. “ASEAN là một tập hợp của các nước vừa và nhỏ trong vực, cùng gắn kết để tạo thành sức mạnh chung trong tiến trình giao thiệp với các nước lớn ngoài khu vực. Nếu các nước ASEAN mất đoàn kết thì sẽ mất đi sức mạnh, từng nước ASEAN sẽ trở nên yếu ớt”, ông Nguyễn Tiến Minh nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn với Tiền Phong.

Quan ngại vùng nhận dạng phòng không

Tuy tình hình biển Đông thời gian qua có nhiều diễn biến tốt, các quan chức ngoại giao của Việt Nam và chuyên gia nghiên cứu về khu vực đều cho rằng, tình hình biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. 

Trước vấn đề Trung Quốc gần đây tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, ông Termsak cho rằng, có thể Trung Quốc sẽ tuyên bố ADIZ trên biển Đông.

Bình luận về nguy cơ này, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh khẳng định, điều quan trọng nhất đối với Việt Nam và ASEAN là một khu vực biển Đông hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải.

Những tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp về lãnh thổ, phải được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Đây là điều quan trọng nhất mà Việt Nam sẽ cùng ASEAN tiếp tục thúc đẩy.

Ngoài ra, biển Đông vẫn có nguy cơ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác, như va chạm tàu cá, hoạt động của tàu hải giám… Để xử lý những tình huống này, ông Nguyễn Tiến Minh khẳng định, ASEAN sẽ tiếp tục duy trì phương cách của mình từ trước đến nay là tăng cường đối thoại để giải quyết vấn đề.

GS Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á ở Học viện Quốc phòng Úc, nói với Tiền Phong rằng, ASEAN nên duy trì một mặt trận thống nhất đằng sau COC.

Trong vấn đề biển Đông, Việt Nam duy trì cách tiếp cận đúng đắn, mềm dẻo, đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên. Đây là cách tiếp cận có tình, có lý, nên được ASEAN, các nước liên quan và bạn bè trên thế giới ủng hộ mạnh mẽ.

MỚI - NÓNG