Thế là nàng đã mang thai!

Chàng voi Y Mâm bắt đầu tỏ tình với nàng voi Pắk Nang.
Chàng voi Y Mâm bắt đầu tỏ tình với nàng voi Pắk Nang.
TP - Kết quả siêu âm cho thấy nàng voi Ban Nang dự sinh vào cuối thu năm 2017, quả là đại hỷ cho tất cả những người yêu voi, mong muốn đàn voi nhà Đắk Lắk sinh sôi phát triển. Đã hơn 30 năm, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không thấy voi con nào chào đời từ những nàng voi nhà đang dần qua tuổi làm mẹ ...

Quyền được yêu... cho voi

Tròn năm trước, một chiều xuân hào phóng nắng gió như tiết xuân này, chúng tôi may mắn chứng kiến toàn cảnh cuộc bố trí ghép đôi cho hai anh ả voi nhà ở khoảnh ruộng lúa mới gặt dưới chân đồi Biệt điện điệp trùng cây lá. Kết quả của chuyến đi, là ký sự “ Mùa voi yêu” đăng trên Tiền Phong ấn phẩm đặc biệt Xuân Bính Thân.

Đôi “tình tượng” được chủ voi ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để có thể mạnh dạn tỏ tình, là chàng voi đực Y Mâm tuổi trạc tứ tuần có cặp ngà cân đối to tròn, thuộc sở hữu của vợ chồng ông Đàng Năng Long, nhà ở thị trấn Liên Sơn soi bóng xuống hồ Lắk, và nàng voi cái dịu dàng 37 tuổi của gia tộc Ama Mứ buôn M’Liêng. Tên của nàng voi gọi theo các quản tượng M’Nông hay Lào, dù là  Păk Nang, Bok Nang hay Ban Nang, cũng đều mang nghĩa cưng chiều, gần gũi, hàm ý khen đây là nàng voi đẹp.

Điểm hẹn hò cho đôi voi khá trống trải, nên mọi khách vãng lai đều phải vòng lối khác, không ai được lại gần, vừa để tránh nạn voi động tình nổi xung giẫm đạp, vừa để chàng và nàng được thoải mái tán tỉnh, yêu đương. Mấy tháng sau, đôi bên “thông gia” phát hiện bộ vú Ban Nang bắt đầu to mọng, căng đầy, lập tức báo tin cho Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk cử chuyên gia tới thăm khám.

Nhận được tin báo từ huyện Lắk, nhóm chuyên gia lập tức mang máy siêu âm về tận nơi. Tiến sĩ Willem Schaftenaar nguyên trưởng phòng Thú y vườn thú Rotterdam-Hà Lan đảm trách việc luồn máy siêu âm vào sâu hàng mét từ đường hậu môn vào bụng Ban Nang. Vì độ tuổi sinh con đầu lòng tốt nhất của loài voi được xác định là từ 7 đến 12, nên kết quả chiếu chụp, phân tích máu và nội tạng của nàng Ban Nang sắp già được xem xét rất cẩn trọng kỹ lưỡng. Sau đó ông Willem mới vui sướng khẳng định: Ban Nang sắp có ... em bé , dự sinh vào khoảng tháng 10 năm 2017 !

Kiên trì mai mối cho... voi

Quá nửa đời gắn với nghề chữa bệnh cho voi ở nhiều nước châu Phi, châu Âu, châu Á, tiến sĩ Willem Schaftenaar hiểu rất rõ nhiều rủi ro có thể xảy ra trong quá trình voi sinh sản. Cách đây chưa lâu, ông từng tham gia gây mê đứng suốt 11 giờ cho một con voi mẹ mang bào thai chết lưu đã 13 tháng tại Hà Lan. Để có thể đưa hài nhi voi nặng gần một tạ ra khỏi bụng mẹ, các phẫu thuật viên đã phải cắt xác voi con thành nhiều mảnh nhỏ, tới 2 năm sau vết mổ trên da thịt mẹ voi mới lành. Vậy nên, khi không thuyết phục được gia tộc Ama Mứ cho chuyển thai tượng Ban Nang về vùng rừng có Trạm cứu hộ Voi Buôn Đôn để tiện bề theo dõi, Trung tâm Bảo tồn Voi đành dung hòa bằng cách thường xuyên liên lạc, và hàng tuần cử cán bộ chạy xe hơn 100 km đi về, vào Lắk vượt hồ băng rừng tới thăm thai tượng Ban Nang.

Cuối năm 2015, cậu ruột của ông Long là ông Nguyễn Thanh Bình đang đứng dưới hào sâu giữa đồng bỗng nghe tiếng cây lá lay chuyển dữ dội như gặp giông bão. Ngẩng lên, ông Bình phát hiện đôi tình tượng là chàng voi Thong Răng đang tựa vào gốc kơ nia cổ thụ giao phối dữ dội với nàng voi Păk Khăm. Loài cổ thụ vốn khỏe mạnh vững chãi, trong cơn yêu điên cuồng của đôi voi dũng mãnh như muốn bật cả gốc. Toàn cảnh cuộc làm tình cực kỳ hiếm thấy của loài vật thông minh, kín đáo này đã được ông Bình nín thở quay cả một đoạn phim khá dài bằng điện thoại. Thế mà sau đó, Pắk Khăm vẫn chả có dấu hiệu chửa đẻ gì ! 

Thế là nàng đã mang thai! ảnh 1

Voi đực Y Khun đang kỳ động tình với vết dịch chảy dài vừa ăn hết một buồng chuối chín.

Là chủ nhân của cả 7 con voi nhà, đồng thời còn liên kết với hàng chục chủ voi khác để tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc, điều hành dịch vụ du lịch, ông Đàng Năng Long đã giành hàng chục năm cố gắng ghép cặp cho nhiều đôi voi. Nhiều chủ voi né việc này, vừa vì không muốn mất thu nhập từ dịch vụ du lịch trong suốt hơn 3 năm voi cái mang bầu và chăm sóc voi con, vừa sợ trong quá trình giao phối, lỡ voi đực thô bạo làm voi cái bị thương hay qua đời, sẽ bị chủ voi cái phạt vạ rất nặng. Để cổ vũ họ, ông Long tuyên bố sẵn sàng trao thưởng 100 triệu đồng cho bất cứ chủ voi nào se duyên được cho voi nhà mang thai. Khi phát hiện voi đực Y Mâm nhà mình với voi cái Ban Nang có dấu hiệu tình ý, ông Long sang đặt vấn đề “cho đôi trẻ cưới nhau”. Chủ voi Ban Nang ngần ngại e dè, ông Long phải cam kết sẽ lấy voi cái nhà mình đền cho Ama Mứ,  nếu chẳng may Ban Nang tổn thương khi Y Mâm “xung trận”.

Trước tết Nguyên đán Đinh Dậu, ông Long mời đại diện báo Tiền Phong về dự lễ cúng sức khỏe cho đàn voi nhà, chia vui về thai tượng đầu tiên sau 10 năm ông kiên trì mai mối, và chỉ cho chúng tôi thấy đang có thêm chàng voi Y Khun động tình với vết dịch hăng nồng ứa dài từ lỗ hở giữa tai và mắt. Thích thú chứng kiến nghi lễ đặc biệt, anh Morten Bak du khách người Đan Mạch nói anh đã đến nhiều nước có voi trên thế giới, chưa từng được thấy ở đâu có cảnh cúng voi độc đáo như thế này !

Gói hỗ trợ đáng kể cho mỗi bé voi

Theo thống kê của Trung tâm bảo tồn Voi Ðắk Lắk, hiện đàn voi nhà Ðắk Lắk chỉ còn 44 con, gồm 25 voi cái và 19 voi đực. Năm 2016 Trung tâm lấy mẫu máu, huyết thanh từ số voi chưa già đi xét nghiệm để xác định chu kỳ động dục và khả năng sinh sản của voi. Kết quả cho thấy có 8 cá thể voi cái thuộc chương trình nghiên cứu sinh sản trên voi nhà còn đủ khả năng làm mẹ. Trong đó, Ban Nang là trường hợp voi nhà đầu tiên tại Việt Nam được xác nhận mang thai trong hơn ba mươi năm trở lại đây.

Các số liệu công bố tại Hội thảo Quản lý voi Việt Nam diễn ra giữa tháng 1/2017 tại Buôn Ma Thuột, do 5 đơn vị đồng tham gia tổ chức, gồm Tổ chức Động vật Châu Á, Tổ chức Chăm sóc voi Quốc tế, Tổ chức Phúc lợi động vật hoang dã, Vườn thú North Carolina và Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk phối hợp, cho thấy số voi nhà nước ta còn quá ít ỏi, chỉ bằng một phần trăm so với Thái Lan, đất nước có tổng đàn voi đã thuần dưỡng lớn nhất thế giới. Riêng tỉnh Chieng Mai có tới 803 cá thể voi đang được, hoặc ... bị nuôi nhốt. Bà Surendra Varma- Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Châu Á cho biết: bình quân cứ mỗi con voi phục vụ trong ngành du lịch Thái Lan đem lại lợi nhuận cỡ 57.000 USD, tức khoảng 1,2 tỷ đồng/năm.

Quan điểm chung của hầu hết những người yêu chuộng và bảo vệ động vật hoang dã, là cần sớm chấm dứt các hoạt động mang tính bạo hành, ngược đãi voi. Còn đối với số voi đã thuần dưỡng, vì nhiều lý do khác nhau không thể trả lại cho rừng, thì cần thúc đẩy Chính phủ các nước quan tâm bảo vệ, gia tăng chế độ phúc lợi, nuôi dưỡng chăm sóc.

Thế là nàng đã mang thai! ảnh 2

5 thớt voi cùng dự lễ cúng.

Ở nước ta, đây không phải là vấn đề mới. Luật Bảo vệ và phát triển rừng do Quốc hội thông qua  từ tháng 12/2004 và Nghị định số 32 tháng 3/2006 của Chính phủ đã có các quy định về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Tiếp theo, tháng 7/2012 Thủ tướng ra Quyết định số 940 phê duyệt kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn Voi. Trên cơ sở đó, tháng 12/2012 Hội đồng Nhân dân tỉnh Ðắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 78, quy định cụ thể chính sách hỗ trợ Voi nhà sinh sản.

 Theo đó, các chủ voi tự nguyện đưa voi vào khu chăn thả, để chúng có cơ hội gặp gỡ giao phối sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí từ 200-600 nghìn đồng/ngày, tùy thời kỳ voi động dục, mang thai, trước hoặc sau sinh, voi đực hoặc voi cái ... Tháng 5/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Ðắk Lắk ban hành thêm quyết định cụ thể hóa trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách về bảo tồn voi trên địa bàn. Nhẩm tính, mỗi voi mẹ khi hạ sinh voi con, chủ voi sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ từ Nhà nước hơn 400 triệu đồng.

Tôi hỏi Ama Mứ có nghe gì về khoản tiền lớn sẽ nhận được, nếu Ban Nang sinh hạ “mẹ tròn con vuông” chưa ? Ama Mứ cười hiền lành, lắc đầu. Ông Nguyễn Công Chung phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk xác nhận: Năm 2016 nguồn kinh phí được phê duyệt cho Dự án Bảo tồn Voi rót về chưa đủ để chi trả cho các bên liên quan hợp tác giúp voi sinh sản. Dự kiến trong năm 2017, những chủ voi tham gia chương trình sẽ được truy lĩnh đủ các khoản hỗ trợ để chăm voi cho tốt, theo các chính sách đã được công bố, ban hành.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.