Thi hoa hậu trong động Thiên Đường: Chưa có quyết định chính thức

Tham quan động Thiên Đường (Quảng Bình). Ảnh: Hồng Vĩnh
Tham quan động Thiên Đường (Quảng Bình). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Mấy ngày gần đây, thông tin một phần cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2017 sẽ được tổ chức trong lòng hang động Thiên Đường, thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) khiến dư luận sôi sục bởi hai luồng ý kiến: nên hay không nên.

Thông tin cuộc thi trang phục dân tộc của Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2017 sẽ được tổ chức trong lòng hang động Thiên Đường vào tháng 10 khiến các nhà khoa học, nhà bảo tồn và không ít người dân lo lắng sẽ có tác động xấu cho một “thiên đường trong lòng đất”, thậm chí có ý kiến phản đối quyết liệt.

BTC muốn có màn trình diễn chưa từng có

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Hùng Phi, Chủ tịch Hội Di sản Quảng Bình, cho biết, ông đã nghe nhiều luồng thông tin liên quan đến sự kiện này. Theo ông Phi, ý tưởng tổ chức Festival hang động Quảng Bình được ông khởi xướng từ thời ông làm Giám đốc Sở Văn hóa Quảng Bình. Và Festival đầu tiên đã được tổ chức trong lòng hang động Thiên Đường vào năm 2011, để lại nhiều ấn tượng đối với du khách trong nước và quốc tế. Điều đáng nói, nhờ sự tính toán kỹ lưỡng về mặt khoa học, nên Festival với khoảng 300 người tham gia đã không tác động xấu đến các giá trị của động Thiên Đường.

Đối với ý tưởng thi trang phục truyền thống của Hoa hậu Hòa bình Quốc tế lần này, ông Phi cho rằng không nhất thiết phải tổ chức trong lòng động Thiên Đường. Bởi Quảng Bình có nhiều cảnh đẹp, cơ sở hạ tầng để cuộc thi diễn ra ấn tượng và thành công. Nếu tổ chức cuộc thi trong lòng hang sẽ hạn chế lượng người xem, ảnh hưởng đến nguồn thu của nhà tổ chức. Đặc biệt, nếu quyết định thi trong lòng hang, tỉnh Quảng Bình cần tính toán kỹ lưỡng, đồng thời mời các chuyên gia về hang động, chuyên gia về bảo tồn di sản để tham vấn, nhằm giảm thiểu những tác động xấu lên động Thiên Đường.

“Về mặt di sản, động Thiên Đường không phải nằm trong vùng lõi, buộc phải bảo vệ nghiêm ngặt của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. Tập đoàn Trường Thịnh đang được giao khai thác du lịch, có ngày cao điểm động Thiên Đường đón hơn 10.000 khách, thì việc vài trăm người tham gia cuộc thi ở đây không đến mức nghiêm trọng như nhiều người đang nghĩ. Đương nhiên cuộc thi phải tiết chế về mặt âm thanh, ánh sáng, vì hang động rất nhạy cảm với những thứ này” - ông Phi nói.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Một phần cuộc thi của Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2017 sẽ được tổ chức trong lòng hang động Thiên Đường mới chỉ là ý tưởng, cho đến nay, phía Ban tổ chức và tỉnh Quảng Bình chưa có quyết định chính thức. Tuy nhiên, phía Ban tổ chức rất mong muốn được thi trong lòng hang động Thiên Đường, bởi họ muốn có một màn trình diễn độc đáo chưa từng có trong các cuộc thi sắc đẹp của thế giới từ trước đến nay.

Ông Dũng nói: “Hơn ai hết Quảng Bình chúng tôi hiểu những giá trị vô giá mà Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng mang lại. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị vô giá đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của Quảng Bình. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp, phản biện của tất cả mọi người. Thi hay không thi hoa hậu trong lòng hang động Thiên Đường đến nay chúng tôi vẫn chưa quyết định”.

Đi ngược cam kết

Thi hoa hậu trong động Thiên Đường: Chưa có quyết định chính thức ảnh 1

Vẻ đẹp hiếm có của động Thiên Đường

PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, cho rằng ý tưởng tổ chức cuộc thi nhan sắc tôn vinh cái đẹp đáng khuyến khích, tuy nhiên cách thực tổ chức mới là điều đáng bàn. “Quảng Bình định tổ chức trình diễn thi trang phục dân tộc trong động Thiên Đường, tôi nghĩ nó không hiệu quả như người ta nghĩ. Chúng ta có thể không để ý nhưng các nước phát triển họ nhìn nhận hành động đó dưới góc độ khác. Việc tập trung trong hang động để tổ chức cuộc thi với những tác động mạnh đến giá trị đã được khẳng định toàn cầu là đi ngược lại cam kết của Việt Nam khi UNESCO ghi danh di sản thế giới. Tôi nghĩ UNESCO không tán thành ý tưởng này, hơn nữa không nhất thiết phải lấy một hoạt động như thế để tôn vinh giá trị di sản bởi bản thân giá trị ấy được công nhận và tôn vinh rồi”, PGS.TS Phạm Trung Lương nói.

Với tư cách chuyên gia nghiên cứu phát triển du lịch, ông không tán thành kiểu làm du lịch bằng mọi giá. Các chuyên gia văn hoá, di sản và du lịch đều cho rằng khai thác khía cạnh kinh tế ở di sản phải dựa trên sản phẩm hấp dẫn, đặc sắc và độc đáo song hành bảo tồn giá trị đó. “Giá trị di sản là nguồn sống cho du lịch, nếu khai thác một cách thiếu căn cứ khoa học sẽ không bền vững, đi ngược lại tôn chỉ. Chúng ta có nhiều bài học nhỡn tiền như cách làm du lịch của Hạ Long”, PGS.TS Lương  nói.

Động Thiên Đường có chiều dài hơn 31,4 km, chiều rộng dao động từ 30 đến 100m, nơi rộng nhất lên đến 150m, chiều cao từ đáy động lên đến trần động khoảng 60-80m, có niên đại hình thành từ 350 đến 400 triệu năm. Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đánh giá Thiên Đường là hang động khô dài nhất châu Á, một trong những hang động kỳ vĩ nhất mà đoàn từng khảo sát.

MỚI - NÓNG