Thị trấn chỉ toàn nghệ sĩ

Pho tượng do Nhạc Mẫn Quân tặng cho làng.
Pho tượng do Nhạc Mẫn Quân tặng cho làng.
TP - Họa sĩ Trần Đại Thắng đã trải qua một quá trình từ trình bày bìa sách, làm sách, mở nhà sách và đến giờ là mở gallery tranh, nhưng dù là nghề nào thì các công việc của anh cũng đều liên quan tới niềm đam mê lớn là mỹ thuật. Sau khi mở gallery, anh đã có chuyến ngao du tìm hiểu thị trường tranh ở các nước mà anh gọi vui là “80 ngày vòng quanh thị trường nghệ thuật”. Xin giới thiệu một bài trong loạt du ký này.

“Đừng mua tranh của tôi…”

Từ ga Jang Tai chúng tôi đổi hai tuyến tàu điện ngầm, đi tiếp taxi đen khoảng ba mươi phút thì đến một cái làng nằm trong thị trấn Tống Trang. Không như tôi hình dung rằng làng nghệ sĩ thì chắc là những xưởng vẽ mở và dễ dàng vào tìm gặp chủ nhân. Trong làng mỗi ngôi nhà đều tường cao kín bưng, kiểu dạng nhà phố có sân vườn, cái nào cửa cũng đóng im ỉm, định gõ cửa một căn thì mấy con chó ngao xồ ra sủa ầm ĩ. Loanh quanh một hồi, tôi đành hỏi mấy thanh niên lái xe đậu trước cửa một căn nhà có đề chữ gallery. “Đây là phòng tranh nhưng hôm nay không mở cửa”, một người trả lời.

Từ đường nọ sang đường kia khá xa mà các nhà đều đóng cửa, chúng tôi cũng hơi chán định bắt xe ra khu khác thì Huệ nhìn thấy trong một ngõ nhỏ có cánh cổng một ngôi nhà đang mở. Mừng quá chúng tôi liền đi tới gõ cửa. Trong nhà có một họa sĩ cởi trần mặc quần soóc đang vẽ dở một bức chân dung. Ông ta buông bút, mở cửa, mời chúng tôi vào nhà. Thời tiết Bắc Kinh lúc này rất nóng và khó chịu vì không khí bị ô nhiễm nặng, vậy mà phòng ông ta vẽ không hề có điều hòa, quạt cũng không bật, không biết có phải vì quá say sưa vẽ hay cố tình khổ luyện. Họa sĩ tên là Dương Đào, tác giả của loạt tranh sơn dầu màu và đen trắng múa balê, bức diễn viên sân khấu chào mừng Olympic 2008 của ông khổ 3m x 6m bán được 1 triệu tệ, ông ta được biết tiếng từ lúc đó.

Thị trấn chỉ toàn nghệ sĩ ảnh 1 Xưởng vẽ của họa sĩ trẻ Hàn Vũ Lương.

Nói chuyện một hồi về tranh pháo, Dương Đào biết ý định của tôi là muốn đến tham quan nơi làm việc của các họa sĩ nên rất nhiệt tình dẫn chúng tôi đến giới thiệu cho một người bạn của mình. Ông này đầu trọc lốc, tên Vương Cường. Ông Vương năm mươi lăm tuổi là cố vấn cho hội đồng nghệ thuật Tống Trang. Nhà Vương Cường có vẻ khá địa chủ. Xưởng làm việc rộng chừng 300m2. Có giá vẽ nhưng không thấy bức tranh vẽ dở nào, dưới nền là tác phẩm sắp đặt ba cái xe đạp bẹp rúm. Trên tường treo loạt tranh sơn dầu khỏa thân nằm trong áo khoác. Rất ấn tượng.

Chúng tôi ngó nghiêng chụp vài bức ảnh xong được ông Vương mời lên nhà trên pha ấm trà nói chuyện. “Hiện nay tôi không vẽ nữa”. “Vì sao thế?”. “Chán. Thỉnh thoảng tôi viết thư pháp và phệt mấy cái quốc họa nhỏ cho vui”. “Bức cô gái trong áo khoác thì ông bán bao nhiêu?”. “Đừng mua tranh của tôi. Khó treo. Vẽ lâu rồi. Giá thì cao, mấy chục vạn một bức”. Vương Cường tỉnh queo nói. Uống trà xong Dương Đào gọi điện cho chủ gallery ở làng bên cạnh lái xe sang đón chúng tôi đến thăm. Ông này dáng cao lớn, nói năng rất hào sảng “Người ta hay gọi tôi là Đại Tào”. Đánh xe vào cổng, Đại Tào dẫn chúng tôi vào phòng khách, phòng này nhìn như nhà hàng, quầy bar trên giá sắp đầy các loại rượu bia. Ông nói phục vụ pha cà phê latte mời chúng tôi, cốc vại to như cốc bia hơi, nhưng pha rất sành điệu. Uống ngon.

“Gallery bây giờ phải đầu tư, có chỗ cho khách đến cà phê nói chuyện, chứ không chỉ đến xem và mua tranh. Làm gallery phải biết chấp nhận, có khi cả năm mới có một vài người khách sưu tập”. “Các họa sĩ ở đây hợp tác với phòng tranh như thế nào?”. “Gallery thường ký hợp đồng độc quyền với họa sĩ thời gian năm năm. Hai năm đầu quảng cáo, giới thiệu để công chúng biết, ba năm sau mới bắt đầu bán được”.”Thế họa sĩ có tuân thủ hợp đồng không?”. “Thường là không. Gặp khách họa sĩ vẫn bán. Thậm chí bán còn nhiều hơn gallery, không như ở châu Âu khách đến mua tranh thì họa sĩ sẽ chỉ đến gallery”. “Thế thì gallery toi?”. “Gallery vẫn tồn tại vì những khi tham gia hội chợ, triển lãm, quảng bá, họa sĩ vẫn cần sự hợp tác hai bên”.

Thị trấn chỉ toàn nghệ sĩ ảnh 2 Tống Trang – một góc trong thị trấn.

Họa sĩ giỏi thì kín đáo

Nói chuyện một lúc với Đại Tào thì cũng đã quá trưa, chúng tôi sang một nhà hàng bên cạnh ăn trưa, sau đó Dương Đào bắt taxi đưa chúng tôi đến Trung tâm xúc tiến nghệ thuật Tống Trang ở giữa thị trấn. Ở đây ông giới thiệu Lý Hách, một thanh niên khoảng ba mươi tuổi phụ trách trung tâm.

Lý Hách dáng thư sinh nho nhã, đeo kính trắng, tôi đang định hỏi thì Lý Hách nói để anh ta giới thiệu về Tống Trang đã. “Tống Trang là thị trấn ngoại thành Bắc Kinh có 47 làng với gần 20.000 văn nghệ sĩ, trong đó có 10.000 là họa sĩ và nhà điêu khắc (có đủ họa sĩ đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật, Hàn, Iran, Indonesia, Somalia...). Làng Tiểu Bảo trung tâm sát quảng trường văn hóa có 4.000 dân thì 3.000 là nghệ sĩ, 1.000 người còn lại là dân làng sống chủ yếu bằng việc bán đất và cho dân nghệ thuật thuê nhà. 90% nghệ sĩ ở đây là nam giới... Đặc biệt Bảo tàng mỹ thuật Tống Trang là do người dân góp tiền xây dựng để triển lãm và lưu giữ tác phẩm của các họa sĩ trong thị trấn sáng tác”.

Nghe giới thiệu xong, chúng tôi nhờ Lý Hách dẫn đi đến thăm nhà các họa sĩ nổi tiếng của thị trấn. Đi ngang qua mấy ngôi nhà mặt phố, có dán pano in hình quảng cáo triển lãm của các họa sĩ có vẻ rất oách, Lý Hách nói: “Các nhà hoành tráng treo quảng cáo như này toàn là vớ vẩn. Những họa sĩ làm tốt thì họ rất kín đáo”. Chúng tôi đến thăm nhà Nhạc Mẫn Quân họa sĩ đương đại rất nổi tiếng của Trung Quốc, nhưng nhà của ông nhìn bề ngoài rất khó nhận biết, chỉ những người làm quản lý và hàng xóm gần quanh mới rõ. Nhạc Mẫn Quân có tranh bán triệu đô, tranh của ông là những người có bộ mặt lúc nào miệng cũng cười ngoác, đầy răng là răng. Họa sĩ này tặng cho làng bức tượng người cười đặt trên một cái bệ cao giữa làng, xung quanh cảnh quan rất đẹp để khách tham quan đến tha hồ chụp ảnh và selfie.

Ngoài Nhạc Mẫn Quân, trong thị trấn còn có những nghệ sĩ nổi tiếng từng sống và làm việc ở đây như Ngải Vị Vị, Lưu Hiểu Đông... Phương Lập Quân cũng là họa sĩ trong top đầu của Trung Quốc làm việc tại ngôi làng này. Tôi đến nhà thì được biết ông đang đi vắng, hai ngày nữa mới về lại. Lập Quân có hai khu nhà cạnh nhau, khu trước tường cao phải đến chục mét, kín bưng. Nhà sau bề ngoài xây theo kiểu nửa châu Âu đang là xu thế kiến trúc ở làng, có khoảng sân rộng trước nhà. Dạo trước Phương Lập Quân làm xưởng vẽ tại đây, bây giờ nhiều nhà quá nên cho người bạn là nhà phê bình mỹ thuật mượn làm nơi trưng bày tác phẩm.

Thị trấn chỉ toàn nghệ sĩ ảnh 3 Lý Hách: “Để tôi giới thiệu về Tống Trang đã”.

Đến đây Lý Hách điện thoại cho Lý Trị, một họa sĩ trẻ tốt nghiệp Học viện mỹ thuật trung ương Bắc Kinh là họa sĩ tiêu biểu cho thế hệ mới của Tống Trang. Lý Trị đón chúng tôi đưa đến studio cách Tiểu Bảo chừng 5 km, ngang đường có ghé qua phòng vẽ của Hàn Vũ Lương, một họa sĩ trẻ mà tôi chọn trong tập catalogue Lý Hách giới thiệu khi ở trung tâm.

“Các họa sĩ ở đây chắc có cuộc sống tốt?” trên đường về lại văn phòng Trung tâm xúc tiến nghệ thuật Tống Trang, tôi hỏi. “Ở đây có 10.000 nghệ sĩ về mỹ thuật thì khoảng 10 người được như Phương Lập Quân. 100 người được như Vương Cường, còn lại cũng chỉ đủ sống tàm tạm. Nghệ sĩ nổi tiếng để đi đến sự thành công cũng phải trải qua một quá trình lao động kiên trì, nghiêm túc và cực nhọc chứ không hẳn là một con đường được trải bằng thảm đỏ”, Lý Hách trả lời.

MỚI - NÓNG