Thiệt đủ đường

Thiệt đủ đường
TP - Một thực tế nhức nhối là ở nước ta, không năm nào là không có người chết vì tai nạn lao động. Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, cướp đi sinh mạng của hàng trăm lao động nghèo. Theo thống kê, nước ta hiện có 54 triệu người trong độ tuổi lao động. 

Trong đó, chỉ có khoảng 15 triệu người có quan hệ lao động (có hợp đồng lao động, được hưởng đầy đủ các phúc lợi xã hội từ BHXH, BHYT, BHTN...); Trong số 39 triệu người lao động còn lại, vẫn còn tới hơn 10 triệu người lao động tự do.

 

Vậy lao động tự do họ là ai? Ai phải chăm lo, bảo vệ họ? So với lao động khu vực chính thức, lao động tự do thiệt thòi đủ đường. Ngoài việc không được hưởng các chế độ an sinh phúc lợi, họ còn không được các chủ sử dụng thực hiện các quy định về pháp luật lao động.

Với lao động tự do, việc được xây dựng các kế hoạch bảo hộ lao động, được tổ chức huấn luyện an toàn lao động, được khám sức khỏe định kỳ… là những thứ quá xa vời. Đó là chưa kể, vì mưu sinh, họ còn phải làm nhiều công việc nặng nhọc, độc hại. Thậm chí, biết tính mạng bị đe dọa nhưng vẫn cắn răng chấp nhận mạo hiểm chỉ để kiếm miếng cơm, manh áo. Đã thế, khi sự cố tai nạn lao động xảy ra, gần như không có một cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm vì họ không có hợp đồng, không nộp bảo hiểm. 

Thực tế, những năm gần đây, chúng ta cũng đã thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và BHYT để giúp người lao động tự do, thu nhập thấp và không ổn định có cơ hội được hưởng lương hưu dựa trên nguyên tắc có đóng, có hưởng. Tuy nhiên, số lao động tự do tham gia đóng bảo hiểm rất ít. Cả nước chỉ có 0,19% số lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện và BHYT. 

Lý do chính là do thu nhập của lao động trong khu vực này thấp, công việc không ổn định, trong khi thời gian tham gia đóng BHXH lại quá dài. Làm thế nào để lao động tự do biết và tham gia các loại hình bảo hiểm? Nhà nước có chính sách gì để hỗ trợ họ khi thu nhập quá bấp bênh? Khi tai nạn xảy ra, ai sẽ đứng ra bảo vệ họ?... Xem ra, đó là những câu hỏi cần sớm có câu trả lời. 

Hy vọng rằng, khi Luật An toàn vệ sinh lao động ra đời, người lao động tự do sẽ được tham gia Bảo hiểm tai nạn lao động. Đồng thời, sẽ có các tổ chức đứng ra đại diện, bảo vệ quyền lợi cho họ, để họ tự tin vươn lên trong cuộc sống và không phải chịu cảnh thiệt đủ đường như hiện nay mỗi khi không may gặp nạn.


MỚI - NÓNG