Thợ lành nghề được 'trả lương ngàn đô'

Thợ lành nghề được 'trả lương ngàn đô'
TP - Ngày 30/6, tại TPHCM, Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức tọa đàm hướng nghiệp, cung ứng nguồn nhân lực giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong khuôn khổ Hội chợ việc làm năm 2015 thuộc Dự án tăng cường kỹ năng nghề của Bộ LĐ-TB&XH.

Đại diện doanh nghiệp chuyên cung ứng nhân lực cho các dự án dầu khí, ông Đào Trung Kiên - Cty TNHH Minh Việt (TP Vũng Tàu) - nêu quan điểm, trong bối cảnh các nước Âu, Mỹ ngày càng chuyển sản xuất ra nước ngoài, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang rất cần lao động tốt nghiệp từ các trường nghề được đào tạo thật chuyên sâu. “Một thợ hàn có chứng chỉ quốc tế, sử dụng được các công nghệ hàn khác nhau, trên các chất liệu khác nhau, hoặc một thợ vận hành máy tàu thủy có thể giao tiếp tốt tiếng Anh v.v… hiện nay là rất hiếm”, ông Kiên nói.

Theo ông, mỗi năm có hàng nghìn cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp các trường đại học nhưng trình độ không đáp ứng được yêu cầu công việc là một sự lãng phí lớn. “Thực tế làm việc cung ứng lao động cho tôi thấy, nhiều cử nhân, kỹ sư học đại học theo mốt, ra trường thất nghiệp… thật lãng phí. Trong khi đó, hiện có không ít thợ lành nghề được trả lương cả nghìn USD/tháng”, ông nói.

Ông Trần Văn Tiến - hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Hàng hải TPHCM - cho biết, từ khi tham gia Dự án tăng cường kỹ năng nghề của Bộ LĐ-TB&XH, thời gian thực hành của học viên tại trường đã tăng lên, chiếm khoảng 70% thời lượng học tập. “Thời gian tới, trường tiếp tục tăng cường mời chuyên gia từ các doanh nghiệp về hướng dẫn thực hành, thậm chí cố vấn chương trình đào tạo. Đồng thời, gửi sinh viên đi thực tế nhiều hơn ngay chính tại các doanh nghiệp. Hy vọng khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động ngày càng xích gần hơn”,
ông nói.

Theo Tổng cục dạy nghề, sắp tới khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, sinh viên các trường nghề ra trường sẽ được ghi trên văn bằng là “kỹ sư thực hành” nếu tốt nghiệp các ngành kỹ thuật và “cử nhân thực hành” nếu tốt nghiệp các chuyên ngành xã hội. Luật mới đã thể hiện sự trân trọng về mặt xã hội đối với các bạn trẻ chọn cho mình con đường học nghề và hiểu rằng “đại học không phải là con đường duy nhất”.

MỚI - NÓNG