Thoát nghèo từ nghề làm cao khô đặc sản

Nhờ có nghề làm cao khô gia đình bà Hoan đã thoát nghèo. Ảnh: Duy Chiến
Nhờ có nghề làm cao khô gia đình bà Hoan đã thoát nghèo. Ảnh: Duy Chiến
TP - Đến vùng sản xuất cao khô Chợ Bãi (xã Yên Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) đúng dịp giỗ tổ Hùng Vương, chúng tôi thấy làng nghề đặc sản của người Tày- Nùng nơi đây thêm phần nhộn nhịp.

Bà Nông Thị Hoan (48 tuổi, dân tộc Nùng Inh), nhà chính giữa khu Chợ Bãi đang rảo tay cuốn những lát cao khô vừa phơi xong, cuộn lại thành bó bằng dây lạt. Bó cao ở đây to, mịn màng và trắng tinh. Bà Hoan cho biết: Cao khô Chợ Bãi là đặc sản nổi tiếng của người xứ Lạng.

Để làm ra mớ cao phải mất 3 ngày kỳ công trong việc chọn lựa kỹ càng, từ loại gạo baothai hạt nhỏ trắng, đều, tròn cho đến các công đoạn giã bằng cối, tráng bánh thủ công, phơi nắng ròng ba tiếng rồi ngâm ủ nước sạch nửa ngày sau đó mới thái mỏng ra từng sợi nhỏ, dài, hóng gió để khô. “Hàng đêm chúng tôi phải thức từ tờ mờ sáng để vo gạo, đun bếp và thực hiện liên tục các công việc làm bánh cao cho đến chiều tối. Nhà tôi có 3 người phụ giúp nhau; người thì tráng bột, người thì thái, người xếp cao vào đầy từng mành để phơi. Mớ cao là sản phẩm tinh hoa của mảnh đất cha ông để lại nên dù vất vả chúng tôi vẫn cố gắng lưu giữ nó”, bà Hoan nói.

Theo bà Hoan, mỗi ngày, gia đình bà sử dụng khoảng 70 kg gạo, tương ứng với trên 500 mớ cao thành phẩm. Hiện nay, ở Chợ Bãi có trên 10 gia đình chuyên làm cao khô bán buôn hoặc bán lẻ. Giá cả lên xuống theo giá gạo bán trên thị trường, nhưng dao động ở mức từ 30.000 đến 35.000 đ/mớ.

Cao khô Chợ Bãi hút khách bởi sản phẩm này không pha chất bảo quản hoặc các loại phụ gia bởi vậy có rất đông khách phương xa từ Hà Nội, Nam Hà, Đắk Lắk, TPHCM...đến đặt mua. Người dân địa phương đi công tác, chơi xa đều lấy cao khô quê nhà để làm quà.

Bí thư đoàn xã Yên Phúc, anh Hoàng Quốc Hưng cho biết, không chỉ những người cao niên mà lực lượng đoàn viên thanh niên quê anh cũng đã phát huy truyền thống quê hương, gia đình để mở rộng mô hình sản xuất. Tổ chức đoàn địa phương phát động phòng trào tuổi trẻ giúp nhau bí quyết làm nghề cũng như hỗ trợ ngày công, vốn, tìm mối tiêu thụ. Nếu như trước đây, các hộ gia đình chủ yếu bán cho các cửa hàng tạp hóa, các quán phở trên địa bàn thì nay đã mở rộng thị trường lên thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, Bắc Sơn, Tràng Định, Lộc Bình và một số tỉnh, thành trong cả nước. Nhờ đó, nhiều nhà đã thoát nghèo, tiến tới làm giàu.

Theo anh Hưng, trong tổng số khoảng 250 hộ dân trên địa bàn, nhiều hộ đã có cuộc sống mới, mua sắm các thiết bị phục vụ cho cuộc sống hàng ngày như: ti vi, tủ lạnh, máy cày. Trong năm 2016, một số gia đình đã đầu tư mua được giàn máy sản xuất cao khô bao gồm máy nghiền, máy tráng và máy thái cao, vì vậy chất lượng cũng như quy mô sản xuất không ngừng được nâng cao. Cũng nhờ món cao đặc sản này, đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đã đổi thay hàng ngày.

MỚI - NÓNG