Thoát nước

Thoát nước
TP - Hà Nội mùa vắng những cơn mưa đã sắp kết thúc, trong khi đó những công trình thoát nước của Thủ đô hãy còn dang dở với rất nhiều vướng mắc đủ để hứa hẹn một trận đại ngập lụt nếu như có đợt mưa to.

Thậm chí, có người bi quan cho rằng, chưa cần mưa to ở mức 600mm của tháng 11 năm 2008, chỉ cần mưa cỡ 100 - 150 mm, Hà Nội cũng đường biến thành sông. Nhận định ấy có đúng hay không  còn phải chờ, nhưng nhìn vào các công trình thoát nước, không khỏi lo âu.

Nếu ví hệ thống thoát nước Hà Nội như huyết mạch, thì huyết mạch đó đang tắc. “Động mạch chủ”  dẫn nước của cả Hà Nội tới trạm bơm Yên Sở để bơm ra sông Hồng đang bị băm nát, đang co thắt bởi bao cát, bê tông, cốt thép của những công trình giao thông.

Nhiều kênh dẫn nước cũng bị thắt lại vì các công trường của ngành giao thông, điện lực và ngay của chính ngành thoát nước. Thật khó hình dung nổi, con kênh thoát nước cho cả một quận Ba Đình và một phần của quận Tây Hồ giờ chỉ rộng một sải tay. 

Một khi huyết mạch bị co thắt, bị tắc nghẽn tất dẫn đến tai biến. Những tai biến của hệ thống thống thoát nước  thường mang lại hậu quả khôn lường như trận Đại hồng thủy tháng 11 năm 2008 đã khiến cả Thủ đô gần như tê liệt.

Thực tế cho thấy: Nếu như một  công trình thoát nước Hà Nội đứng riêng lẻ mà vận hành thì thường rất xuôi chèo mát mái. Nhưng khi những riêng lẻ ấy  hợp lại thành hệ thống để cùng chạy thì lại tắc.

Ở đây có vấn đề trong khâu phối kết hợp, trước hết trong ngành thoát nước Thủ đô. Ai cũng biết rằng, nếu mưa to nhưng trạm bơm Yên Sở bị nghẽn dòng thì quận Hoàn Kiếm sẽ ngập, quận Hoàn Kiếm ngập thì quận Hai Bà Trưng cũng không thể khô ráo...

“Lụt thì lút cả làng”, nhưng từng công đoạn, từng hạng mục, từng khu vực trong hệ thống thoát nước Hà Nội dường như vẫn còn độ vênh, còn tắc, còn  thiếu đồng bộ, thậm chí trống đánh xuôi kèn thổi ngược...

Mặt khác, với câu chuyện thoát nước, nếu tầm nhìn chỉ quanh quẩn mấy quận  nội thành của Hà Nội tất sẽ tắc. Quy hoạch thoát nước phải theo quy hoạch vùng và  theo địa giới hành chính của Hà Nội mới (bao gồm cả Hà Tây cũ).

Nếu nạo vét sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, sông Lừ, Sét cũng không nên quên những con sông đã giúp Hà Nội thoát lũ như sông Đáy, sông Hồng...

Lại tiếp câu chuyện về khả năng kết hợp. Chưa bao giờ sự  kết hợp giữa các ngành thoát nước, điện lực, giao thông, viễn thông lại xung khắc đến mức xâm phạm lẫn nhau như hiện nay. “Bài ca đào đường”  của tất cả các ngành này đều vang lên và dư âm của nó là hệ thống kênh mương, cống thoát nước cùng nhiều thứ khác bị tổn hại.

Hóa ra, ngay cả trong chuyện thoát nước, tiền cũng không phải là tất cả. Dường như, trên tất cả những sự tắc nghẽn của hệ thống thoát nước,  còn tồn tại một sự tắc khác trong cơ chế quản lý, điều hành.

Đường vẫn phải đào, cống vẫn phải xẻ, nhưng huyết mạch không vì thế không thông. Đừng để cho những ai đó bi quan phải thốt lên rằng: tất cả đều thoát, trừ nước.

Lão Tử cho rằng: “Dưới trời mềm yếu không gì bằng nước, thắng được vật cứng không gì bằng nước, không gì đảo lộn cảnh vật hơn nước”.  Ẩn họa của nước đã nhãn tiền. Vậy làm sao cho nước một lối thoát? 

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.