Thời khắc sinh tử của người trở về từ cõi chết

Thời khắc sinh tử của người trở về từ cõi chết
TPO- Qua hơn 6 ngày đêm lênh đênh trên biển bị cơn bão Chanchu rượt đuổi giữa biển khơi xa cách đất liền hơn 600 hải lý, khi chân chạm vào bờ ông Trần Minh Hồng mới biết mình may mắn thoát chết.
Thời khắc sinh tử của người trở về từ cõi chết ảnh 1
18h ngày 24 tháng 5 năm 2006, hai tàu NATS 90345 và tàu NA 90299 chở 42 người thoát nạn trrong cơn bão số 1 đã cập cảng Sông Hàn, thành phố Đà Nẵng trong sự đón tiếp của hàng nghìn cán bộ, nhân dân. ảnh :Chị Trần Thị Thuỷ gặp lại chồng là anh Nguyễn Ngọc Văn, xã Bình Minh huyện Thăng Bình - Quảng Nam. ảnh: Xuân Quang - TTXVN

>> “Nếu chủ quan, tất cả chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi!”
>> Tang thương ngút ngàn nơi xóm chài cửa biển
>>
39 tàu đánh cá với 725 ngư dân đã rơi vào tâm bão
>> Hướng đi của bão Chanchu có bất ngờ ? 
>> Gửi bà Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn TW
>> Bão Chanchu : Sự khác biệt trong dự báo của VN

>> Báo Tiền Phong mở đợt quyên góp ủng hộ nạn nhân

Trong câu chuyện ông kể trong những giờ khắc sinh tử ấy, con tàu mang số hiệu Qna-94709 công suất 160 CV cùng 25 thuyền viên vật lộn với sóng gió tưởng chừng như tuyệt vọng giữa tâm bão ngoài khơi xa…

Sau hai ngày đêm ngủ vùi, ông Hồng mới hồi tỉnh và kể lại câu chuyện sinh tử mà như lời ông tâm sự là hơn 30 năm đi biển đây là lần đầu tiên ông chứng kiến, “Qua bộ đàm từ đất liền và sóng radio báo tin bão,  nhìn máy định vị biết bão đang cận kề khu vực anh em đánh bắt. Tui bàn với anh em chuẩn bị thu thúng và thông báo cho anh em trên các thuyền câu về tàu và chạy tránh bão, lúc đó tui nhớ là vào khoảng 1 giờ sáng ngày 15-5.

Trước khi cơn bão nổi lên, một số tàu  bạn trong khu vực còn liên lạc với nhau và bàn cách tìm đường chạy tránh bão. Đến khoảng gần sáng toàn bộ 15 thuyền viên trên 21 thúng câu đã trở về được tàu. Lúc này sóng gió bắt đầu nổi lên, anh em hội ý chớp nhoáng quyết định vứt bỏ thúng câu và dàn phơi mực trên tàu để chạy. Nhìn lên máy định vị và la bàn, lúc đó xác định tàu đang ở toạ độ 115 độ kinh đông và 19 vĩ độ bắc, cách bờ khoảng 600 hải lý.

Thông tin báo bão từ máy ICOM trên đất liền báo ra và qua sóng radio liên tục cho biết bão đang đổ bộ vào khu vực miền Trung, anh em quyết định cho tàu ngược về hướng Tây thuộc vùng biển Đài Loan 2 độ (khoảng 120 hải lý), nhưng không dám vào gần các hòn đảo vì sợ cướp biển.

Hết đường chạy, anh em quyết định thả dòm (một loại giống như dù được may bằng vải thả xuống biển để giữ thăng bằng cho tàu khỏi bị sóng đánh lật) để chống chọi với bão…Hơn một ngày đêm vật lộn với sóng gió cấp 10-11, cuối cùng anh em cùng con tàu cũng thoát được cơn bão và tìm đường chạy vào đất liền, mất hơn 4 ngày đêm…” ông Trần Minh Hồng nhớ lại.

Còn thuyền trưởng Trần Văn Võng thì nhớ như in cái thời khắc giữa cái sống và cái chết cận kề, căn mắt nhìn lên bản đồ, tai ù đi vì những thông tin báo bão dồn dập phát ra trên máy bộ đàm và sóng radio, anh quyết định cho tàu chạy về hướng Tây, anh bảo: “Tàu tui chỉ gặp may vượt ra khỏi tâm bão, nếu không chắc chừ…”.

Với kinh nghiệm của gần 25 năm đi biển, anh Võng kể lại rằng:” Cái nghề biển giả ni biết đâu mà lần, chết sống cũng chỉ là trời kêu ai nấy dạ, chớ có ai tài giỏi chi mô. Ở ngoài biển khơi xa, bão to sóng lớn bất thường khó mà đoán định được, biết đường mô mà lần…”

Còn ông Huỳnh Ngọc Hiệu (thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh), đi đánh bắt thuê trên một tàu câu mực khơi ngoài Đà Nẵng vừa thoát nạn trở về kể kèm tiếng thở dài khi ngồi nhìn ra biển khơi xa rằng:

“Tàu bà con mình thì nhỏ, công suất yếu, thiết bị trên tàu quá lạc hậu, nghe báo bão thì chạy tránh. Nhưng bão ở ngoài khơi thì thay đổi thất thường, chẳn biết mô mà lần, chỉ cần gặp bão là tàu chìm, mất mạng, làm răng biết trước được…Dù có nhận được tin báo bão liên tục qua bộ đàm, nhưng chủ tàu sợ phí tổn, nên không chạy vào bờ, cứ tìm cách tránh. Nếu tránh không kịp thì chết là cầm chắc. Mà cái nghề biển câu mực khơi ni nó bạc lắm. Nếu ai yếu bóng vía thì khó mà trụ lại với nghề”.

Nhiều ngư dân vừa thoát nạn trở về từ tâm bão, gặp ai cũng đều lắc đầu bảo rằng chuyện sinh nghề tử nghiệp, mình ăn cá, cá ăn mình là chuyện thường, chỉ là may nhờ rủi chịu, không ai dám nói trước được điều chi.

Chúng tôi hỏi ông Hiệu rằng sau chuyến đi biển kinh hoàng này, liệu ông và bạn câu có còn ra khơi nữa không? Ông Hiệu cười buồn bảo nhỏ rằng không ra biển thì biết lấy chi cho mấy chiếc tàu há mồm đang ở trên bờ, mấy chục năm ni sống chết với biển rồi…

Cả buổi chiều lang thang qua những làng chài nhốm màu tang tóc dọc biển xã Bình Minh, nghe tin người mất tích báo về, rồi người sống sót trở về, tất cả người trên bờ ai cũng khóc. Tạt vào nhà ông Hồng, nhờ chiếc máy ICOM đặt nơi góc phòng nhỏ, nơi mà mấy ngày qua bà con cả thôn Bình Tịnh tụ họp từ sáng đến khuya để nghe ngóng tin người thân mình chưa trở về từ biển khơi xa, chúng tôi xin được liên lạc với các tàu đang còn mắc kẹt ngoài khơi xa.

Qua gần một giờ chờ đợi, chiếc loa nhỏ từ máy ICOM phát ra những âm thanh rọt rẹt, tiếng được, tiếng mất. Cuối cùng chúng tôi cũng liên lạc được với  anh Hoàng Hữu Thu - tài công tàu Qna-09027 vào 17 giờ chiều 21-5. Anh Thu cho biết tàu anh đang trên đường vào đất liền. Trên đường chạy vào bờ, tàu vớt được 6 ngư dân là bà con cùng làng đi đánh bắt trên các tàu Đà Nẵng bị chìm trôi dạt trên biển.

Toàn bộ anh em trên tàu đều đuối sức do không ăn uống được. Ngoài khơi gió quá mạnh nên tàu di chuyển rất chậm…Hiện còn hơn chục chiếc tàu đang vừa chạy vào bờ vừa vớt xác những ngư dân trôi dạt. Hầu hết các tàu này đang trong tình trạng thiếu lương thực và cạn dầu, do chạy tránh bão mấy ngày qua.

Rất nhiều người chúng tôi gặp sau chuyến đi biển kinh hoàng vừa trở về đất liền trong mấy ngày qua ở Bình Minh, Bình Hải huyện Thăng Bình. Đa phần họ đi làm thuê cho các chủ tàu ở Đà Nẵng. Khi được hỏi có nhận được tin bão từ đất liền không? Tất cả đều bảo rằng thông tin thời tiết hàng ngày, hàng giờ anh em đều nhận thường xuyên qua máy bộ đàm cầm tay khi thả thúng câu mực.

Thường là những tin báo khẩn cấp được lặp đi lặp lại nhiều lần qua bộ đàm và sóng radio. Nói chung thông tin liên lạc hiện nay từ đất liền với tàu khá thông suốt nhờ hệ thống máy ICOM đặt trên bờ. Chúng tôi hỏi, thế tại sao lại không vào bờ? Tất cả những người chúng tôi gặp đều lắc đầu bảo rằng chuyện đó chủ tàu quyết định, còn anh em không thể quyết được.

Đa phần chủ tàu đều sợ phí tổn, nên nhận tin báo bão thường các chủ tàu rất chủ quan. Nếu bảo đến gần thì cho tàu chạy tránh đường đi của bão khoảng 1 đến 3 độ, đợi đến khi bão tan là tiếp tục thả thúng câu trở lại. Ra khơi mà mỗi lần nghe báo bão chạy vào bờ chỉ có nước bán tàu, xăng dầu tăng giá, có chủ tàu nào dám chạy vào bờ đâu. Trận bão này thiệt hại lớn là do đường đi của bão thay đổi bất thường, nên rất khó tránh.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.