Thời trang Việt: Hoa có đợi mùa

Làm mới phom New Look Dior (thời trang Việt Nam)
Làm mới phom New Look Dior (thời trang Việt Nam)
TP - Dịp cuối năm ở phương Tây người ta thường kể lại truyền thuyết loài hoa hồng Noel: Cô bé chăn cừu nép bên cánh cửa ngó ba nhà thông thái đem những món quà hiếm quí - vàng, nhũ hương, mộc dược - dâng tặng Chúa Hài đồng. Thấy cô thầm than khóc vì chẳng hái được bông hoa nào trong tiết đông giá, một thiên thần mủi lòng phù phép rũ tan tuyết lạnh dưới chân cô, đánh thức những bông hoa cánh trắng ửng hồng bừng nở. Hình ảnh loài hoa hồng cổ này gợi nhớ một nan đề trong sáng tạo: Làm sao khiến hoa nở trái mùa - điều tưởng chừng không thể?

Làm mới cái cũ là sáng tạo

Những bông hồng Noel được coi là biểu tượng thanh khiết và bất diệt của tình yêu. Tình yêu làm nên điều kỳ diệu đêm Giáng sinh, đóa hoa trái mùa quí hơn cả những món quà đắt giá của các nhà hiền triết. Hình ảnh hoa hồng cổ Giáng sinh thường xuất hiện trên trang sách cổ tích, tranh ảnh, đồ trang trí ngày lễ. Và trong những mẫu thêu ren tự cổ chí kim.

Gần đây họa tiết thêu ren hoa hồng cổ và các mẫu hoa cổ khác được dùng nhiều hơn trong thời trang, ngay ở những nhà mốt danh giá như Chanel, Valentino, Giorgio Armani, Fendi và Dolce&Gabbana. Không ít ý kiến cho rằng việc đưa những mẫu cũ vào thiết kế mới này là sao chép chứ không phải sáng tác.

Thực tế, nếu thực hiện nghiêm túc, đây là một công việc tỉ mỉ bao quát tất cả các công đoạn thiết kế và sản xuất- từ vẽ kiểu, cắt rập, chọn chất liệu, lắp ghép, may, ướm thử và dựng. Ở những lĩnh vực khác, điều này có thể gây tranh cãi nhưng riêng trong thời trang thì cả quá trình thêm vào mẫu cũ những giá trị mới, dựa trên cảm hứng và ý tưởng mới về chất liệu, màu sắc và công năng, phải được coi là sáng tạo chân chính. Còn việc làm mới những sản phẩm cũ này thành công hay không là câu chuyện khác- “có cái mới không hay và có cái hay không mới”.

Soi người

Từ khi lịch sử thời trang bước sang kỷ nguyên mới vào những năm 1960 với mini-jupe của Mary Quant, mũ hộp thuốc của Jacqueline Kennedy (trông na ná chiếc bánh kem úp trên đầu) hay bikini của Ursula Andress trong phim James Bond, suốt nửa thế kỷ qua các nhà thiết kế (NTK) “không từ phương cách nào – everything goes”, vượt ra ngoài mọi luật về thời gian, không gian, mùa vụ, xu hướng và chu kỳ để làm ra những sản phẩm mới giá trị.

Ngày nay, thời trang cá nhân hóa cao, sung mãn dồi dào song cũng nhiều phen bên bờ vực cạn kiệt ý tưởng và cảm hứng. Nên vẫn có chuyện các NTK quay lại mốt cũ, lôi đồ cũ trong xó xỉnh ra làm mẫu. Kể cả cây đại thụ Karl Lagerfeld.

Ở nhà Fendi, Karl làm đi làm lại áo váy và phụ kiện lông thú. Với nhà Chanel ông hết thêu lại kết cườm, hết kết cườm lại ren, toàn thứ không mới. Còn ở nhà mốt mang tên mình, ông liên tục làm mới bản thân: hình nộm Karlito cổ quái xuất hiện nhan nhản– in thêu trên áo hay đeo lủng lẳng trên túi. Song để làm những việc tưởng chừng cũ mòn ấy, Karl rất công phu– tự tay vẽ kiểu và giám sát các công đoạn tiếp theo.

Thời trang Việt: Hoa có đợi mùa ảnh 1

 Bomber Jacket Gucci Xuân - Hè 2016

Karl sáng tạo nhưng tiết chế. Ông không làm đồ nam giới bằng ren và lông thú, cẩn trọng khi làm áo Fendi bomber jacket nữ (vốn dành cho phi công từ Thế chiến thứ nhất). Sáng tạo có thể cực đoan và điên rồ, nhất là trong trang phục trình diễn, nhưng cũng tùy cấp độ. Trang phục ứng dụng phải mặc được và bán được, tuy không thực dụng đến độ thảm hại chạy theo thị hiếu rẻ tiền. Thời trang đích thực, theo Karl, phải tiếp cận được khách hàng- truyền cảm hứng, dẫn dắt và thỏa mãn nhu cầu của họ đúng lúc đúng chỗ. Chính vì thế việc làm mới lông thú và thêu ren của Karl đã thay đổi diện mạo của cả lông thú lẫn thêu ren. Đồ lông Fendi ngày nay không còn kệch cỡm khoe của như thời 1920-1950; còn đồ thêu ren kết cườm Chanel không quê mùa già cỗi.

Làm mới lại đồ cũ mang giá trị sáng tạo ở đó. Các NTK tầm cỡ Karl đã biến tình yêu hoa hồng cổ thành tình yêu trang phục cho khách hàng- họ mặc vì yêu bản thân, yêu quần áo mình mặc, không để giữ của. Càng không vì khoa trương. Cả người may và người mặc phải rất yêu thời trang mới hưởng ứng được việc làm mới lại trang phục cũ. Ở đây sáng tạo đã cân bằng giữa trình diễn và ứng dụng.

Thời trang Việt: Hoa có đợi mùa ảnh 2 Đầm Couture Chanel Xuân - Hè 2016 

Các NTK trẻ cấp tiến hơn Karl- “cải cách trang phục” mạnh mẽ hơn: Những John Galliano, Alexander McQueen, Marc Jacobs, Tom Ford, Alexander Wang, và gần đây là Alessandro Michele, Giám đốc Sáng tạo mới của nhà Gucci. Bộ sưu tập của anh được miêu tả mỹ miều là cuộc diễu hành hoài cổ lãng mạn, nôm na là hàng xấp trang phục cũ “lôi ra từ đáy tủ” được tô vẽ lại.

Cuộc tô vẽ ấy, dù mới khởi sự, vẫn đầy nhiệt huyết và đến nơi đến chốn. Chiếc bomber jacket của Michele trở nên nữ tính kỳ lạ. Bomber jacket cùng với quần jeans, quần bồng, áo khoác nhà binh hay đầm corset có gọng đã được làm mới để từ những trang phục “dụng” trở thành những trang phục “diện”, lột xác hoàn toàn. Mốt năm nay.

Ngẫm ta

Thời trang Việt Nam ngày nay có tất cả những món trang phục cũ được làm mới ấy, từ chiếc váy đen nhỏ, áo dài cách tân, áo khoác dạng kimono, rồi đầm thêu hoa họa tiết cổ, gấm vóc len lụa Đông Tây... Cả áo bomber jacket cũng được trưng ở vài boutique. Chỉ cần google “bomber jacket” kèm tên một NTK trẻ, là ra một tràng (nhang nhác Michele) trong chiếc bomber jacket na ná kiểu của Michele, họa tiết có phần ồn ào táo bạo và “Tây” hơn. Chỉ riêng khả năng cập nhật này đã chứng tỏ thời trang Việt Nam có lực. Tuy nhiên mỗi NTK lại có định hướng khác nhau.

Một số NTK đề cao phong cách, thần thái, cá tính, trình độ văn minh của trang phục và người mặc mà không đầu tư vào kỹ thuật thiết kế và sản xuất căn bản. Phái “phong cách” này khá nổi trên truyền thông, song sản phẩm của họ cắt may dựng không chuẩn nên rất khó mặc. Một số khác chỉ quan tâm chăm sóc khách hàng, không chú ý nhiều đến dư luận và báo giới. Quan hệ giữa các NTK “thực dụng” và khách hàng đặc biệt thân tình. Các show thời trang của phái “thực dụng” đơn thuần phô diễn khả năng, và chỉ tập trung vào khách đã và sẽ mua sản phẩm của họ.

Thời trang Việt: Hoa có đợi mùa ảnh 3

 Áo satin thêu hoa hồng cổ và áo corset lông chim (thời trang Việt Nam)

Trong khi phái “phong cách” làm thời trang như cuộc rong chơi tìm cái đẹp thì phái “thực dụng” không mất sức vào những thiết kế độc và lạ dành cho số ít,  đơn giản vì hàng may thửa (theo kiểu haute couture) giá quá cao không phù hợp thị trường trong nước. Cả hai phái đều không đầu tư công nghệ thiết kế và chế tác bài bản, phần vì không chú trọng, phần vì thiếu nguồn lực tài chính.

“Chúng tôi không thể làm khác” - phái “phong cách” và “thực dụng” phản biện - “bởi dù đầu tư đến đâu cũng không cạnh tranh nổi Trung Quốc và Hàn Quốc. Hơn nữa không thể tìm được bí quyết “gia truyền, như của các nghệ nhân thêu ren Pháp hay da Ý để làm được hàng chính phẩm”.

Song làm mới lại trang phục cũ khác copy hàng hiệu và chỉ thực lực mới tạo cơ may thành công. Các NTK kế phái “thực lực” gặp thách thức lớn vì Việt Nam không có truyền thống thời trang lâu đời, không có nguồn thêu ren tinh xảo, kết cườm hay dệt vải cao cấp như ở Ấn Độ và Trung Đông. Cốt lõi là cần tìm ra và tập trung vào thế mạnh của mình– khả năng cập nhật thị trường thế giới nhanh nhạy và thủ công khéo léo.  Có thể nói các nhãn hiệu phái thực lực không nhiều, có thể kể Lê Minh Khoa và Bui Ross. Khoa chỉ chọn may áo cưới và dạ tiệc dù từng làm thành công nhiều trang phục khác. Bui Ross mạo hiểm hơn, làm mới khá nhiều mẫu áo váy thành danh trong quá khứ, thêu hoa chim cây cổ trên ren nhung len lông lụa hảo hạng.

Trang phục Bui Ross sản xuất theo quy trình vẽ rập cắt may dựng chuẩn quốc tế, theo kích cỡ người Việt. Từ chiếc áo dài cổ thêu hạc, chiếc bomber jacket bằng nhung tuyết thêu theo kiểu Ngô Đình Lệ Thủy mặc ở Paris những năm 1965-1967. Có cả kimono và áo bà ba cao cấp. Thách thức lớn cho Bui Ross là giá thành, có dễ được đa số khách hàng tiềm năng chấp nhận hay không. Hy vọng một ngày không xa áo bà ba đẹp như chemise Dior, áo dài lụa đẹp như đầm Chanel của Bui Ross sẽ thành danh trên thế giới.

Và không chỉ Bui Ross, những bông hoa thời trang Việt Nam khác liệu có bừng nở trước cả mùa xuân?

Trong khi phái “phong cách” làm thời trang như cuộc rong chơi tìm cái đẹp thì phái “thực dụng” không mất sức vào những thiết kế độc và lạ dành cho số ít, đơn giản vì hàng may thửa (theo kiểu haute couture) giá quá cao không phù hợp thị trường trong nước. 
MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.