Thủ tướng: Giữ vững hòa bình để phát triển kinh tế

Chiều 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Vườn kiểu mẫu nông nghiệp hiện đại Bát Quế Điền Viên tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây. Ảnh: TTXVN.
Chiều 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Vườn kiểu mẫu nông nghiệp hiện đại Bát Quế Điền Viên tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây. Ảnh: TTXVN.
TP - Ngày 11/9, phát biểu tại Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối giữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Trung Quốc, cùng các nước ASEAN khác mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, giữ vững hòa bình, ổn định, giải quyết khác biệt vì lợi ích của các bên để đảm bảo hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại thông suốt…

Sáng 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ và lãnh đạo các nước ASEAN dự khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 13 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây.

Phát huy vai trò cầu nối ASEAN - Trung Quốc

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ những ưu thế và tiềm năng hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết. Lần đầu tiên trên vai trò “Quốc gia danh dự” của hội chợ, Việt Nam năm nay có hơn 250 gian hàng tại triển lãm, tăng 35% so với năm 2015 và tiếp tục là nước có nhiều gian hàng nhất trong số các nước ASEAN. Thủ tướng cũng giới thiệu về tiềm năng và những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam theo Chiến lược phát triển bền vững trong 5 năm tới, giai đoạn 2016 – 2020, cũng như những quyết tâm của Việt Nam trong việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp có trách nhiệm đối với các vấn đề chung của khu vực và quốc tế.

Thủ tướng chỉ rõ, đến nay, Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do khác, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của các thành viên ASEAN và Trung Quốc; Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong tương lai không xa, quan hệ thương mại tự do giữa Việt Nam với 55 đối tác sẽ được xác lập, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20. Nhờ đó, các doanh nghiệp tham gia hợp tác với Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn trong việc tiếp cận thị trường có quy mô chiếm 2/3 dân số và 3/4 GDP toàn cầu.

Là một thành viên tích cực của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ hợp tác ASEAN - Trung Quốc; sẵn sàng phát huy vai trò cầu nối giữa Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Trung Quốc, cùng các nước ASEAN khác thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên các lĩnh vực, giữ vững hòa bình, ổn định, giải quyết khác biệt vì lợi ích của các bên để đảm bảo các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại được triển khai thông suốt, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ phát biểu, Trung Quốc coi trọng hợp tác cao độ với ASEAN, đồng thời đề xuất những chính sách, định hướng hợp tác thời gian tới. Ông Trương Cao Lệ cũng nhấn mạnh việc tăng cường tin cậy chính trị để tạo cơ sở vững chắc cho việc thúc đẩy hợp tác chung, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, năng lực sản xuất, kết nối nguồn lực, giao lưu nhân dân.

Trước khi hội chợ khai mạc, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng, Trung Quốc cam kết cải thiện quan hệ với ASEAN và nước này sẽ ưu tiên ASEAN trong các dự án thuộc sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”. Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á do Trung Quốc sáng lập sẽ cấp tiền cho các dự án ở ASEAN. Hợp tác năng lực công nghiệp và cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương sẽ được ủng hộ, báo Trung Quốc China Daily dẫn lời ông Lưu.

Đầu tư phải bảo vệ môi trường

Chủ trì hội nghị bàn tròn đối thoại với các giám đốc điều hành của các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc chiều 11/9 tại Quảng Tây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu khái quát về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam, những tiềm năng, cơ hội mà các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc có thể đón bắt để đầu tư. Thủ tướng nhấn mạnh định hướng của nền kinh tế Việt Nam là cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, bảo đảm phát triển bền vững. Thủ tướng khẳng định quan điểm xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch cho mọi doanh nghiệp cả trong và ngoài nước với phương châm coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thủ tướng cũng thông báo, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã tăng 3 bậc, đứng thứ 5 trên 10 nước ASEAN và phấn đấu vào Top 4 trong năm 2017.

“Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý các nhà đầu tư bảo vệ môi trường cho tốt, không đầu tư bằng bất cứ giá nào, cho nên phải sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Thủ tướng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến thu nhập cho công nhân để bảo đảm đời sống. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam lưu ý, một số công trình, dự án của doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc ở Việt Nam còn chậm tiến độ, như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo Trung Quốc để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, máy móc, thiết bị, điện lực, năng lượng tái tạo, du lịch, thương mại, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.