Thủ tướng: Mở rộng hạn điền để phát triển ngành lúa gạo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
TPO - Để phát triển ngành lúa gạo, cần mở rộng hạn điền, hình thành cánh đồng mẫu lớn, liên kết hộ nông dân; tổ chức mô hình HTX kiểu mới để có lợi tốt cho người trồng lúa…

Sáng 15/3, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với sự tham gia của trên 200 đại biểu đại diện các Bộ, ngành Trung ương và địa phương vùng ĐBSCL.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng lúa gạo Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL tiếp tục được xác định là an ninh lương thực quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. “Ngành lúa gạo đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi tư duy kiến tạo. Vì thế, cần tầm nhìn mới, một tầm nhìn đi kèm hoạch định chiến lược để hạt gạo mang lại giá trị cho nông dân”, Thủ tướng nói.

“Vậy tầm nhìn đó là gì?” - Thủ tướng đặt ra. Thủ tướng cho rằng: “Việt Nam phải xuất khẩu đạt kim ngạch hàng đầu thế giới, phấn đấu từ 10 - 20 năm tới hạt gạo đem lại giá trị gia tăng tốt nhất là dinh dưỡng, dược liệu góp phần củng cố và khẳng định chúng ta là nền nông nghiệp lâu đời nhất thế giới. Để đươc điều đó, tôi đề nghị chúng ta phải đổi mới sản xuất lúa gạo bằng giải pháp đột phá về thể chế chính sách. Cụ thể, là mở rộng hạn điền, hình thành cánh đồng mẫu lớn, liên kết hộ nông dân; tổ chức mô hình HTX kiểu mới để có lợi tốt cho người trồng lúa…”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị, cần phải nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo trong đó kể cả việc chống thất thoát sau thu hoạch làm giảm sức cạnh tranh. Hơn nữa, áp dụng giống tốt, canh tác hợp lý và đẩy mạnh chế biến sâu, đặc biệt cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra điểm yếu hiện nay là lúa gạo từ nông dân ra nhà máy chế biến đi lòng vòng chi phí lớn. Vì thế, các địa phương tìm cách hạn chế lúa đi lòng vòng qua thương lái, 'cò' làm ảnh hưởng lợi nhuận nông dân mà nên thông qua HTX và cần làm tốt khâu này để giảm chi phí. Mặt khác, chi phí lãi vay ngân hàng trong đầu tư, thu mua, chế biến còn cao, chưa có tín dụng hợp lý nên cần tính toán lại để hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, từ năm 1995 đến năm 2015 diện tích, năng xuất và sản lượng liên tục tăng. Cụ thể, diện tích gieo trồng lúa tại ĐBSCL tăng từ 3,2 triệu ha lên 4,3 triệu ha; năng xuất lúa tăng từ 40,2 tạ/ha lên 59,6 tạ/ha; sản lượng lúa tăng từ 12,8 triệu tấn lên 25,7 triệu tấn, chiếm gần 60% sản lượng cả nước. Thời gian qua sản xuất lúa góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo, ổn định chính trị, xã hội vùng ĐBSCL. Sản xuất góp phần quan trọng tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Vùng ĐBSCL cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Hiện nay, gạo của Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 150 nước, thị trường chính là Trung Quốc chiếm 38%, Philippines 9%, Malaysia 9% và một số nước khác như Indonesia, Singapore…

Thủ tướng: Mở rộng hạn điền để phát triển ngành lúa gạo ảnh 1

Thu hoạch lúa ở An Giang.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, sản xuất lúa gạo của ĐBSCL còn nhiều tồn tại. Cụ thể là hiệu quả giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường lúa gạo còn thấp, chủ yếu do tỷ lệ thất thoát cao13,7%, trong khi đó các nước khác như Thái Lan chỉ có 6,1%, Ấn Độ 6%.

Khả năng cạnh tranh thương mại và hội nhập quốc tế của sản phẩm lúa gạo chưa cao, thị trường lúa gạo thiếu tính ổn định. Thu nhập của nông dân trồng lúa vùng ĐBSCL còn thấp, mỗi hộ canh tác 3 vụ lúa thu được lợi nhuận 35 đến 40 triệu đồng/ha/năm thấp hơn 2,7 lần so với Thái Lan, thấp hơn 1,5 lần so với Indonesia. Sản xuất lúa thiếu tính bền vững, hiệu quả sử dụng vật tư đầu vào chưa cao và chưa kiểm soát được tác động tiêu cực đến môi trường.

Thứ trưởng Doanh cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại trên là do quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, cơ giới hoá khó khăn; tốc độ hình thành mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong tiêu thụ sản phẩm còn chậm, gây khó khăn cho việc thu mua và kiểm soát chất lượng gạo; cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến nông sản còn thiếu, làm tăng tổn thất và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản; hoạt động phát triển thương mại, nhất là xuất khẩu còn yếu; thể chế và chính sách liên quan đến ngành lúa gạo còn chậm thay đổi.

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian tới nhu cầu tiêu thụ và giá gạo thế giới tăng do dự tăng trưởng dân số toàn cầu và sử dụng vào các mục đích khác. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, đến năm 2050 nhu cầu sản xuất lương thực trên thế giới phải tăng 70% so với hiện nay để nuôi đủ 9 tỷ người. 

Ngoài ra chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ sẽ thúc đẩy tái cơ cấu ngành lúa gạo nói riêng; chủ tương ưu tiên phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ tạo thuận lợi phát triển liên kết theo chiều sâu đặc biệt là vùng chuyên canh có lợi thế như ĐBSCL. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cảnh báo, bên cạnh cơ hội lớn vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, khô hạn, khan hiếm nguồn nước ngọt, hiện được xem là thách thức lớn nhất cho sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.