Thủ tướng nhận trách nhiệm trong quản lý, điều hành

Thủ tướng nhận trách nhiệm trong quản lý, điều hành
TP - "Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc nhận trách nhiệm về những yếu kém trong quản lý Nhà nước, trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua”.
Thủ tướng nhận trách nhiệm trong quản lý, điều hành ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (người đứng giữa) với các đại biểu Quốc hội.

>> Kiện toàn Quốc hội theo hướng mở rộng dân chủ

Cũng trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, QH khóa XI, diễn ra sáng qua, 20/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có báo cáo công tác cả nhiệm kỳ 2002-2007 của Chính phủ.

Theo Thủ tướng thì công cuộc phát triển KT-XH của đất nước đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá cao, văn hóa - xã hội có bước tiến bộ trên nhiều mặt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, thế và lực của đất nước được tăng cường và vững mạnh hơn.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ vẫn còn dưới mức khả năng phát triển của đất nước, hoạt động KT-XH còn nhiều yếu kém bất cập, việc huy động và sử dụng các nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội còn kém hiệu quả và chưa tương xứng với tiềm năng, tính bền vững của sự phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, văn hóa - xã hội phát triển còn chậm và còn nhiều bức xúc, cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, quan liêu tham nhũng lãng phí chưa bị đẩy lùi.

“Những yếu kém này có phần trách nhiệm của Chính phủ do những thiếu sót, bất cập trong quản lý và lãnh đạo chỉ đạo điều hành”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận.

Theo Thủ tướng, những yếu kém bất cập lớn nhất là: Thứ nhất, thể chế kinh tế thị trường chưa đồng bộ, chất lượng của sự phát triển  và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

* Trong 5 năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội 120 dự án luật, pháp lệnh (gồm 93 dự án luật, 27 dự án pháp lệnh).

Tính đến hết tháng 2/2007, Chính phủ đã xây dựng và ban hành 275 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh (gồm 266 nghị định, 04 quyết định và 05 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ).

* Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năm 2004, GDP và GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là 1.677 tỷ USD và 1.290 USD/người; tương tự, con số này của Malaysia là 117 tỷ USD và 4.650 USD/người, của Philippines là 97 tỷ USD và 1.170 USD/người, của Thái Lan là 159 tỷ USD và 1.540 USD/người, của Việt Nam là 45 tỷ USD và 562 USD/người.

Tăng trưởng kinh tế 5 năm qua vẫn thấp hơn so với khả năng và chậm hơn nhiều nước trong khu vực ở thời kỳ đầu công nghiệp hóa, chủ yếu dựa vào các nhân tố phát triển theo chiều rộng, vào những ngành sản xuất có công nghệ thấp, tiêu hao vật chất cao, sử dụng nhiều tài nguyên, vốn và lao động; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp; năng suất lao động và hiệu quả kinh tế tăng chậm.

Thu ngân sách còn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ thuế nhập khẩu và dầu thô.

Thứ hai, Cơ chế quản lý đổi mới chậm và chưa đồng bộ, chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa, xã hội còn thấp.

Thứ ba, cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm; quan liêu tham nhũng lãng phí chưa bị đẩy lùi.

Thủ tướng nhấn mạnh đến tồn tại, yếu kém của hệ thống hành chính Nhà nước từ trung ương đến cơ sở còn nhiều yếu kém, bất cập, hoạt động thiếu thống nhất, thông suốt, chưa ngang tầm đòi hỏi của sự nghiệp phát triển đất nước.

Tình trạng tổ chức bộ máy cồng kềnh, chức năng chồng chéo, chế độ trách nhiệm và quyền hạn về tổ chức cán bộ không rõ ràng... vẫn chưa được khắc phục.

Công tác xây dựng thể chế về phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ; cơ chế quản lý kinh tế và quản lý tài sản nhà nước vẫn còn nhiều sơ hở.

Việc triển khai công tác phòng, chống tham nhũng không ít nơi thực hiện chưa nghiêm; nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện nhưng việc điều tra xét xử còn chậm, có việc xử lý chưa nghiêm. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa được đề cao…

“Những thiếu sót, bất cập nêu trên có nguyên nhân chủ quan về chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa ngang tầm và còn nhiều yếu kém. Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc nhận trách nhiệm về những yếu kém trong quản lý Nhà nước, trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua”- Thủ tướng nói.  

MỚI - NÓNG