Thủ tướng: Phân cấp rõ ràng, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin-cho

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016. Ảnh: Quang Hiếu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016. Ảnh: Quang Hiếu.
TP - Sáng 4/5, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường; hạn chế, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin-cho.  Chính phủ cần tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách, tạo môi trường cho đầu tư, kinh doanh phát triển.

Lãng phí, quan liêu còn nặng nề

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ ngay sau khi Chính phủ được kiện toàn, phải đối phó với rất nhiều vấn đề phát sinh như tăng trưởng kinh tế quý I thấp hơn cùng kỳ năm trước (5,46% so với 6,12%); lạm phát 4 tháng đã tăng 1,33%, trong khi sức ép về tăng giá còn rất lớn; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và sự cố môi trường khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung… Bên cạnh đó, còn tồn tại một số khó khăn, như: kỷ luật, kỷ cương còn lơi lỏng; còn tình trạng sử dụng nhiều biện pháp mang tính hành chính, ít tính thị trường; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu còn nặng nề; việc xây dựng thể chế còn bất cập…

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ cho người dân, nhất là người yếm thế trong xã hội. “Có dân là có tất cả. Không có dân là không thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ: “Phải chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân; phải nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 4 tháng đầu năm tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; lãi suất tương đối ổn định… Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng quý I/ 2016, GDP chỉ tăng 5,46%, thấp hơn so với tốc độ tăng của Quý IV năm 2015. Sự giảm sút tốc độ tăng trưởng không chỉ trong nông nghiệp, là ngành bị thiệt hại nặng do thiên tai; mà cả trong công nghiệp chế biến, được dự báo là ngành phục hồi nhanh và có tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, phân tích, sớm tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến hiện tượng cá chết ở ven biển miền Trung. Ngân sách nhà nước cấp ngay các khoản chi để thuê các tổ chức nước ngoài có trình độ và kinh nghiệm (như Nhật Bản) để phân tích, xét nghiệm chất và nguồn gây ô nhiễm. Trên cơ sở đó, Chính phủ có các giải pháp, chính sách khắc phục và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm.

Đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên ngành tổ chức hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản thường xuyên theo dõi, phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường của môi trường nuôi. Khuyến cáo người nuôi trồng tạm thời chưa thả giống, không lấy nước vào ao, đầm nuôi vùng bị ô nhiễm trong khi chờ xác định rõ nguyên nhân.

Xóa bỏ cơ chế xin - cho

Đề cập đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Chính phủ phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, bộ trưởng đề nghị cần thống nhất quan điểm đổi mới, cải cách thể chế theo hướng “một cửa liên thông”, tránh tình trạng bộ trưởng, thứ trưởng quyết liệt, nhưng cấp dưới lại thiếu quyết liệt hoặc tuy áp dụng điện tử hóa nhưng lại vẽ ra thủ tục, giấy tờ này khác làm khó doanh nghiệp. Bà Tiến cũng đề nghị kiên quyết loại bỏ các loại giấy phép con trong đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phải chuyển từ phương thức mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, phục vụ. “Cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế, tiến tới xoá bỏ cơ chế xin-cho. 

Cái gì thị trường làm được thì để thị trường làm, Chính phủ tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách, tạo môi trường cho đầu tư kinh doanh phát triển”, Thủ tướng nói và cho rằng, cần phân cấp, phân quyền rõ ràng, cái gì bộ, ngành, địa phương làm tốt thì để bộ, ngành, địa phương làm, không đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp với tinh thần đổi mới, chủ động, năng động sáng tạo, tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả lĩnh vực theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, thực hiện kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai ngay Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP. 

Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc; đơn giản và công khai thủ tục hành chính; loại bỏ giấy phép con không phù hợp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển theo tinh thần của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới...

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) theo dõi, kiểm tra việc thực hiện tháo gỡ vướng mắc, khó khăn theo kiến nghị của doanh nghiệp nêu tại Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 29/4, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.