Thừa và thiếu

Thừa và thiếu
TP - Câu chuyện tiêu cực trong thi tuyển công chức, tuyển “con ông, cháu cha” vào làm việc trong các cơ quan nhà nước được nói đến nhiều năm qua.

Từ thông tin “công chức 100 triệu” tại Hà Nội đến nghi vấn “cháu lãnh đạo cục” tại Bộ Công Thương đã khiến dư luận thêm hoài nghi về chất lượng của đội ngũ công chức nhà nước- những công bộc của dân - vốn đòi hỏi cả về đạo đức và trình độ để xây dựng một bộ máy hành chính hiệu lực, hiệu quả, thông suốt. 


Suy cho cùng có chuyện “con ông, cháu cha” do làm công chức nhà nước ở ta dễ quá, làm được việc hay không làm được việc thì cuối năm vẫn đa số là “hoàn thành nhiệm vụ”. Cơ chế bầu bán, xếp loại công chức cuối năm là hình thức, bỏ phiếu tập thể nên đa số là dĩ hòa vi quý. Như Bộ trưởng Nội vụ từng công bố trước Quốc hội là chỉ gần 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. 

Thêm vào đó, vị trí việc làm không được xác định rõ ràng, trách nhiệm tập thể chung chung khiến nhiều cơ quan thừa công chức mà bộ máy vận hành vẫn ì ạch. 

Hàng vạn sổ đỏ của dân chưa được cấp đúng hẹn, thủ tục cấp phép xây dựng, quản lý dự án đô thị... với hàng núi công việc vẫn đang bị ùn ứ tại nhiều cơ quan hành chính. 

Ngay như tại Hà Nội, phải tuyển thêm tới hơn hàng nghìn lao động hợp đồng vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước. Như vậy, hàng nghìn lao động hợp đồng đang làm thay công chức. 

Trong khi đó, giám sát tại Sở Công Thương cho thấy, một bộ phận công chức tuổi cao, năng lực làm việc yếu nhưng không thể loại bỏ được. Như vậy là, thừa thì vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu. 

Thừa ở đây là những công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà có thông tin cho là chiếm tới 30% trong bộ máy nhà nước, còn thiếu là những cán bộ trẻ, có năng lực, được đào tạo bài bản đang phải chấp nhận làm hợp đồng với đồng lương rẻ mạt. Câu chuyện này có lẽ chẳng ở đâu như Việt Nam.

MỚI - NÓNG